Tình trạng thừa cân ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại, khi lối sống ít vận động và chế độ ăn uống không lành mạnh trở thành thói quen thường ngày của nhiều người. Việc tích lũy quá nhiều mỡ thừa không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình mà còn gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe. Qua bài viết này, Dược Bình Đông trình bày những thông tin chi tiết về nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và tác hại của thừa cân cũng như các giải pháp hiệu quả để kiểm soát cân nặng.
1. Đôi nét về thừa cân và béo phì
Thừa cân và béo phì là tình trạng cơ thể tích lũy quá nhiều mỡ thừa so với mức cần thiết, gây ra các tác động tiêu cực đến sức khỏe. Khi lượng mỡ trong cơ thể vượt quá mức bình thường, chỉ số BMI (Body Mass Index) có giá trị vượt quá ngưỡng an toàn.
BMI = Cân nặng/ [(Chiều cao)2]
Tùy thuộc vào giá trị BMI, tình trạng cơ thể được phân loại từ thừa cân đến béo phì như sau:
- Thừa cân: BMI ≥ 23
- Tiền béo phì: 23 < BMI < 24,9
- Béo phì mức I: 25 < BMI < 29,9
- Béo phì mức II: BMI ≥ 30,0
Tăng cân mất kiểm soát sẽ dẫn đến thừa cân và béo phì. Tình trạng tăng cân xảy ra khi lượng calo bạn nạp vào lớn hơn lượng calo bạn tiêu thụ.
- “Calo nạp vào” là lượng calo mà bạn nhận được bởi các loại thực phẩm bạn ăn.
- “Calo tiêu thụ” là lượng calo khi bạn đốt cháy, bạn sử dụng thông qua các hoạt động hằng ngày.
Nguyên nhân dẫn đến tăng cân thường do thói quen ít vận động, ăn uống không lành mạnh và không điều độ,… Ngoài ra, cơ thể có thể tăng cân do các yếu tố sau đây:
- Thường xuyên căng thẳng.
- Di truyền.
- Sử dụng một số loại thuốc.
- Thiếu ngủ.
Những người thừa cân thường gặp phải nhiều biểu hiện khó chịu ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Một số dấu hiệu phổ biến khi thừa cân bao gồm: bệnh đau lưng, tâm lý tiêu cực, thường xuyên bị khó thở, ợ nóng, ngáy ngủ, thay đổi về da, hiện tượng kinh nguyệt không đều,..
2. Ảnh hưởng của thừa cân tới cơ thể
Việc phân phối lượng mỡ dư thừa có liên quan với nguy cơ bệnh tật. Mỡ tích tụ ở vùng bụng thường nguy hiểm hơn so với tích tụ ở những vùng như tay, chân, hông và mông.
2.1. Suy giảm hệ miễn dịch
Tình trạng béo phì có thể làm suy giảm phản ứng miễn dịch, gây độc các tế bào bị tổn hại và làm giảm khả năng thực bào tiêu diệt vi sinh vật, làm thay đổi chức năng của tế bào tiêu diệt tự nhiên (Natural Killers – NK, thành phần quan trọng của hệ thống miễn dịch bẩm sinh).
Hệ miễn dịch suy yếu làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh như:
- Nhiễm trùng hô hấp: viêm phổi, viêm phế quản, viêm họng với các triệu chứng như ho, khó thở, sốt, đau ngực, mệt mỏi,…
- Nhiễm trùng tiết niệu: viêm bàng quang, viêm thận với các triệu chứng như tiểu buốt, tiểu ra máu, đau lưng hoặc hông, sốt,…
- Cảm lạnh và cúm tái phát thường xuyên với các triệu chứng như nghẹt mũi, đau đầu, đau rát cổ họng, ho, sốt, ớn lạnh, mệt mỏi kéo dài,…
- Viêm khớp với các triệu chứng như đau, sưng, cứng khớp (đặc biệt là vào buổi sáng), mệt mỏi, suy nhược.
2.2. Ảnh hưởng đến gan – thận
Khi cơ thể tích tụ quá nhiều mỡ thừa, gan và thận phải làm việc liên tục để xử lý lượng chất béo dư thừa và đảm bảo cơ thể duy trì hoạt động bình thường, dẫn đến những ảnh hưởng cụ thể như sau:
- Gan phải làm việc quá mức để xử lý mỡ và cholesterol dư thừa. Khi lượng chất béo trong tế bào gan vượt quá 5% trọng lượng gan sẽ làm tăng nguy cơ tiến triển thành viêm gan nhiễm mỡ, gây tổn thương gan, dẫn đến hình thành mô sẹo, xơ gan và thậm chí suy gan nếu không được điều trị kịp thời.
- Béo phì làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như đái tháo đường và tăng huyết áp, đây là hai nguyên nhân chính dẫn đến bệnh thận. Do đó, béo phì có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực tới thận và có thể dẫn đến tình trạng suy thận.
