Thịt đỏ là loại thực phẩm quen thuộc đối trong các bữa cơm gia đình. Trong thịt đỏ có chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe như Protein, Kẽm, Sắt, vitamin nhóm B,… nhưng nếu ăn loại thực phẩm này nhiều có hại gì đến sức khỏe hay không? Trong bài viết dưới đây, Dược Bình Đông sẽ cung cấp đầy đủ những thông tin giúp bạn đọc giải đáp tất cả vấn đề này.
1. Thịt đỏ là gì?
“Thịt đỏ” là thuật ngữ dùng để chỉ thịt động vật chứa lượng Myoglobin cao – một loại Protein có trong cơ, tạo ra màu đỏ khi tiếp xúc với oxy và được sử dụng để sinh ra năng lượng. Thịt đỏ thường có màu đỏ khi tươi sống và và chuyển sang màu tối hơn sau khi nấu chín.
Phần lớn thịt đỏ có nguồn gốc từ các loại động vật có vú, phổ biến như thịt heo, thịt bò, thịt trâu, thịt ngựa, thịt cừu, thịt dê,…
Thịt đỏ là loại thực phẩm thường xuất hiện trong các bữa ăn hàng ngày. Nếu được sử dụng hợp lý và chế biến đúng cách, thịt đỏ sẽ mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng, giúp cơ thể phát triển tốt. Đặc biệt, thịt đỏ phù hợp cho 1 số người như:
- Trẻ em trong giai đoạn đang phát triển;
- Người trưởng thành;
- Phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt, đang mang thai và cho con bú do thường bị thiếu sắt;
- Những người bị thiếu máu.
Trong thịt đó có chứa nhiều Protein, Kẽm, Sắt, các loại Vitamin nhóm B như Vitamin B6, B12. Bên cạnh đó, trong thịt đỏ còn chứa các loại chất béo lành mạnh như Omega-3, Omega-6,… Do đó, khi tiêu thụ các loại thịt đỏ đúng cách sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Cụ thể như sau:
- Cung cấp lượng lớn Protein cho cơ thể: Trong thịt đỏ có chứa nhiều Protein tốt cho quá trình phục hồi và phát triển các nhóm cơ. Bên cạnh đó, việc cung cấp đầy đủ Protein sẽ thúc đẩy sản xuất các loại hormone và các loại enzyme, đồng thời chống lại bệnh tật.
- Cung cấp Sắt: Thịt đỏ là nguồn cung cấp Sắt phong phú. Bạn chỉ cần bổ sung thịt đỏ từ 1 – 2 lần trong tuần thì đã cung cấp đủ lượng Sắt cần thiết.
- Cung cấp Kẽm: Ăn thịt đỏ sẽ giúp bổ sung lượng Kẽm cần thiết cho cơ thể. Đây là chất không thể thiếu cho sự phát triển của trí não, tăng cường sức khỏe miễn dịch, tham gia vào quá trình tổ chức, phát triển cơ thể như tái tạo tế bào máu, tế bào mỡ, duy trì tế bào gốc, phát triển hệ cơ và xương,…
- Cung cấp các vitamin nhóm B: Ăn thịt đỏ sẽ giúp bổ sung cho cơ thể các loại Vitamin nhóm B, đặc biệt là Vitamin B6, Vitamin B12. Đây là những chất quan trọng trong quá trình tái tạo máu, tạo ra chất dẫn truyền thần kinh, giúp cải thiện căng thẳng, làm giảm lo âu, trầm cảm, ngăn ngừa loãng xương,…
Ăn thịt đỏ tuy mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng nếu tiêu thụ không đúng cách sẽ gây ra những tác hại khôn lường. Vậy ăn thịt đỏ bao nhiêu là đủ?
Sau đây là một số khuyến nghị về việc tiêu thụ thịt đỏ theo Hội phòng chống ung thư quốc tế và Viện nghiên cứu ung thư Mỹ:
- Mỗi tuần, bạn chỉ nên tiêu thụ từ 350 – 500g thịt đỏ đã được chế biến, tương đương tối đa 700g thịt sống không bao gồm phần xương.
- Nếu tính theo ngày, bạn chỉ nên tiêu thụ lượng thịt đỏ đã chế biến không vượt quá 70g trong một ngày, tương đương với khoảng 100g thịt sống, không bao gồm trọng lượng phần xương.
Việc ăn nhiều thịt đỏ sẽ làm mất đi lợi ích vốn có và mang đến những tác hại khôn lường, ta dễ dàng nhận thấy qua các biểu hiện như:
- Tóc, móng, da trở nên xấu và yếu đi.
- Việc ăn một lượng lớn thịt khiến cơ thể dư chất đạm, gây ra tình trạng tăng cân, béo phì.
- Gây ra tình trạng hôi miệng và khiến cơ thể nặng mùi.
- Khi tiêu thụ quá nhiều đạm gây ra các vấn đề về tiêu hóa như táo bón, đầy hơi, kích ứng dạ dày và tiêu chảy do không bổ sung đầy đủ chất xơ.
