Lá Tía tô không chỉ là một loại rau xanh quen thuộc trong bữa ăn hằng ngày của người Việt mà còn là một loại dược liệu được sử dụng lâu đời trong dân gian. Trong lá Tía tô có chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, có tác dụng trong việc phòng bệnh và bảo vệ sức khỏe tim mạch, giúp cải thiện trí nhớ, duy trì thị lực. Trong bài viết dưới đây, Dược Bình Đông sẽ trình bày cụ thể hơn về công dụng của lá Tía tô, cách sử dụng và những vấn đề cần lưu ý để đảm bảo an toàn.
1. Giới thiệu về lá Tía tô
Vị thuốc lá Tía tô là phần lá tươi hoặc lá đã được phơi khô của cây Tía tô – có tên khoa học là Perilla frutescens (L.) Britt., thuộc họ Bạc hà (Lamiaceae).
Tía tô là loài cây thân thảo, cao khoảng 0.5 – 1m. Thân cây có màu tím đậm, toàn bộ cây được phủ một lớp lông nhỏ, mùi thơm dễ chịu nhờ tinh dầu đặc trưng. Lá Tía tô mọc đối xứng nhau, mép lá có răng cưa, đầu lá nhọn, hai mặt được phủ một lớp lông nhám, gân lá có màu tím hoặc xanh. Mặt trên của lá Tía tô có màu xanh, mặt dưới có màu tím tía, có một số cây cả mặt trên và dưới lá đều có màu xanh hoặc tím.
Hoa Tía tô có kích thước nhỏ, có màu tím hoặc trắng, mọc thành xim ở đầu cành, nở vào khoảng tháng 7 đến tháng 9. Quả Tía tô nhỏ, có hình cầu hoặc hình trứng, xuất hiện vào khoảng tháng 10 đến tháng 12.
Lá Tía tô là bộ phận được dùng để làm thuốc, có thể sử dụng lá Tía tô tươi hoặc khô. Có một số cách sử dụng lá Tía tô phổ biến như ăn trực tiếp, uống như trà hoặc kết hợp với các loại thảo dược khác trong các bài thuốc.
2. Công dụng của lá Tía tô
Lá Tía tô là một loại thảo dược quen thuộc, được sử dụng phổ biến trong các bài thuốc dân gian. Nhờ vào các hoạt chất cùng tính vị đặc trưng, lá Tía tô đã được ứng dụng trong cả Đông y và Tây y để hỗ trợ điều trị nhiều bệnh khác nhau.
2.1. Theo Tây y
Lá Tía tô có chứa nhiều thành phần hóa học giá trị, có tác dụng hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh. Đặc biệt, lá Tía tô có chứa 0.5% tinh dầu bao gồm các hoạt chất có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn và chống oxy hóa. Cụ thể:
- Perillaldehyd, L-perilla alcohol, Limonen: Hoạt chất Perillaldehyd có trong tinh dầu Tía tô có khả năng chống oxy hóa mạnh, có thể ngăn chặn được các gốc tự do như ABTS, DPPH,…
- Flavonoid (Quercetin, Luteolin, Apigenin, Scutellarin): Hợp chất Flavonoid là chất chống oxy hóa mạnh mẽ có trong tinh dầu Tía tô, giúp điều chỉnh các hoạt động của tế bào, chống lại các gốc tự do, bảo vệ cơ thể trước các chất độc và tác nhân gây căng thẳng, chống lại phản ứng viêm.
- Thành phần khác: Axit Phenol (các Axit Caffeic, Ferulic, Rosmarinic), Triterpenoid (Axit Oleanolic, Axit Ursolic, Axit Tormentid, Axit Corosolic), Phytosterol (β-sitosterol, Stigmasterol, Campesterol), Vitamin E,… có tác dụng chống oxy hóa, giảm Cholesterol, kháng viêm.
Nhờ vào những hoạt chất đó, lá Tía tô đã được ứng dụng rộng rãi trong các sản phẩm chăm sóc sức khỏe với những công dụng nổi bật như:
- Hỗ trợ hệ hô hấp và hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, ho ra đờm, cảm lạnh, viêm nhiễm, hen suyễn,…
- Giúp làm giảm Cholesterol trong máu, chống xơ vữa động mạch, tốt cho sức khỏe của tim mạch và hệ tuần hoàn.
