Sa sâm nam thường xuất hiện trong các bài thuốc Y học cổ truyền Việt Nam với công dụng như mát phổi; giảm ho; long đờm; lợi sữa;…. Hãy cùng Dược Bình Đông tìm hiểu chi tiết về đặc điểm, các bài thuốc từ Sa sâm nam và các lưu ý khi sử dụng bài thuốc này trong bài viết dưới đây nhé.
1. Giới thiệu về Sa sâm nam
Sa sâm nam có tên khoa học là Launaea pinnatifida Cass., họ Cúc (Asteraceae). Vị thuốc này còn có tên gọi khác là: Sa sâm Việt Nam, Nam sa sâm, Xà lách biển, Hải cúc trườn.
Sa sâm nam phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới thuộc châu Á và châu Phi. Ở Việt Nam, cây phân bố ở vùng ven biển, các đảo lớn từ Quảng Ninh, Hải Phòng đến Đồng Nai. Ngoài ra, người ta còn thấy loại cây này ở vùng ven biển phía nam Trung Quốc (Đảo Hải Nam), Ai Cập, Ấn Độ và một số nơi ở Châu Phi.
Một số đặc điểm của cây Sa sâm nam:
- Cây thảo sống lâu năm, có rễ mềm màu vàng nhạt mọc thẳng xuống, dài khoảng 15 – 25cm. Ở mỗi gốc có thể mọc 2 – 3 thân bò có hình sợi dài và bò lan xung quanh.
- Lá mọc từ gốc, xếp thành hoa thị xung quanh gốc cây. Lá dài khoảng 5 – 8cm, xẻ lông chim gồm có 7 – 8 thùy. Mép lá có răng cưa thưa và không đều.
- Hoa màu vàng, mọc ở đốt và gốc. Cuống hoa ngắn, thường mọc đơn độc và thành ngù ít hoa.
- Quả bế có hình trụ, phần đầu hơi thon lại, có độ dài khoảng 4mm với chùm lông sớm rụng.
Người ta thường sử dụng phần rễ của cây Sa sâm nam làm thuốc. Thời điểm thích hợp để thu hoạch cây thuốc là vào tháng 3 – 4 và tháng 8 – 9. Sau khi thu hoạch, rễ cây được rửa sạch bằng nước vo gạo, rồi đem đồ chín và phơi khô. Hoặc có thể sơ chế bằng cách, sau khi rửa sạch ngâm nước phèn chua theo tỷ lệ 1/5 hoặc 2/5, rồi phơi cho se và xông diêm sinh hơn 1 giờ, sau đó đem phơi khô hẳn. Rễ Sa sâm nam sau khi sơ chế được bảo quản nơi thoáng mát, khô ráo để hạn chế sâu mọt, nấm mốc.
2. Công dụng của Sa sâm nam
Sa sâm nam là loại thảo dược quý nên được sử dụng nhiều ở Việt Nam. Cùng Dược Bình Đông tìm hiểu công dụng của vị thuốc này theo góc nhìn Tây y và Đông y.
2.1. Theo Tây y
Sa sâm nam theo Tây y có tác dụng dược lý là giãn mạch, tăng cường lực cơ tim, trừ đờm, kháng khuẩn. Một số thành phần hóa học của cây Sa sâm nam bao gồm:
- Acid triterpenic.
- Dẫn chất của Psoralen và Scopoletin.
- Polysaccharid.
- Tinh dầu.
- β-sitosterol.
- Dẫn xuất của Coumarin.
- Chất béo.
2.2. Theo Đông y
Vị thuốc Sa sâm nam trong Đông y có các đặc điểm như sau:
- Tính vị: Vị ngọt, nhạt, hơi đắng, tính hàn.
- Quy kinh: Phế.
- Công năng: Dinh dưỡng, thanh phế, trừ hư nhiệt, trừ ho, khử đờm.
- Chủ trị: Dùng trong các trường hợp phế âm không đủ, hư nhiệt sinh ho, ho khan ho có đờm.
3. Bài thuốc sử dụng với Sa sâm nam
Ở Việt Nam, Sa sâm nam thường xuất hiện trong các bài thuốc chữa bệnh ho, trừ đờm, sốt,… Một số nơi khác, người dân hái lá ăn sống như rau xà lách, chữa bệnh tạng bạch huyết (lymphatisme). Ngoài ra, Sa sâm nam thường được kết hợp với một số vị thuốc khác để điều trị theo từng chứng bệnh. Sau đây, Dược Bình Đông chia sẻ đến bạn một số bài thuốc từ Sa sâm nam.
3.1. Bài thuốc chữa lao phổi, viêm phế quản mãn tính và giãn phế quản
- Thành phần: 20g Sa sâm, 12g Ngọc trúc, 12g Tang diệp, 12g Thiên hoa, 12g Biển đậu, 4g Cam thảo.
- Cách dùng: Rửa sạch các thành phần trên rồi đem sắc lấy nước uống.
3.2. Bài thuốc trị phổi yếu, mất tiếng và chứng hư nhược khí ngắn (Thang thanh kim ích khí)
- Thành phần: 20g Sa sâm, 20g Sinh địa, 12g Tri mẫu, 12g Ngưu bàng tử, 12g Huyền sâm, 6g Xuyên bối mẫu, 4g Hoàng kỳ.