2. Tác hại của thịt đỏ
Mặc dù ăn thịt đỏ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng nếu tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ sẽ gây hại cho gan, thận, tim mạch, thậm chí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư. Dưới đây là những tác hại khi nạp quá nhiều thịt đỏ vào cơ thể:
2.1. Ảnh hưởng đến Thận
Trong thịt đó có chứa hàm lượng Protein cao, do đó, một chế độ ăn có quá nhiều thịt đỏ, ít rau xanh và trái cây sẽ làm tăng hàm lượng axit nội sinh. Lúc này, cơ thể tăng cường thực hiện quá trình bài tiết Amoniac để tránh tình trạng nhiễm axit. Thận buộc phải làm việc nhiều hơn, lâu dần sẽ làm suy giảm chức năng thận hoặc khiến các bệnh thận trở nên trầm trọng hơn.
Bên cạnh đó, việc ăn nhiều thịt đỏ còn làm tăng giải phóng Ure dư thừa vào máu thông qua quá trình phân giải Protein. Theo thời gian, lượng Ure tích tụ trong cơ thể gây tổn thương thận, đặc biệt khi chức năng thận đã bị suy giảm.
Ngoài ra, ăn nhiều thịt đỏ sẽ gây tổn thương cầu thận, Protein niệu (hay đạm niệu – là tình trạng có Protein trong nước tiểu), nguy cơ mắc phải các bệnh như viêm nhiễm đường tiểu, động mạch thận, thậm chí là suy thận.
2.2. Ảnh hưởng đến Gan
Tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ sẽ khiến Gan phải hoạt động quá mức để chuyển hóa, phân hủy lượng Protein đã được nạp vào cơ thể. Hơn nữa, lượng Protein dư thừa sẽ tích tụ trong Gan dẫn đến tình trạng Gan nhiễm mỡ.
Khi Gan phải hoạt động quá sức trong một thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng suy giảm chức năng gan, sinh ra hiện tượng nóng gan. Khi đó, cơ thể sẽ xuất hiện một số triệu chứng như chán ăn, mệt mỏi, vàng da, vàng mắt,… Nếu tình trạng này không được kiểm soát có thể dẫn tới một số bệnh lý nghiêm trọng như viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ,…
2.3. Ảnh hưởng đến Tim mạch
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, trong thịt đỏ có chứa nhiều chất béo bão hòa hơn các loại thịt khác. Do đó, khi tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ sẽ làm tăng hàm lượng Cholesterol xấu trong máu, chúng bám trên thành mạch máu, gây cản trở sự lưu thông máu, làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh nguy hiểm về tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim,…
Ngoài ra, nếu bạn ăn nhiều các loại thịt đỏ đã được chế biến sẵn chứa nhiều muối sẽ khiến hàm lượng Natri trong máu tăng cao, dẫn đến các bệnh cao huyết áp và một số bệnh tim khác.
2.4. Nguy cơ mắc các bệnh ung thư
Các loại thịt có chứa hàm lượng Protein cao như thịt đỏ, nếu được chế biến với nhiệt độ cao sẽ làm sản sinh ra các hợp chất Amin dị vòng và Hydrocacbon thơm đa vòng – các chất có thể làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh ung thư như:
- Ung thư đại trực tràng
- Ung thư ruột
- Ung thư tuyến tụy
- Ung thư vú đối với nữ giới
- Ung thư tuyến tiền liệt đối với nam giới
2.5. Các tác hại khác
Ngoài việc gây hại cho các bộ phận như Thận, Tim, Gan và làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh ung thư nguy hiểm, thì thịt đỏ còn có thể gây ra một số tác hại khác như:
- Làm giảm tuổi thọ: Đã có nghiên cứu chứng minh rằng những người tiêu thụ nhiều thịt đỏ sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tỷ lệ tử vong cao hơn những người sử dụng thịt đỏ hợp lý.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường Type 2: Các loại thịt đỏ đã qua chế biến như thịt xông khói, xúc xích,… có chứa nhiều chất Nitrate – chất làm tăng đề kháng với các thụ thể Insulin. Ngoài ra, trong thịt đỏ có chứa nhiều Sắt, ăn nhiều thịt đỏ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường Type 2.
- Gây ra các vấn đề về hệ tiêu hóa: Thịt đỏ có chứa nhiều Sắt, chất béo bão hòa nên cần nhiều thời gian hơn để tiêu hóa. Khi tiêu thụ thịt đỏ quá nhiều sẽ gây ra tình trạng khó tiêu, táo bón, buồn nôn, đầy hơi, chướng bụng,…
- Suy yếu hệ miễn dịch: Thịt đỏ khiến chức năng hệ miễn dịch bị suy giảm, làm tăng phản ứng viêm, giãn mạch, gây ra viêm khớp hoặc khiến tình trạng đau khớp trở nên nghiêm trọng hơn.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính: Một chế độ ăn quá nhiều thịt đỏ, ít rau xanh và trái cây sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.