Khi tình trạng thừa cân kéo dài, gan và thận phải làm việc liên tục, dẫn đến tình trạng nóng gan và yếu thận, với các triệu chứng cụ thể như:
- Nóng gan: Mệt mỏi, chán ăn, hơi thở có mùi, mẩn ngứa, nổi mề đay, mụn nhọt, nước tiểu sẫm màu, vàng da, vàng mắt,…
- Thận suy yếu: Đổ mồ hôi nhiều, tiểu đêm nhiều, tiểu rắt, tiểu són, tiêu chảy hoặc táo bón, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, mất ngủ, hay quên, tinh thần mệt mỏi, tóc rụng khô xơ, bạc sớm, rụng nhiều,…
2.3. Ảnh hưởng đến xương khớp
Thừa cân gây ra áp lực lớn lên hệ xương khớp, đặc biệt là các khớp chịu tải như đầu gối, hông và cột sống. Lượng mỡ dư thừa không chỉ làm tăng áp lực cơ học lên các khớp mà còn gây viêm, làm cho các mô khớp bị tổn thương và thoái hóa nhanh hơn. Từ đó, dẫn đến những biểu hiện tổn thương hệ xương khớp như sau:
- Đau và cứng khớp, đặc biệt là khớp gối, hông và lưng;
- Khó khăn khi di chuyển, đứng lâu hoặc thực hiện các hoạt động thể chất;
- Khớp sưng, viêm, cảm giác đau nhức tăng lên khi vận động;
- Khớp phát ra tiếng kêu lục cục khi di chuyển hoặc đứng dậy.
Thừa cân béo phì làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý xương khớp bao gồm bệnh thoái hóa khớp, loãng xương, bệnh viêm khớp và bệnh gout.
2.4. Ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần
Nếu đứng trên góc nhìn khoa học, người ta nhận ra rằng có thể có sự liên quan về mặt sinh lý giữa béo phì và trầm cảm. Người bị béo phì có nguy cơ mắc trầm cảm khoảng 55% và ở chiều ngược lại, người bị trầm cảm có nguy cơ béo phì cao hơn 58% so với người bình thường. Những cơ chế của cơ thể có thể bao gồm kích hoạt phản ứng viêm, kháng Insulin, thay đổi trục dưới đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận.
Người bị béo phì có thể có một số biểu hiện về sức khỏe tâm thần như:
- Lo âu và trầm cảm;
- Căng thẳng;
- Giảm khả năng tư duy, khó tập trung.
2.5. Các ảnh hưởng tiêu cực khác
Ngoài những ảnh hưởng tiêu cực kể trên, thừa cân, béo phì còn gây ra nhiều tác hại đến sức khỏe tổng thể như:
- Thừa cân, béo phì có liên quan đến hội chứng rối loạn chuyển hóa, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường và đột quỵ.
- Tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư.
- Ảnh hưởng đến tinh thần.
- Ảnh hưởng đến hô hấp bởi sự tích tụ quá nhiều mỡ ở lồng ngực, cơ hoành và ổ bụng gây ra hiện tượng khó thở, dẫn đến hội chứng ngưng thở lúc ngủ.
- Ảnh hưởng đến tiêu hóa do mỡ dư bám vào các quai ruột gây ứ đọng phân, táo bón dẫn đến sinh ra các chất thải độc sinh ra trong quá trình chuyển hóa.
- Rối loạn nội tiết do thừa cân béo phì, đối với phụ nữ, suy giảm chức năng buồng trứng, giảm ham muốn, hiện tượng rối loạn kinh nguyệt, khó thụ thai,… Đối với nam giới, giảm hormone Testosterone dẫn đến tình trạng giảm ham muốn, rối loạn cương dương, vô sinh,…
3. Cần làm gì khi bị thừa cân béo phì?
Khi gặp tình trạng thừa cân béo phì, điều quan trọng là phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia dinh dưỡng, tham vấn bác sĩ hoặc huấn luyện viên cá nhân để có được giải pháp phù hợp và lộ trình tập luyện an toàn.
Tuy nhiên, việc giảm cân không chỉ đơn thuần là ăn kiêng hay tập luyện, mà còn đòi hỏi thay đổi thói quen sống lành mạnh, giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và duy trì cân nặng lâu dài. Bạn có thể tham khảo một số biện pháp giúp hỗ trợ kiểm soát cân nặng dưới đây:
- Ăn uống điều độ, cân bằng dinh dưỡng với đủ các nhóm thực phẩm như rau xanh, Protein nạc và ngũ cốc nguyên hạt. Tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường và chất béo xấu.
- Ngủ đủ giấc 7-9 giờ mỗi đêm để cơ thể được nghỉ ngơi và phục hồi và ngủ sớm trước 23 giờ. Tìm hiểu thêm “Các kỹ thuật giúp bạn ngủ ngon hơn“.
- Uống đủ 2- 2.5 lít nước mỗi ngày.
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng bằng các biện pháp như thiền, tắm nước ấm thường xuyên, kết hợp các liệu pháp thư giãn,…
- Tập thể dục đều đặn với các bài tập như đi bộ, yoga,… ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần, không chỉ giúp cơ thể thư giãn, mà còn cải thiện tuần hoàn máu và nâng cao sức khỏe tổng thể.
Bên cạnh việc thiết lập thói quen lành mạnh, bạn cần tránh các sai lầm phổ biến có thể gây hại cho sức khỏe dưới đây:
- Tránh giảm cân quá nhanh hoặc nhịn ăn vì có thể gây hại cho sức khỏe.
- Chú ý đến chế độ tập luyện.
- Không dùng thực phẩm chức năng hoặc thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc.
4. Tổng kết
Thừa cân béo phì có thể gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến hệ miễn dịch, gan, thận, xương khớp,… Những người thừa cân có nguy cơ cao mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm như bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư,… Để đảm bảo sức khỏe cũng như phòng tránh tình trạng thừa cân, bạn nên kiểm soát cân nặng với chế độ dinh dưỡng cân bằng kết hợp với lối sống lành mạnh và vận động hợp lý.