Tía tô là loại rau xanh quen thuộc trong bữa ăn. Trong y học cổ truyền, vị thuốc này còn có tên là Tô diệp. Tô diệp có vị cay, tính ấm, quy vào kinh Tỳ, Phế. Nó có tác dụng giải cảm lạnh, hạ sốt, điều hòa chức năng tiêu hóa, giải độc cua cá và an thai.
Bên cạnh đó, Tía tô còn có công dụng trừ ho và trị ho có đờm, giúp làm ấm cơ thể và giảm các triệu chứng cảm lạnh. Theo Y học hiện đại, lá Tía tô chứa nhiều tinh dầu có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm, giúp làm dịu cơn ho và giảm viêm họng hiệu quả. Từ lâu, việc sử dụng lá Tía tô để trị ho là cách chữa hiệu quả, an toàn và được truyền tai trong dân gian. Hãy cùng Dược Bình Đông tìm hiểu các mẹo trị ho từ Tía tô đơn giản, dễ thực hiện tại nhà qua bài viết sau.
1. Lá Tía tô có tác dụng gì?
Vị thuốc lá Tía tô là phần lá tươi hoặc đã được phơi khô của cây Tía tô – loài cây có tên khoa học là Perilla frutescens (L.) Britt., thuộc họ Bạc hà – Lamiaceae.
Lá Tía tô được sử dụng để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau trong cả Đông y và Tây y dựa trên các thành phần hóa học và tính vị đặc trưng của nó. Theo Tây Y, lá Tía tô có chứa 0.5% tinh dầu bao gồm các hoạt chất có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn và chống oxy hóa. Theo Đông Y, lá Tía tô có tính vị ôn cay, ấm có công dụng giải uất, hóa đờm, phát tán phong hàn.
Với những thành phần như trên, đối với hệ hô hấp, Tía tô chủ trị chữa ho, giải cảm, tiêu viêm, long đờm, hay các chứng ho kéo dài, giảm đau,…
Vì thế, Mẹo từ Tía tô được ưa chuộng sử dụng nhờ vào thành phần nguyên liệu tự nhiên, lành tính, dễ tìm, cách chế biến đa dạng, dễ làm tại nhà giúp cho việc trị ho trở nên dễ dàng với mức chi phí hợp lý. Trong đó, lá Tía tô là bộ phận được sử dụng để làm thuốc, có thể sử dụng lá tươi hoặc khô. Có một số cách sử dụng lá Tía tô để chữa ho như ăn trực tiếp, uống như trà hoặc kết hợp với các loại thảo dược khác trong các bài thuốc.
Tía tô phát huy tốt công dụng trong việc điều trị các vấn đề về hô hấp, cụ thể như sau:
- Kháng khuẩn, chống viêm, giúp giảm viêm đường hô hấp, hỗ trợ giảm các triệu chứng viêm họng, viêm phế quản, ho nhiều có đờm, cảm lạnh, thở khò khè và cải thiện chức năng của phổi.
- Cải thiện hơi thở cho người bị hen suyễn, vì lá Tía tô có đặc tính giãn phế quản.
- Nâng cao hoạt động hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng cho người suy nhược cơ thể.
Ngoài ra, Tía tô còn có các công dụng như giúp giảm Cholesterol, chống xơ vữa động mạch, tốt cho tim mạch và tuần hoàn máu. Tía tô còn giúp hỗ trợ kiểm soát mỡ máu, tiểu đường, chống oxy hóa và ngăn ngừa ung thư. Ngoài ra, chúng còn giúp thanh lọc cơ thể, giảm mẩn ngứa, cải thiện sức khỏe tinh thần và bảo vệ tế bào thần kinh.
Mặc dù đây là một biện pháp hỗ trợ hiệu quả tại nhà, nhưng không thể sử dụng nó như một giải pháp thay thế các phương pháp điều trị bệnh. Trong các trường hợp nghiêm trọng hoặc kéo dài, người bệnh cần thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị đúng cách, đặc biệt khi liên quan đến các bệnh lý về đường hô hấp nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản mãn tính.
2. Các mẹo trị ho bằng lá Tía tô
Các thành phẩm từ Tía tô có thể được thực hiện tại nhà bằng cách chế biến thành nước, giã lấy cốt, đun sôi, nấu cháo hoặc kết hợp với nhiều nguyên liệu khác để tạo thành các bài thuốc dân gian hỗ trợ chữa từng thể bệnh. Lá tía tô có thể dùng tươi, dạng thuốc sắc, chiết lấy tinh dầu hoặc dạng bột mịn.