- Đột quỵ: Trong thịt đỏ có chứa hàm lượng chất béo bão hòa cao, nếu ăn nhiều có thể gây rối loạn Lipid trong máu, làm tăng nguy cơ mắc phải các biến chứng về tim mạch, đặc biệt là đột quỵ.
Ngoài ra, trong thịt đỏ chứa nhiều Sắt, ăn nhiều loại thịt này sẽ gây dư thừa Sắt, thúc đẩy phản ứng của gốc tự do gây hại và stress oxy hóa, làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson, Alzheimer.
3. Cách dùng thịt đỏ an toàn
Tùy vào tình trạng sức khỏe, nhu cầu của từng người mà lượng thịt đỏ cần bổ sung cũng khác nhau. Tuy nhiên, khi sử dụng thịt đỏ, bạn cần chú ý đến một số vấn đề sau đây để hạn chế tối đa những tác hại do thịt đỏ gây ra:
- Đối tượng nên tránh ăn thịt đỏ: Những người mắc các bệnh về tim mạch hoặc có tiền sử bệnh ung thư không nên tiêu thụ thịt đỏ.
- Khối lượng thịt: Mỗi ngày chỉ nên tiêu thụ khoảng 70g thịt đỏ đã được chế biến mỗi ngày và bạn nên chọn phần thịt nạc để giảm hàm lượng chất béo và calo nạp vào cơ thể.
- Không ăn thịt cháy: Không nên ăn phần thịt đã bị cháy vì Protein đã bị biến chất, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
- Mẹo chế biến: Bạn nên làm chín sơ thịt trước bằng lò vi sóng, không nấu thịt trực tiếp trên ngọn lửa hoặc bề mặt kim loại quá nóng. Nếu chế biến thịt ở nhiệt độ cao thì hãy thường xuyên lật qua lật lại, tránh để thịt bị cháy. Ngoài ra, bạn có thể ướp thịt với nước sốt có chứa Mật ong và các loại thảo mộc để làm giảm các hợp chất Amin dị vòng có thể gây hại cho sức khỏe. Tốt nhất bạn nên ăn các loại thịt hấp, hầm thay vì thịt xông khói, chiên, nướng ở nhiệt độ cao.
- Bổ sung thêm rau xanh: Khi ăn thịt đỏ, bạn nên kết hợp với các loại rau xanh có chứa nhiều chất chống oxy hóa.
4. Duy trì các thói quen có lợi cho sức khỏe khác
Ngoài việc ăn thịt đỏ đúng cách, bạn cần duy trì những thói quen tốt để tăng sức đề kháng, nâng cao sức khỏe như:
- Xây dựng một chế độ ăn uống với sự cân bằng 4 nhóm chất bao gồm: Bột đường, chất béo, Protein, các loại vitamin và khoáng chất.
- Ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày và đi ngủ sớm. Tìm hiểu thêm bài viết “15 cách ngủ ngon cho cơ thể tươi trẻ mỗi ngày“.
- Uống đủ 2- 2.5 lít nước mỗi ngày để giúp các bộ phận như xương khớp, tim mạch, thận,… hoạt động tốt hơn.
- Rèn luyện thân thể thường xuyên với các bài tập yoga, đi bộ,… ít nhất 30 phút mỗi ngày và 5 ngày trong một tuần. Điều này sẽ giúp cơ thể thư giãn, giảm căng thẳng, tăng cường lưu thông máu, nâng cao sức khỏe. Việc đổ mồ hôi nhiều khi tập luyện là một cách thải bớt muối ra cơ thể, tuy nhiên cần chú ý giữ nước trong lúc tập.
5. Tổng kết
Thịt đỏ là loại thịt có chứa nhiều chất Đạm, Sắt, Kẽm và các loại vitamin cần thiết cho cơ thể. Ăn thịt đỏ hợp lý và đúng cách sẽ giúp tái tạo tế bào máu, phát triển trí não, tăng cường sức khỏe miễn dịch, ngăn ngừa bệnh tật. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều thịt đỏ hoặc ăn các loại thịt được chế biến ở nhiệt độ cao sẽ gây ra các vấn đề về thận, gan, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, thậm chí là bệnh ung thư.
Do đó, bạn hãy tiêu thụ thịt đỏ ở một lượng vừa phải, đặc biệt không nên ăn khi mắc các bệnh về tim mạch hoặc có tiền sử ung thư. Bạn nên ăn các loại thịt hầm, hấp thay vì các loại thịt được chiên, nướng ở nhiệt độ cao, bổ sung thêm nhiều rau xanh và trái cây vào chế độ ăn để hạn chế các tác hại do thịt đỏ gây ra. Đồng thời, bạn cần xây dựng một lối sống lành mạnh với chế độ ăn uống khoa học, ngủ đủ giấc, không thức quá khuya, tăng cường rèn luyện sức khỏe để có một cuộc sống khỏe mạnh, tránh xa bệnh tật.