Quế chi – Vị thuốc quý với nhiều công dụng trị bệnh hiệu quả

Nắm ngay công dụng tuyệt vời của Quế Chi cùng với các bài thuốc dân gian hiệu quả để điều trị các bệnh về xương khớp, phụ khoa, hô hấp, huyết áp,.... Một số lưu ý cần biết khi dùng vị thuốc này.

Quế chi là vị thuốc quý được sử dụng từ lâu đời trong dân gian để chữa nhiều bệnh khác nhau, đặc biệt là các bệnh do nhiễm phong hàn gây ra. Theo Y học cổ truyền, vị thuốc này có tác dụng khu phong chỉ thống, tán hàn giải cảm, dùng để trị cảm mạo phong hàn, đau bụng lạnh, đau khớp, cổ họng có đờm,… Trong bài viết này, Dược Bình Đông sẽ trình bày những thông tin cụ thể về Quế chi, cũng như các công dụng và bài thuốc phổ biến từ vị thuốc này để bạn đọc tham khảo. 

1. Giới thiệu về Quế chi

Cây Quế chi hay còn được gọi với nhiều tên gọi khác như Quế bì, Quế đơn, Liễu quế,… có tên khoa học là Cinnamomum cassia Presl, thuộc họ Long não (Lauraceae). Vị thuốc Quế chi là phần cành non của cây Quế đã được cắt thành lát mỏng, phơi khô trong bóng râm hoặc nắng nhẹ.

Đặc điểm của cây Quế chi

Quế chi là loài cây thân gỗ lớn, có chiều cao từ 10 – 20m và có tuổi thọ lên đến hàng trăm năm. Cây có lớp vỏ ở phần thân nhẵn, có màu nâu nhạt. Lá cây Quế chi có cuống ngắn, mọc so le nhau, mỗi lá có 3 gân vàng hình cung. Hoa có kích thước nhỏ, thường mọc thành chùm, nở vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 7, quả thường xuất hiện vào khoảng từ tháng 10 đến tháng 12. 

Ảnh chụp lá cây Quế chi

Lá cây Quế chi có cuống ngắn, mọc so le 

Điều kiện sống

Cây Quế chi là loài cây ưa ánh sáng, có khả năng chịu bóng, thích nghi tốt với môi trường nhiệt đới nóng ẩm. Cây sẽ phát triển tốt ở những nơi đất ẩm, mùn và tơi xốp. Cây có bộ rễ dài và khỏe, có thể đâm sâu xuống đất nên có khả năng chống chịu tốt ở những vùng có thời tiết mưa bão khắc nghiệt. 

Tại Việt Nam, cây Quế chi được trồng tập trung tại các tỉnh như Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Cao Bằng và Yên Bái,… Loài cây này không chỉ phổ biến ở nước ta mà còn được xuất khẩu ra nhiều nước khác nhau trên thế giới. 

Bộ phận được dùng làm thuốc

Trong Y học cổ truyền, vị thuốc Quế chi (Ramulus Cinnamomi) là những cành nhỏ của cây Quế chi đã được thu hái, thái mỏng và phơi khô. Tùy vào bệnh lý và mục đích điều trị khác nhau, vị thuốc này được chế biến theo nhiều cách khác nhau như:

  • Sắc nước uống.
  • Ngâm rượu.
  • Chiết xuất tinh dầu quế.
  • Kết hợp với dược liệu khác để tạo thành bài thuốc trị bệnh.

2. Công dụng của Quế chi

Quế chi có nhiều công dụng khác nhau ở cả Tây y lẫn Đông y. Tùy theo tính vị hoặc các thành phần hóa học có trong vị thuốc này mà Quế chi được dùng để trị nhiều bệnh khác nhau. Cụ thể:

2.1. Theo Tây y

Theo Tây y, Quế chi có chứa nhiều thành phần hóa học có khả năng hỗ trợ tốt cho việc điều trị bệnh và cải thiện sức khỏe. Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh vị thuốc này có các thành phần như sau:

  • Aldehyde Cinnamic: Trong tinh dầu cây Quế chi có chứa chủ yếu hợp chất Adehyd Cinnamic – một hợp chất có khả năng chống nấm, chống vi khuẩn, tạo hương và mùi vị, được sử dụng phổ biến trong ngành chế biến thực phẩm. Ngoài ra, hợp chất này còn có tác dụng hỗ trợ chống bệnh tiểu đường. 
  • Axit  Cinnamic, Phenylpropyl Acetate, Coumarin, Cinnamil Acetae, Trans-acid cinnamic, Axit  Protocatechic,…
  • Vỏ của Quế chi chứa β-sitosterol, Axit Syringic, Cholin, Axit Protocatechuic, Axit  Vanilic,…
  • Nhiều Diterpen, rất tốt cho sức khỏe có tên là Cinnacassiol.
  • Nhiều dẫn chất của Flavonol cùng với các mùi thơm khác cũng được phát hiện trong loại cây này.