- Cách dùng: Rửa sạch các thành phần trên rồi đem sắc lấy nước uống.
3.3. Bài thuốc trị thổ huyết, phổi yếu, nóng sốt, khó thở, mạch nhanh
- Thành phần: 15g Sa sâm, 10g Tía tô, 4g Cửu lý hương sao, 5 lát Gừng nướng, 1 quả Chanh non được thái miếng nhỏ.
- Cách dùng: Sắc uống 1 thang mỗi ngày, chia 2 lần.
3.4. Bài thuốc trị họng khô, miệng khát, sốt
- Thành phần: 20g Sa sâm, 20g rễ Vú bò, 20g Bạch truật nam, 12g Hoài sơn, 20g Hà thủ ô, 20g rễ Cà gai leo, 12g Cam thảo nam, 12g rễ cây Lứt, 8g Trần bì, 4g Gừng.
- Cách dùng: Sắc uống 1 thang mỗi ngày, chia 2 lần. Cũng có thể tán các thành phần trên thành bột rồi làm viên, dùng 2 – 3 lần/ngày, mỗi lần 20g.
3.5. Bài thuốc trị tức ngực, ho có đờm và bệnh viêm phổi (Thang ích vị)
- Thành phần: 20g Sinh địa, 16g Sa sâm, 12g Mạch đông, 12g Ngọc trúc.
- Cách dùng: Rửa sạch các thành phần trên rồi đem sắc lấy nước uống. Uống mỗi ngày 1 thang.
3.6. Bài thuốc trị vàng da, bệnh thiếu máu (Bổ huyết)
- Thành phần: 12g Sa sâm, 12g bột Nghệ, 4g Hồi hương, 4g Quế nhục.
- Cách dùng: Đem các thành phần trên sắc lấy nước. Uống mỗi ngày 1 thang.
Trên đây là một số bài thuốc từ Sa sâm thường được sử dụng trong Y học cổ truyền. Ngoài ra, vị thuốc này còn được biết đến với một số công dụng khác như giảm đau nhức răng, viêm nhiễm thời kỳ cuối, chữa sán khí, ợ chua, đầy bụng, thổ huyết,…
4 . Một số lưu ý khi sử dụng Sa sâm nam
Mặc dù, Sa sâm nam được xem là vị thuốc tương đối lành tính và mang lại nhiều hiệu quả điều trị các bệnh khác nhau nhưng bạn cần thận trọng, lưu ý những điểm sau khi sử dụng loại dược liệu này:
- Sa sâm là tên gọi chung của một nhóm những cây khác nhau, thuộc các họ không giống nhau. Sa sâm nam thuộc họ Cúc (Asteraceae) khác với Sa sâm Bắc thuộc họ Hoa tán (Apiaceae),… Vì thế, bạn cần xem xét kỹ nguồn gốc để tránh những rủi ro có thể xảy ra khi sử dụng.
- Có thể dùng đơn lẻ Sa sâm nam hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
- Đối tượng không nên sử dụng: Người mắc hội chứng hư hàn, âm hư phổi táo hoặc ho do nhiễm hàn, bệnh nhân viêm gan C (vì có thể gây đau tức vùng gan),…
- Không nên sử dụng đồng thời với Lê lô vì có thể gây tương tác.
- Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng để có thể đạt được hiệu quả tốt nhất và hạn chế một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra.
- Khi sử dụng Sa sâm nam, hãy kết hợp với thực phẩm tốt cho phổi và các món ăn bổ phổi để cơ thể nhanh chóng hồi phục và mau khỏi bệnh.
5. Tổng kết
Bài viết trên, Dược Bình Đông đã giới thiệu đến quý bạn đọc vị thuốc Sa sâm nam với một số công dụng quý như chữa ho khan, ho có đờm, bổ phế, thanh phế, viêm phế quản, dùng trong các trường hợp phụ nữ ít sữa sau sinh, đau nhức răng,… Hy vọng bạn đọc có thêm nhiều thông tin bổ ích, sử dụng đúng cách Sa sâm nam để phục hồi sức khỏe tốt nhất.
Bạn đọc có thể tham khảo thêm về các vị thuốc quý và thông tin sức khỏe khác tại website của Dược Bình Đông. Công ty Dược Bình Đông dựa trên kinh nghiệm dày dặn về Y học cổ truyền và ứng dụng công nghệ hiện đại để nỗ lực nghiên cứu cách kết hợp dược liệu quý, từ đó cho ra đời các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe tốt nhất cho cộng đồng.
Trong đó, có thể kể đến sản phẩm được nhiều người tin dùng đó là Thiên Môn Bổ Phổi của Dược Bình Đông. Sản phẩm hỗ trợ sức khỏe phổi sử dụng các dược liệu quý như: Trần bì, Thiên môn đông, Kinh giới, Bình vôi, Tang bạch bì,… có công dụng giúp bổ phổi hỗ trợ giảm ho khan, ho có đờm, ho lâu ngày không khỏi, ho gió, ho về đêm và sáng sớm, bệnh viêm phế quản,…
Nếu bạn quan tâm đến các sản phẩm của công ty thì vui lòng liên hệ tới hotline (028)39 808 808 để nhận được tư vấn, hỗ trợ trong thời gian sớm nhất nhé!