Tìm hiểu thêm:
- Mẹo trị ho khan đơn giản dành cho người lớn và trẻ nhỏ tại nhà
- Mẹo bớt đau rát họng hiệu quả tại nhà
- Các mẹo dân gian trị ho ra đờm tại nhà
2.1. Nước lá Tía tô (trà lá Tía tô)
Bạn có thể sử dụng lá Tía tô tươi, khô hoặc bột lá Tía tô để chế biến thành nước lá Tía tô riêng biệt hoặc kết hợp thêm với nguyên liệu khác.
Lá Tía tô sẽ làm giảm sự phân tiết dịch nhầy trong phế quản, hoãn giải sự co thắt phế quản, do đó có tác dụng giảm ho, trừ đờm và bớt cơn hen suyễn.
Ngoài công dụng trị ho, nước lá Tía tô được nhiều người sử dụng để giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ hệ tiêu hóa, ngăn ngừa mụn nhọt và làm đẹp da. Sau đây là cách làm trà Tía tô mà bạn có thể tham khảo thực hiện:
- Trà lá Tía tô tươi: Chọn những lá Tía tô tươi, sạch, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Lấy một nắm lá Tía tô đem rửa sạch, ngâm với nước muối loãng, sau đó rửa thêm một lần nữa. Cho nguyên lá hoặc vò nát lá rồi cho vào ấm trà để hãm với nước sôi, chờ khoảng 3 – 5 phút là có thể uống được.
- Trà lá Tía tô khô: Chọn lá Tía tô có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng. Đem lá Tía tô đi phơi khô hai nắng, cất lá khô vào túi để dùng dần. Mỗi lần dùng lá Tía tô khô để hãm trà, bạn lấy một nắm lá nhỏ cho vào ấm để hãm bằng nước sôi, chờ vài phút là có thể uống được.
- Trà bột lá Tía tô: Lá Tía tô đã được đem đi phơi như cách trên, đem giã thành bột hoặc xay cho mịn khi lá còn giòn. Cất bột lá Tía tô vào hũ, bảo quản ở nơi thoáng mát. Khi dùng bột lá Tía tô để pha trà, bạn múc hai thìa cà phê cho vào chén nước sôi và khuấy đều, đợi vài phút rồi uống.
Ngoài ra, bạn có thể kết hợp thêm các thành phần phổ biến khác như: Gừng, Giấm táo, nước cốt Chanh, Đường phèn hoặc Mật ong để cải thiện hương vị và nâng cao hiệu quả hỗ trợ điều trị bệnh.
Tìm hiểu thêm: Công dụng của Mật ong trong điều trị các bệnh lý về đường hô hấp.
- Đun lá Tía tô với Hoa đu đủ đực hay Hoa khế: Chuẩn bị một nắm lá Tía tô tươi; nhặt và rửa sạch với nước. Bạn có thể thêm Hoa đu đủ đực hoặc Hoa khế để tăng hiệu quả điều trị. Cho hỗn hợp vào nồi, thêm nước ngập mặt lá và nấu sôi khoảng 10 – 15 phút, sau đó tắt bếp, để nguội. Bạn nên uống khi còn ấm, 2 – 3 lần mỗi ngày. Đọc thêm công dụng điều trị ho của Hoa đu đủ đực.
- Nước cốt lá Tía tô với Hoa đu đủ đực chưng Đường phèn: Thay vì đun nước lá Tía tô như cách trên, bạn có thể nghiền lá Tía tô lấy nước cốt bằng cách chuẩn bị 20g lá Tía tô; 5 – 10g Hoa đu đủ đực; 5g Hoa khế; 5g Đường phèn. Lấy các nguyên liệu trên rửa sạch và để ráo nước. Sau đó cho vào cối giã nát hoặc cho vào máy để xay nhuyễn tất cả hỗn hợp này. Lọc lấy nước cốt, thêm 5g Đường phèn vào hỗn hợp và tiến hành hấp cách thủy, để nguội và dùng dần. Mẹo này có công dụng đối với trường hợp ho khan, ho nặng tiếng, đờm nhiều.