Trong Y học hiện đại, vị thuốc Quế chi có nhiều công dụng tuyệt vời như:

  • Tác dụng giãn mạch và cải thiện tuần hoàn máu: Vị thuốc Quế chi có tác dụng tăng cường lưu thông máu, tăng tiết đổ mồ hôi, giải nhiệt, từ đó làm giảm triệu chứng sốt.
  • Tác dụng giảm đau: Các hoạt chất trong vỏ cây Quế chi có khả năng tác động lên trung khu cảm giác ở não, làm giãn mạch, giảm các triệu chứng đau bụng, đau đầu, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn. 
  • Hỗ trợ tiêu hóa: Quế chi có khả năng kích thích tiết nước bọt và dịch vị, tăng cường chức năng tiêu hóa, làm giảm các triệu chứng khó tiêu, đầy bụng.
  • Kháng virus và nấm: Nước sắc Quế chi giúp ức chế sự sinh sôi, phát triển của các loại nấm, virus cúm. Cồn Quế có khả năng sát khuẩn mạnh, đặc biệt hiệu quả đối với các loại vi khuẩn gây bệnh như trực khuẩn cầu vàng, tụ cầu vàng.
  • Chống oxy hóa và ngăn ngừa bệnh lý: Các hoạt chất có trong Quế chi còn có khả năng chống oxy hóa, tiêu diệt các gốc tự do, ngăn ngừa sự hình thành khối u, chống xơ vữa động mạch, từ đó giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch và phòng các bệnh mãn tính. 
Ảnh chụp Quế chi

Quế chi có tác dụng giảm đau, hỗ trợ tiêu hóa 

2.2. Theo Đông y

Theo Đông y, Quế chi được xem là một vị thuốc quý có tác dụng cân bằng cơ thể, được sử dụng để hỗ trợ và điều trị nhiều loại bệnh lý khác nhau. Sau đây là một số đặc tính riêng của vị thuốc này:

  • Tính vị: Tính ấm, vị ngọt đắng, có mùi thơm.
  • Quy kinh: Phế, Tâm, Bàng quang.
  • Công dụng: Ôn kinh thông dương hoạt huyết, phát hãn giải biểu, lợi tiểu, trừ hàn chỉ thống. 
  • Chủ trị: Đau đầu, mất ngủ, đầy bụng, khó tiêu, đau bụng, kinh nguyệt không đều, rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh, kinh bế, dùng để sát khuẩn trong một số trường hợp, phong hàn thấp tý, chứng phong hàn biểu hư, hung tý tâm quý (đau ngực, hồi hộp), chứng trưng hà, tăng tiết mồ hôi, chứng phù tiểu tiện không thông lợi, làm giảm hội chứng ngoại sinh.
Vị thuốc Quế chi có tính ấm, mùi thơm 

Vị thuốc Quế chi có tính ấm, mùi thơm 

3. Những bài thuốc từ Quế Chi hiệu quả nhất

Quế chi thường được kết hợp với các loại dược liệu khác nhau để tạo thành các bài thuốc trị bệnh hiệu quả. Tùy vào từng bệnh lý và thể trạng của bệnh nhân, thầy thuốc sẽ có các bài thuốc trị bệnh khác nhau. Dưới đây là các bài thuốc trị bệnh về xương khớp, vấn đề phụ khoa, ho hen, huyết áp thấp từ vị thuốc Quế chi được sử dụng phổ biến mà bạn có thể tham khảo:

3.1. Vấn đề về xương khớp

Quế chi có tính ấm, có khả năng thông kinh hoạt lạc nên được xem là một vị thuốc quan trọng trong việc điều trị các vấn đề về xương khớp, đặc biệt là các chứng bệnh do hàn thấp, phong thấp gây ra. Hơn nữa, vị thuốc này còn có tác dụng giảm đau, giảm viêm, từ đó có thể giúp cải thiện tình trạng đau nhức xương khớp hiệu quả.