- Giúp kiểm soát bệnh mỡ máu, bệnh tiểu đường và các biến chứng của bệnh tiểu đường.
- Có khả năng chống oxy hóa, bảo vệ tế bào và chống các bệnh ung thư.
- Giúp cải thiện sức khỏe tinh thần như làm giảm căng thẳng, ngủ ngon sâu giấc hơn và chống trầm cảm.
- Giúp thanh lọc cơ thể, đào thải độc tố, làm giảm tình trạng nổi mề đay, mụn nhọt do nóng trong, mẩn ngứa tích tụ do độc tố, giảm cân.
- Cải thiện các tổn thương tế bào thần kinh, tăng cường trí nhớ, bảo vệ tế bào thần kinh.
2.2. Theo Đông y
Lá Tía tô là một vị thuốc quý với khả năng hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh lý khác nhau, giúp làm giảm các triệu chứng bệnh hiệu quả.
- Tính vị: Tính ôn, vị cay.
- Quy kinh: Phế, Tỳ.
- Công dụng: Giải uất, hóa đờm, phát tán phong hàn, lý khí khoan hung, an thai, giải độc của cua cá.
- Chủ trị: Chữa ho, ra mồ hôi, giúp tiêu hoá, chữa cảm mạo, giảm đau, giải độc, còn có tác dụng chữa bị ngộ độc nôn mửa, đau bụng do ăn cá cua.
3. Những cách sử dụng lá Tía tô trong hỗ trợ điều trị bệnh
Tùy vào bệnh lý khác nhau, cách sử dụng lá Tía tô trong hỗ trợ điều trị bệnh cũng khác nhau. Dưới đây là một số cách sử dụng lá Tía tô phổ biến mà bạn có thể tham khảo:
3.1. Nước lá Tía tô (trà lá Tía tô)
Lá Tía tô có công dụng kháng viêm, kháng khuẩn, chống oxy hóa, giải độc và thanh lọc cơ thể. Do đó, nước lá Tía tô được nhiều người sử dụng để giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ hệ tiêu hóa, ngăn ngừa mụn nhọt và làm đẹp da. Nước Tía tô được ưa chuộng không chỉ vì nó mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe mà còn vì cách làm đơn giản, dễ thực hiện tại nhà.
Sau đây là cách làm trà Tía tô mà bạn có thể tham khảo thực hiện:
Cách 1: Trà lá Tía tô tươi
- Bước 1: Chọn những lá Tía tô tươi, sạch, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
- Bước 2: Lấy một nắm lá Tía tô đem rửa sạch, ngâm với nước muối loãng, sau đó rửa thêm một lần nữa.
- Bước 3: Cho nguyên lá hoặc vò nát lá rồi cho vào ấm trà để hãm với nước sôi, chờ khoảng 3 – 5 phút là có thể uống được.
Cách 2: Trà lá Tía tô khô
- Bước 1: Chọn lá Tía tô tươi, sạch, chất lượng.
- Bước 2: Đem lá Tía tô đi phơi khô hai nắng, cất lá khô vào túi để dùng dần.
- Bước 3: Mỗi lần dùng lá Tía tô khô để hãm trà, bạn lấy một nắm lá nhỏ cho vào ấm để hãm bằng nước sôi, chờ vài phút là có thể uống được.
Cách 3: Trà bột lá Tía tô
- Bước 1: Lá Tía tô đã được đem đi phơi như cách trên, rồi đem giã thành bột hoặc xay cho mịn khi lá còn giòn.
- Bước 2: Bảo quản bột lá Tía tô vào hũ nhựa hoặc hũ thủy tinh rồi để ở nơi thoáng mát. Khi dùng bột lá Tía tô để pha trà, bạn lấy 2 thìa cà phê cho vào chén nước sôi rồi khuấy đều, đợi vài phút rồi uống.
Ngoài những cách trên, bạn còn có thể kết hợp lá Tía tô với các nguyên liệu khác như Giấm táo, Gừng, nước cốt Chanh, Mật ong hoặc Đường phèn để cải thiện hương vị và tăng hiệu quả hỗ trợ điều trị bệnh lý.