- Trà lá Tía tô kết hợp với Mận tươi và Đại táo: Lấy 30g Mận tươi và 5 Quả đại táo đem giã nhuyễn nấu lá Tía tô để lấy nước uống trị ho. Cho 6g lá Tía tô và 3g lá trà vào ấm trà, đổ nước sôi từ hỗn hợp lúc đầu vào để hãm uống. Mỗi ngày uống 2 lần liên tục 10 ngày chữa ho mất tiếng, tắc nghẹn do rối loạn thần kinh,…
Khi uống nước lá Tía tô, bạn cần lưu ý đến một số vấn đề sau để đảm bảo an toàn cho sức khỏe:
- Đối với những người hay ra nhiều mồ hôi, cảm mạo, phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh và trẻ em không nên sử dụng nước lá Tía tô.
- Tránh uống quá nhiều nước lá Tía tô, vì điều này có thể gây đầy bụng, khó tiêu và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Mỗi ngày chỉ nên uống từ 3 đến 4 ly nước Tía tô là đủ.
- Nước lá Tía tô nên được giữ trong ngăn mát và dùng trong vòng 24 giờ để đảm bảo chất lượng và tác dụng hỗ trợ trị ho được phát huy tốt nhất.
- Theo quan điểm của người Nhật, thời điểm tốt nhất để uống nước lá Tía tô là trước các bữa ăn chính từ 10 đến 30 phút để đạt hiệu quả tối ưu.
2.2. Cháo Tía tô
Cháo lá Tía tô là món ăn dân gian được nhiều người sử dụng để giúp làm dịu các triệu chứng ho, cảm cúm. Lá Tía tô kết hợp với cháo nóng có tác dụng giữ ấm cơ thể, giải cảm, tăng cường sức đề kháng, từ đó hỗ trợ trị ho hiệu quả. Bạn có thể tham khảo một số cách nấu như sau:
- Cháo Tía tô: Nguyên liệu gồm Gạo 200g, lá Tía tô 50g, Hành hoa 20g, Gừng tươi 10g, gia vị vừa đủ nấu cháo. Nấu như cháo trắng bình thường. Khi cháo chín múc ra tô và cho các gia vị đã chuẩn bị vào. Ăn khi cháo còn ấm. Công dụng: Bổ chính khử tà. Trị ho sốt, ớn lạnh, nghẹt mũi, ho đờm khó thở. Cháo Tía tô có thể dùng để trị ho cho người lớn và các bé.
- Cháo Tía tô kết hợp với trứng gà: Chuẩn bị 40g gạo tẻ, 2 quả trứng gà, 10g lá Tía tô tươi. Nấu như cháo trắng bình thường. Đập trứng vào cháo đã chín, trộn đều. Khi cháo sôi lần nữa thì bạn cho lá Tía tô đã được thái nhỏ vào. Thêm gia vị cho vừa miệng, tắt bếp. Ngày ăn 2 – 3 lần, mỗi lần chỉ cần 1 bát nhỏ.
- Cháo Tía tô thịt bằm: Bạn vo gạo rồi nấu như cháo trắng bình thường. Sau đó, phi thơm hành tỏi, cho thịt bằm vào xào chín. Khi cháo nhừ, thêm thịt bằm vào nồi, nêm gia vị. Cuối cùng, cho thêm Tía tô thái nhỏ và Hành lá vào cháo rồi tắt bếp.
2.3. Các bài thuốc trị ho từ Tía tô khác
Ngoài những mẹo trên, bạn còn có thể kết hợp Tía tô với nhiều nguyên liệu khác để cho ra các thành phẩm (những bài thuốc hoặc những món nước) trị ho tùy theo thể bệnh. Có 7 cách để thực hiện các bài thuốc, gồm:
- Cách 1: Dùng Lá Tía tô 15g, Gừng khô 3g sắc uống mỗi ngày. Nước sắc đem chia thành 2 lần uống. Đây là bài thuốc có tác dụng giảm tình trạng vướng đờm ở cổ họng, giảm ho và làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản cấp và mãn tính.
- Cách 2: Lấy Lá Tía tô khô 8g, Gừng tươi 2 lát, Trần bì 6g, Hương phụ 8g, Cam thảo 4g, sắc uống. Chữa cảm lạnh. Bạn cũng có thể dùng bằng cách xông khi còn nóng.
Một cách làm khác: Lấy vỏ một quả Quýt cạo rửa sạch cùng 3 lát Gừng dày và một nắm lá Tía tô tươi hoặc khô cho vào nồi, đun thật sôi, uống nóng.