3.1.1. Chứng phong thấp, sưng đau các khớp nhưng không sốt

  • Thành phần: 12g Quế chi, 12g Phụ tử, 12g Sinh khương, 8g Cam thảo, 3 quả Đại táo.
  • Cách dùng: Tất cả đem sắc chung với nhau, lọc bỏ bã, lấy nước để uống, dùng khi còn nóng. Mỗi ngày dùng một thang thuốc.

3.1.2. Chữa viêm khớp

  • Thành phần: 40g Thục địa, 12g Lộc giác giáo, 8g Bạch giới, 4g Quế chi, 4g Cam thảo, 2g Gừng nướng, 2g Ma hoàng.
  • Cách dùng: Cho tất cả vào ấm để sắc ,sắc lấy nước đặc, lọc bỏ bã lấy nước để uống. Uống mỗi ngày 1 thang.
Quế chi được sử dụng phổ biến trong nhiều bài thuốc trị các vấn đề về xương khớp 

Quế chi được sử dụng phổ biến trong nhiều bài thuốc trị các vấn đề về xương khớp 

3.1.3. Chữa đau nhức xương khớp, sợ gió, đau nhiều khi trời lạnh

  • Thành phần: 16g Thổ phục linh, 16g Hy thiêm, 16g Ké đầu ngựa, 12g Ý dĩ, 12g Cam thảo, 12g Uy linh tiên, 12g Tỳ giải, 8g Quế chi, 8g Bạch chỉ.
  • Cách dùng: Tất cả đem sắc lấy nước để uống, mỗi ngày dùng một thang, dùng liên tục trong 7 ngày.

Đọc thêm: Mẹo chữa đau nhức xương khớp dành cho mọi đối tượng

3.1.4. Chữa bệnh phong thấp thể hàn thấp

  • Thành phần: 20g Cỏ xước, 20g Xấu hổ, 16g Độc hoạt, 16g Đơn hoa, 16g Thổ phục linh, 12g Hà thủ ô chế, 12g Rễ cúc tần, 12g Tục đoạn, 10g Quế chi, 10g Thiên niên kiện.
  • Cách dùng: Tất cả đem sắc với một thăng nước cho đến khi cô lại còn 400ml, chia thành 2 lần uống trong ngày. Mỗi ngày dùng 1 thang, dùng liên tục trong 10 ngày. 

3.1.5. Chữa đau dây thần kinh tọa thể phong thấp

  • Thành phần: 20g Ngải diệp, 20g Trinh nữ, 20g Nam tục đoạn, 16g Kinh giới, 16g Rễ cúc tần, 16g Rễ bưởi bung, 12g Chích cam thảo, 12g Cẩu tích, 12g Bạch thược, 12g Thục địa, 12g Đương quy, 10g Thiên niên kiện, 10g Quế chi, 10g Phòng phong, 10g Xuyên khung, 10g Rễ lá lốt.
  • Cách dùng: Tất cả cho vào ấm, đem sắc 3 lần, lọc bỏ bã, nước sắc chia thành 3 phần đều nhau. Dùng để uống trong ngày, mỗi ngày một thang.

3.2. Vấn đề phụ khoa, phụ nữ

Quế chi không chỉ được dùng để điều trị các bệnh về xương khớp mà còn có tác dụng cải thiện tuần hoàn máu, điều hòa kinh nguyệt, làm giảm triệu chứng đau nhức do lạnh hoặc ứ huyết. Sau đây là những bài thuốc dùng để chữa các vấn đề phụ khoa từ Quế chi mà bạn có thể tham khảo:

3.2.1. Trị chứng phụ nữ đau bụng kinh do ứ huyết, thai chết lưu, bụng dưới có cục, tắt kinh

  • Thành phần: 8g Quế chi, 8g Bạch thược, 8g Phục linh, 8g Đơn bì, 8g Đào nhân.
  • Cách dùng: Tất cả vị thuốc đem tán thành bột mịn để làm hoàn. Mỗi ngày dùng 8g uống với nước ấm để giúp giảm triệu chứng đau bụng kinh và hỗ trợ điều trị các trường hợp thai lưu.