Tuy nhiên, khi uống nước lá Tía tô, bạn cần lưu ý đến một số điều sau để đảm bảo an toàn cho sức khỏe:
- Mỗi ngày chỉ nên uống từ 3 – 4 ly nước Tía tô, không uống quá nhiều để tránh gây ra tình trạng đầy bụng, khó tiêu, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
- Nên bảo quản nước lá Tía tô trong ngăn mát tủ lạnh và chỉ sử dụng trong 24h để đảm bảo chất lượng và hiệu quả tốt nhất.
- Theo quan điểm của người Nhật, bạn nên uống nước lá Tía tô trước bữa ăn khoảng 10 – 30 phút để đạt hiệu quả tốt nhất.
3.2. Đắp lá Tía tô
Đây là cách có thể giúp làm giảm viêm, làm dịu các nốt mẩn ngứa, mề đay, hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp,… bởi việc đắp lá Tía tô sẽ giúp các hoạt chất thẩm thấu qua da, phát huy khả năng chống viêm, giảm đau nhanh chóng. Cách thực hiện việc đắp lá Tía tô vô cùng đơn giản như sau:
- Để chữa mẩn ngứa, mề đay: Đem lá Tía tô giã lấy nước cốt để uống, lấy phần bã đắp lên vùng da đang bị mề đay, mẩn ngứa. Sau khi da khô lại, bạn rửa sạch vùng da này bằng nước ấm.
- Để làm giảm đau do thoái hóa khớp: Bạn có thể lấy một nắm lá Tía tô tươi đem giã nhuyễn rồi đắp lên vùng xương khớp đang bị đau. Tốt nhất bạn nên đắp vào buổi tối và để qua đêm.
- Để làm giảm viêm khớp gối: Lấy lá Tía tô bỏ vào nước, đun sôi rồi để nguội. Dùng nước này để ngâm chân trong thời gian khoảng 15 – 20 phút.
3.3. Bài thuốc từ lá Tía tô
Lá Tía tô còn được kết hợp với các loại thảo dược khác để tạo thành bài thuốc chữa bệnh, đặc biệt là những bài thuốc trị cảm mạo, trị ho, viêm đường hô hấp và ngộ độc. Sau đây là một số bài thuốc từ lá Tía tô được sử dụng để chữa bệnh phổ biến:
- Bài thuốc chữa ho, tiêu đờm: Dùng 6 – 12g Tía tô, 8 – 12g La bạc tử, 6 – 8g Bạch giới tử đem sắc, uống mỗi ngày 1 thang. Nước sắc đem chia thành 2 lần uống. Bài thuốc này giúp trị ho, tiêu đờm và làm dịu các triệu chứng của viêm đường hô hấp trên, cũng như viêm phế quản cấp và mạn tính.
- Bài thuốc chữa cảm mạo, nhức đầu, sốt, đau xương khớp: Dùng 2g lá Tía tô, 2g Mộc hương, 2g Tiền hồ, 2g Cát cánh, 2g Chỉ xác đem sắc với 600ml nước cho đến khi cô còn 200ml. Uống khi còn nóng và chỉ uống trong ngày.
- Bài thuốc chữa hen suyễn, ho có đờm: Dùng hạt 9g Tía tô, 9g hạt Cải thìa và 9g hạt Củ cải đem tán bột, trộn đều, pha với nước để uống trong ngày.
- Bài thuốc chữa ho, tức ngực, khó thở: Lấy cành lá Tía tô, vỏ rễ cây Dâu đã bóc trắng đem sắc một chén nước dùng để uống.
- Bài thuốc chữa ngộ độc hải sản: 10g lá Tía tô, 8g Sinh khương, 4g Cam thảo sắc với 600ml nước cho đến khi cô lại còn 200ml. Dùng để uống trong ngày và uống khi còn nóng.
Tìm hiểu thêm công dụng của lá tía tô trong việc trị ho bài viết “Gợi ý cho bạn các mẹo trị ho bằng lá tía tô an toàn, hiệu quả”.
3.4. Ứng dụng khác
Ngoài việc dùng để làm trà thảo dược, các bài thuốc, lá Tía tô còn được sử dụng rộng rãi trong đời sống với nhiều cách chế biến khác nhau như:
- Ăn trực tiếp lá Tía tô để giúp thanh nhiệt, giải độc cho cơ thể.