Tính cay, ấm của Gừng từ lâu đã được biết đến với công dụng chữa các bệnh về đường hô hấp, ho khan, ho có kèm đờm. Do đó, sự kết hợp của Gừng và Tía tô không chỉ mang công dụng trị ho mà còn có thể cải thiện tình trạng viêm nhiễm cũng như chống lão hóa da. Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm bài viết Mẹo trị ho từ Gừng.
- Cách 3: Sử dụng 9g hạt Tía tô, 9g hạt Cải thìa và 9g hạt Củ cải, đem tán thành bột và trộn đều. Sau đó, pha hỗn hợp này với nước và uống trong ngày. Bài thuốc này có tác dụng hỗ trợ điều trị hen suyễn và ho có kèm đờm.
- Cách 4: Lấy cành lá Tía tô, vỏ rễ cây Dâu đã bóc trắng đem sắc một chén nước dùng để uống. Công dụng: Bài thuốc chữa ho, tức ngực, khó thở.
- Cách 5: Bài thuốc “Sâm tô ẩm” gồm 20g Tía tô, 20g Nhân sâm, 20g Trần bì; 20g Chỉ xác, 20g Cát cánh, 20g Cam thảo, 20g Mộc hương, 20g Bán hạ, 20g Can khương, 20g Tiền hồ. Sắc với 600ml nước lấy 200ml thuốc, chia 3 lần uống trong ngày. Bài thuốc có công dụng chữa bệnh cảm mạo, sốt, nhức đầu, đau các khớp xương.
- Cách 6: Lấy 90g hạt Tía tô đem sao qua cho thơm, tán thành bột mịn rồi ngâm vào 1 lít rượu gạo trong 10 ngày. Sau thời gian ngâm cần thiết, đem ra chắt lọc lấy nước. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần khoảng 20ml. Mẹo này chỉ áp dụng cho ho suyễn có đờm trắng đục, nặng ngực. Nếu ho đờm vàng, cổ khô, miệng khát, môi đỏ thì không dùng.
- Cách 7: Lấy lá Tía tô đun với nước thật lâu, gạn bỏ xác lá rồi nấu cô đặc lại thành cao. Trộn cao Tía tô này với Đậu đỏ đã được rang vàng và viên thành hạt để uống. Mẹo này dùng khi ho kèm theo nôn, chảy máu, tiêu chảy vì giúp hạn chế chảy máu, giảm ho.
Xem thêm: Đau họng nên ngậm gì cho bớt cơn đau?
Lưu ý: Những cách làm này tuy có thể thực hiện tại nhà nhưng sẽ chiếm khá nhiều thời gian thực hiện của bạn, bởi chúng bao gồm nhiều nguyên liệu cũng như yêu cầu về thời gian, sự tỉ mỉ trong quá trình chế biến. Vì vậy, một số người bận rộn sẽ lựa chọn phương án dùng các sản phẩm bảo vệ sức khỏe có nguồn gốc từ thảo dược để tiết kiệm thời gian, công sức mà vẫn đạt được hiệu quả tích cực.
3. Thông tin cần biết khi sử dụng mẹo
3.1. Lưu ý khi sử dụng
Tùy vào từng trường hợp, các vị thuốc trong bài thuốc có thể cần gia giảm cho phù hợp. Do đó, bạn không nên tự ý kết hợp các loại nguyên liệu với nhau. Ngoài ra, bạn cần ghi nhớ những thông tin sau:
- Không lạm dụng Tía tô để tránh gây ra tình trạng mệt mỏi, tiểu tiện đỏ, táo bón. Nếu dùng lá Tía tô trong thời gian dài, dùng quá nhiều sẽ làm tăng huyết áp. Do đó, trước khi sử dụng thuốc thì bạn cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc Y học cổ truyền để được hướng dẫn sử dụng đúng cách.
- Tía tô chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, phục hồi sức khỏe khi mắc phải các bệnh nhẹ có liên quan đến cảm lạnh, ho, nhức đầu, nghẹt mũi. Đối với những trường hợp bệnh nặng, bạn nên gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn điều trị.
- Không dùng lá Tía tô cho người bị cảm phong nhiệt để tránh khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
- Nếu trong quá trình sử dụng thấy có dấu hiệu khác thường thì bạn nên ngừng sử dụng ngay, đi kiểm tra sức khỏe và hỏi ý kiến bác sĩ.