3.2.2. Trị u xơ tử cung

  • Thành phần: 12g Quế chi, 12g Mẫu lệ, 12g Đào nhân, 12g Hải tảo, 12g Xích thược, 12g Miết giáp, 6g Nga truật, 6g Hồng hoa, 6g Sơn lăng, 6g Nhũ hương, 4g Một dược.
  • Cách dùng: Tất cả các vị thuốc đem nghiền thành bột mịn, luyện thành viên hoàn. Mỗi ngày dùng từ 2 – 3 lần, mỗi lần dùng khoảng 12g với nước ấm để làm giảm các triệu chứng u xơ tử cung.
Ảnh chụp người phụ nữ trong kỳ kinh

Quế chi còn được sử dụng để điều trị các vấn đề phụ khoa

3.2.3. Điều hòa kinh nguyệt

  • Thành phần: 30g Hoàng kỳ, 15g Kỷ tử, 15g Đương quy, 12g Ba kích, 10g Quế chi, 10g Bạch thược, 10g Ngưu tất, 10g Thục địa, 10g Ngải diệp, 8g Xuyên khung, 6g Tiểu hồi hương, 6g Gừng nướng.
  • Cách dùng: Cho tất cả các vị thuốc vào ấm, đem sắc với 1 thăng nước cho đến khi còn 600ml. Lọc bỏ bã, nước sắc chia thành 3 lần uống trong ngày, mỗi ngày dùng 1 thang. Dùng liên tục từ 10 – 15 ngày khi đã sạch kinh để giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt

3.3. Vấn đề khác

Ngoài những công dụng trên, Quế chi còn có tác dụng cải thiện tuần hoàn máu, hoạt huyết, kháng viêm, giảm đau và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Dưới đây là một số bài thuốc trị ho hen, tim đập nhanh, huyết áp thấp từ vị thuốc này.

3.3.1. Chữa ho hen có đờm, tim đập nhanh, mắt mờ

  • Thành phần: 12g Phục linh, 8g Quế chi, 8g Bạch truật, 8g Cam thảo.
  • Cách dùng: Tất cả đem sắc lấy nước để uống, chia thành nhiều lần trong ngày, mỗi ngày dùng 1 thang để làm giảm triệu chứng ho hen, giúp an thần cho người bệnh.

3.3.2. Hỗ trợ điều trị hạ huyết áp

  • Thành phần: 10g Quế chi, 10g Cam thảo, 10g Nhục quế
  • Cách dùng: Tất cả đem sắc uống, mỗi ngày 1 thang, dùng liên tục trong khoảng 9 – 12 ngày để giúp điều hòa huyết áp, cải thiện sức khỏe tim mạch.

3.3.3. Chữa chứng Tỳ hư

  • Thành phần: 30g Phòng sâm, 24g Bạch truật, 20g Cam thảo, 20g Ngũ vị, 15 quả Đại táo, 12g Trần bì, 12g Lương khương, 12g Hậu phác, 10g Quế chi, 10g Thiên niên kiện, 8g Sinh khương cùng 2 lít rượu trắng.
  • Cách dùng: Đem ngâm các vị thuốc này với rượu trắng khoảng 15 ngày bằng bình sành hoặc bình thủy tinh. Mỗi ngày dùng khoảng 30 – 40ml, chia thành hai lần uống sáng và tối để giúp bổ tỳ vị, hỗ trợ tiêu hóa. 

4. Một số lưu ý để sử dụng Quế Chi

Mặc dù Quế chi mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng cần phải sử dụng đúng cách để đảm bảo an toàn và hiệu quả. 

4.1. Tác dụng phụ của Quế chi

Quế chi có thể gây ra một số tác dụng phụ trong quá trình sử dụng. Do đó, nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu bất thường nào dưới đây thì hãy ngưng sử dụng ngay lập tức và tham khảo ý kiến của bác sĩ để được hỗ trợ:

  • Viêm nhiễm ở vùng miệng, lưỡi và nướu.
  • Cảm thấy khó thở, dị ứng.
  • Cảm giác nóng trong người, nhịp tim tăng nhanh đột ngột.

Ngưng sử dụng Quế chi ngay khi có các dấu hiệu bất thường 

4.2. Đối tượng không nên sử dụng Quế Chi

Bên cạnh những tác dụng phụ cần lưu ý, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này. Đặc biệt, một số đối tượng sau không nên sử dụng Quế chi:

  • Phụ nữ đang có thai; 
  • Những người có âm hư, dương thịnh, hỏa vượng;
  • Phụ nữ đang trong chu kỳ kinh nguyệt ra nhiều thì không nên sử dụng;
  • Người đang có các bệnh lý về gan, đang gặp triệu chứng Nóng gan;
  • Không dùng Quế chi trong các trường hợp đang bị sốt cao.