- Dùng 1 nắm gạo, 1 nắm lá Tía tô tươi, 2 quả trứng gà ta, hành tím để nấu cháo Tía tô. Khi cháo chín mềm, bạn nêm nếm gia vị cho vừa ăn, cho trứng gà vào khuấy đều, bỏ lá Tía tô vào trộn đều là có thể dùng được.
- Sử dụng lá Tía tô làm rau ăn kèm trong các bữa ăn.
- Ngoài ra, bạn có thể nấu nước lá Tía tô để xông hơi, giúp trị cảm cúm, cảm lạnh và làm sạch đường hô hấp.
4 . Một số lưu ý để sử dụng Tía tô an toàn
4.1. Những lưu ý khi sử dụng lá Tía tô
Mặc dù lá Tía tô mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng bạn cần phải nắm rõ những điều cần lưu ý dưới đây để đảm bảo an toàn khi sử dụng:
- Không dùng Tía tô quá nhiều để tránh gây ra tình trạng mệt mỏi, tiểu tiện đỏ, táo bón.
- Vị thuốc Tía tô chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, phục hồi sức khỏe khi mắc phải các bệnh nhẹ có liên quan đến cảm lạnh, ho, nhức đầu, nghẹt mũi. Đối với những trường hợp bệnh nặng, cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn điều trị.
- Không dùng lá Tía tô cho người bị cảm phong nhiệt để tránh khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
- Nếu dùng lá Tía tô trong thời gian dài, dùng quá nhiều sẽ làm tăng huyết áp. Do đó, trước khi sử dụng thuốc thì bạn cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc Y học cổ truyền để được hướng dẫn sử dụng đúng cách.
4.2. Kết hợp những thói quen tốt cho sức khỏe
Ngoài việc sử dụng lá Tía tô để chữa bệnh, bạn cần duy trì những thói quen tốt cho sức khỏe để tăng sức đề kháng, nâng cao sức khỏe tổng thể. Sau đây là một số thói quen lành mạnh mà bạn có thể thực hiện hàng ngày:
- Uống nước đầy đủ để tăng cường sức đề kháng, thanh lọc cơ thể, loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể, giảm stress,…
- Rèn luyện sức khỏe thường xuyên bằng các bài tập phù hợp như yoga, đi xe đạp, bơi lội, tập gym,… để tăng cường miễn dịch, cải thiện tuần hoàn máu.
- Xây dựng chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế các món ăn dầu mỡ, bổ sung thêm rau xanh, hạt ngũ cốc, trái cây,…
- Ngủ sớm trước 23h, ngủ đúng giờ và ngủ đủ 7 – 9 tiếng mỗi ngày.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh lý, các dấu hiệu bất thường của sức khỏe, điều trị kịp thời.
5. Tổng kết
Lá Tía tô có chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe nên được sử dụng nhiều trong các bữa ăn hàng ngày cũng như nhiều bài thuốc chữa bệnh trong dân gian. Lá Tía tô không chỉ được sử dụng để trị ho, tiêu đờm, chữa cảm mạo, chữa tình trạng ho tức ngực, ho có đờm, nhức mỏi xương khớp,… mà còn có công dụng phòng ngừa các bệnh tiểu đường, tim mạch, ung thư.
Nếu bạn đang tìm kiếm sản phẩm có công dụng hỗ trợ điều trị các bệnh về đường hô hấp có nguồn gốc từ thiên nhiên, bạn có thể tham khảo một số sản phẩm của Dược Bình Đông như Thiên Môn Bổ Phổi, Thiên Môn Bổ Phổi Trẻ Em, Viên Ngậm Thảo Mộc Ho Thiên Môn. Đây là những sản phẩm được bào chế từ các loại thảo dược thiên nhiên, được nhiều người tin dùng và đánh giá cao về hiệu quả chăm sóc sức khỏe của đường hô hấp.
Dược Bình Đông là đơn vị đã có hơn 70 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển các sản phẩm từ thảo dược thiên nhiên. Các sản phẩm của chúng tôi được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, đạt tiêu chuẩn GMP của Bộ Y tế, nên bạn có thể hoàn toàn yên tâm sử dụng. Nếu bạn quan tâm đến các sản phẩm bảo vệ sức khỏe của Dược Bình Đông, vui lòng liên hệ đến hotline 028.39.808.808 để được tư vấn cụ thể bạn nhé!