3.2. Điều trị nguyên nhân bệnh lý
Dùng Tía tô chỉ hiệu quả trong những trường hợp bệnh nhẹ. Vì vậy, chỉ sử dụng mẹo trị ho này như một biện pháp hỗ trợ, không thay thế thuốc tây trong các trường hợp bệnh nặng.
Bạn cần phải đến cơ sở y tế để thăm khám, tìm ra nguyên nhân gây ho để có phương pháp điều trị phù hợp. Bác sĩ sẽ khai thác thông tin bệnh sử, triệu chứng cụ thể và chỉ định một số xét nghiệm khác để xác định chính xác bệnh lý và mức độ bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra các giải pháp phù hợp cho từng bệnh nhân nhằm mang đến hiệu quả điều trị tốt nhất. Sau đây là một số phương pháp điều trị có thể được chỉ định:
- Điều trị nội khoa: Bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc phù hợp để kiểm soát các bệnh lý gây ho. Bạn có thể tham khảo thêm các loại thuốc trị ho tại bài viết “Top 3 thuốc trị ho khan giảm viêm họng hiệu quả và lưu ý khi sử dụng“.
- Điều trị ngoại khoa: Trong một số trường hợp nghiêm trọng, phẫu thuật có thể được chỉ định khi cần thiết.
3.3. Kết hợp với các phương pháp hỗ trợ khác để nhanh chóng hồi phục
Ngoài các phương pháp điều trị ở trên, bạn cần kết hợp với những phương pháp hỗ trợ khác để giúp sức khỏe nhanh chóng bình phục. Sau đây là những biện pháp hỗ trợ mà bạn có thể áp dụng khi điều trị ho:
- Thực phẩm bổ phổi: Bạn nên có một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể để nâng cao sức khỏe tổng thể nói chung và sức khỏe phổi nói riêng. Đặc biệt, bạn nên bổ sung thêm các loại thực phẩm hỗ trợ trị ho có chứa nhiều Vitamin C, E, và Omega-3 như Cam, Bưởi, hạt Chia, Rau xanh, các loại cá béo.
- Hạn chế các loại thực phẩm không lành mạnh: Bạn nên hạn chế các loại thực phẩm gây viêm nhiễm như đường, thịt chế biến sẵn, xúc xích,… và các loại đồ uống có cồn để tránh khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Đọc thêm về thực phẩm cần kiêng ăn khi bị đau họng.
- Duy trì các thói quen tốt: Không hút thuốc lá, tránh tiếp xúc với khói thuốc, uống đủ từ 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày để bảo vệ đường hô hấp.
- Tránh môi trường ô nhiễm: Tránh ở trong môi trường có quá nhiều khói bụi, hóa chất, đảm bảo môi trường sống luôn sạch sẽ và thoáng khí.
- Sử dụng các loại thảo dược trị ho: Bạn có thể sử dụng các nguyên liệu như Gừng, Nghệ, Tỏi,… Sử dụng chúng trong chế độ ăn hàng ngày hoặc dưới dạng trà thảo mộc có thể giúp tăng cường sức đề kháng của phổi.
- Sản phẩm hỗ trợ cho hệ hô hấp: Dùng các loại Dung dịch súc miệng, Xịt giảm đau họng, Máy tạo độ ẩm không khí, Tinh dầu, Vitamin,… để giúp cải thiện sức khỏe đường hô hấp. Ngoài ra bạn có thể tìm hiểu thêm các biện pháp giảm ho tại bài viết “Trị ho tiêu đờm bằng siro trị ho cho người lớn và trẻ em“.
- Ngủ đủ giấc: Bạn cần ngủ đủ từ 7 – 9 giờ đồng hồ mỗi đêm, ngủ trước 23h để cơ thể có đủ thời gian nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe. Xem thêm bí quyết ngủ ngon và sâu hơn tại bài viết “22 cách dễ ngủ nhanh hơn, hỗ trợ chìm vào giấc ngủ hiệu quả“.
- Giữ tinh thần thoải mái: Bạn có thể làm giảm cảm giác căng thẳng bằng cách tắm nước ấm, thiền,… trước khi đi ngủ.
- Rèn luyện sức khỏe thường xuyên: Bạn hãy tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần với các bài tập tốt cho phổi như đi bộ, yoga,… để giúp cơ thể thư giãn, tăng cường lưu thông máu và tăng cường sức khỏe tổng thể.