4.3. Kết hợp thói quen có lợi cho sức khỏe

Bên cạnh việc sử dụng dược liệu đúng cách, bạn cần xây dựng và duy trì các thói quen lành mạnh để tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể luôn khỏe mạnh như:

  • Ăn đầy đủ 4 nhóm chất bao gồm đường bột, chất béo, đạm, các vitamin và khoáng chất. Xem thêm bài viết về nhóm món ăn, thức uống giúp ngon miệng
  • Ăn uống điều độ, đúng giờ, không bỏ bữa để hạn chế xảy ra hiện tượng chán ăn, cảm giác ăn không ngon miệng, thậm chí là tình trạng suy nhược cơ thể
  • Ngủ đủ giấc từ 7 – 8 tiếng mỗi ngày, đi ngủ sớm trước 23h00. Tìm hiểu thêm những cách giúp ngủ ngon hơn
  • Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để giúp thanh lọc cơ thể, tăng cường trao đổi chất. Đọc ngay tác hại khi uống không đủ nước trong một ngày
  • Luôn giữ tinh thần thoải mái, đặc biệt bạn có thể tập thiền, ngâm chân bằng nước ấm,… để giải tỏa căng thẳng sau một ngày làm việc. 
  • Tập thể dục đều đặn bằng các bài tập yêu thích như yoga, đi bộ,… ít nhất 30 phút mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần để giúp cơ thể thư giãn, tăng cường lưu thông máu, nâng cao sức khỏe tổng thể. Đọc ngay tác hại khi lười vận động
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh để tránh các nguy cơ bệnh lý do thừa cân, béo phì gây ra.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng một lần để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và điều trị kịp thời.

5. Tổng kết

Quế chi là một vị thuốc quý trong Đông y, được sử dụng phổ biến để hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý và cải thiện sức khỏe. Vị thuốc này có tính ấm, có tác dụng thông kinh hoạt lạc, hoạt huyết nên được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh về xương khớp, các vấn đề về phụ khoa, ho hen có đờm, huyết áp thấp,… 

Công ty TNHH Dược Phẩm Bình Đông được thành lập với sự kế thừa tinh hoa của nền Y học cổ truyền Việt Nam. Hơn 70 năm qua, Dược Bình Đông đã không ngừng nghiên cứu và cho ra đời những sản phẩm bảo vệ sức khỏe trên dây chuyền công nghệ hiện đại, chất lượng cao. Nếu bạn quan tâm tới các sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Dược Bình Đông, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi qua hotline 028.39.808.808 để được tư vấn, đặt hàng nhanh chóng.

 

Liên hệ Dược Bình Đông

Đánh giá bài viết này

0 / 5

Your page rank:

Chúng tôi cung cấp y học chính xác và đảm bảo kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo tính cập nhật và khách quan. Độc giả có thể tham khảo chính sách biên tập để xác nhận độ tin cậy của nội dung. Bài viết này dựa theo nguồn bên dưới:

  1. https://medlatec.vn/tin-tuc/cay-que-chi–bai-thuoc-quy-voi-nhung-cong-dung-tuyet-voi-s51-n32677
  2. https://www.vinmec.com/vie/bai-viet/tac-dung-cay-que-chi-vi
  3. https://bvnguyentriphuong.com.vn/duoc-lieu/que-chi
  4. https://nhathuoclongchau.com.vn/thanh-phan/que-chi
Liên hệ với Dược Bình Đông để được tư vấn miễn phí
Bình luận
Hãy đặt câu hỏi hoặc chia sẻ suy nghĩ của bạn về bài viết

      Để lại lời nhắn

      Bài viết liên quan
      Bằng tất cả sự tận tụy và tâm huyết, Dược Bình Đông luôn trung thành với tôn chỉ "Thành quả chúng tôi không phải tiền bạc mà là sức khỏe và sự tin tưởng của khách hàng".
      Dược Bình Đông
      Logo
      Đăng ký tài khoản mới

      Tư vấn miễn phí

      Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn các vấn đề sức khỏe mà bạn cần. Hãy để lại lời nhắn, chúng tôi sẽ phản hồi ngay!

      (Các thông tin cung cấp đều được bảo mật)
      Giỏ hàng