3.4. Dấu hiệu cho thấy bạn cần đến bác sĩ để thăm khám
Nếu bạn gặp phải một trong các triệu chứng sau, bạn hãy đến cơ sở y tế chuyên khoa hô hấp để được thăm khám và điều trị kịp thời:
- Ho kéo dài trên 3 tuần, đặc biệt khi có các biểu hiện ho ra máu, ho có đờm màu xanh, màu vàng hoặc có mùi hôi.
- Cảm thấy khó thở, thở khò khè.
- Đau dữ dội ở vùng ngực, đặc biệt khi bạn ho hoặc hít thở sâu.
- Giảm cân bất thường không rõ nguyên nhân, mệt mỏi cực độ, chán ăn, ăn không ngon miệng.
- Bị sốt cao kéo dài, có cảm giác ớn lạnh hoặc ra mồ hôi đêm.
- Đầu ngón tay hoặc môi chuyển sang màu xanh tím, đây là biểu hiện của tình trạng thiếu oxy.
4. Tổng kết
Lá Tía tô không chỉ được sử dụng để trị ho, tiêu đờm, chữa cảm mạo, chữa tình trạng ho tức ngực, ho có đờm, đau nhức xương khớp,… mà còn có công dụng phòng ngừa các bệnh khác như tiểu đường, tim mạch, ung thư. Vì vậy, việc bổ sung Tía tô vào thực đơn hằng ngày (món ăn, nước uống,…) sẽ giúp hỗ trợ giải quyết các vấn đề về hô hấp cũng như sức khỏe tổng thể.
Các mẹo trị ho từ Tía tô tuy dễ làm, lành tính nhưng đòi hỏi nhiều thời gian. Do đó, bạn có thể sử dụng sản phẩm bảo vệ sức khỏe phổi có nguồn gốc thảo dược thiên nhiên như Thiên Môn Bổ Phổi Bình Đông để thay thế. Hiện nay, Dược Bình Đông có 3 loại sản phẩm:
- Thiên Môn Bổ Phổi dành cho người lớn, dung tích 280ml: Sản phẩm này được chiết xuất từ các loại thảo dược quý như Thiên môn đông, Bách bộ, Atiso, Trần bì, Tang bạch bì, Bình vôi, Bạc hà, Gừng, Kinh giới có công dụng bổ phổi, làm giảm các triệu chứng ho có đờm, ho khan ho gió, ho lâu ngày không khỏi, hay ho ban đêm và gần sáng, làm dịu cảm giác đau rát họng kéo dài, khàn tiếng.
- Thiên Môn Bổ Phổi dành cho trẻ em từ 3-10 tuổi, dung tích 90ml: Đây là sản phẩm được nhiều người lựa chọn nhờ công dụng bổ phổi, giảm tình trạng ho khan, đau rát họng do các bệnh viêm họng, viêm phế quản gây ra. Sản phẩm này được chiết xuất 100% từ các loại thảo dược thiên nhiên như Cát cánh, Tỳ bà diệp, Bạc hà, Trần bì, Kinh giới, Tang diệp, Tô tử, Tang bạch bì, Mạch môn còn có thể giúp tăng cường sức đề kháng, giúp bé mau chóng khỏe.
- Viên ngậm thảo mộc ho Thiên Môn Bình Đông: Với thành phần là các loại thảo dược quý như Đông trùng hạ thảo, Tỳ bà diệp, Thiên môn đông, Xuyên bối mẫu, Húng chanh, Bạc hà, lá Thường xuân, sản phẩm mang đến công dụng giảm ho, giảm đờm do bệnh viêm họng, viêm phế quản gây ra, làm giảm các cơn đau rát họng hiệu quả. Đọc thêm: Top 7 sản phẩm trị đau họng an toàn cho mọi lứa tuổi
Công ty TNHH Dược phẩm Bình Đông đã và đang không ngừng nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm bảo vệ sức khỏe. Các sản phẩm của Dược Bình Đông ngày càng được cải tiến cho phù hợp với cơ địa của người dùng, được sản xuất dựa trên dây chuyền hiện đại, đạt tiêu chuẩn GMP nên bạn có thể hoàn toàn an tâm sử dụng. Nếu bạn cần tìm hiểu thêm về các sản phẩm của Dược Bình Đông, xin vui lòng gọi tới hotline (028) 3980 8808 để được hỗ trợ sớm nhất.