Đau thần kinh tọa là những cơn đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa, nhánh chạy từ thắt lưng qua hông, tới mông và xuống dưới chân. Bệnh này nếu không được điều trị dứt điểm có thể gây tổn thương thần kinh vĩnh viễn và bệnh nhân có thể gặp phải một số biến chứng nguy hiểm hiểm khác như yếu cơ chân, mất cảm giác ở chân, mất chức năng ruột hoặc bàng quang. Hiện nay, có nhiều người lựa chọn các bài thuốc Đông y trị thần kinh tọa bởi chúng có độ an toàn và hiệu quả khá cao. Mời bạn theo dõi thêm những thông tin chi tiết trong bài viết dưới đây để hiểu hơn về các cây thảo dược và bài thuốc Nam trị thần kinh tọa.
1. Đôi nét về thần kinh tọa và thần kinh tọa theo quan điểm Đông Y
1.1. Giới thiệu về thần kinh tọa
Dây thần kinh tọa là dây thần kinh chạy dọc từ thắt lưng đi qua mông, xuống chân, có chức năng điều khiển cảm giác và chi phối động tác của chân như đứng lên, ngồi xuống hay đi lại. Đau thần kinh tọa hay còn được gọi là đau dây thần kinh hông to, các cơn đau thường xuất hiện ở hông, đùi dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa.
Người bệnh đau thần kinh tọa sẽ có cảm giác đau rát, kim châm tại khu vực dọc đường dây thần kinh tọa, cơn đau lan xuống mông và dọc mặt sau chân đến dưới đầu gối. Thông thường bệnh đau thần kinh tọa chỉ ảnh hưởng tới một bên của cơ thể.
Đau thần kinh tọa xảy ra khi dây thần kinh tọa bị kích thích, chèn ép hoặc bị chấn thương. Nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng đau thần kinh tọa, trong đó thoát vị đĩa đệm chính là nguyên nhân phổ biến nhất. Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác như: chấn thương, viêm khớp cột sống, thoái hóa xương khớp, trượt thân đốt sống, có khối u cột sống, hẹp cột sống, hội chứng cơ hình lê, viêm đĩa đệm đốt sống, nhiễm trùng,…
Đối tượng dễ mắc phải thường là những người từng bị chấn thương vùng lưng dưới hoặc cột sống, người cao tuổi, thừa cân, những người bị viêm xương khớp, mắc bệnh tiểu đường, người thường xuyên làm các công việc nặng nhọc, có thói quen sinh hoạt không đúng hoặc thường xuyên hút thuốc lá,…
Đau thần kinh tọa tuy không ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể gây khó khăn trong vận động và làm giảm sút chất lượng cuộc sống. Nếu bệnh trở nên nghiêm trọng có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng cột sống tiềm tàng hoặc hình thành các khối u cột sống, tổn thương thần kinh, mất kiểm soát nhu động ruột hoặc bàng quang, hội chứng chùm đuôi ngựa, teo cơ vận động,…
1.2. Đau thần kinh tọa theo quan điểm Đông Y
Theo Y học cổ truyền, đau thần kinh tọa được xếp vào phạm vi chứng tý, với các bệnh danh tương ứng là Yêu cước thống, Tọa cốt phong, Tọa diên phong. Tý có nghĩa là bế tắc, chứng tý là tình trạng kinh mạch bế tắc do ngoại tà xâm nhập, khiến khí huyết vận hành trì trệ, gây nên cân cốt, cơ nhục, bì phu, khớp xương tê bì hay thậm chí là co duỗi khó khăn.
Nguyên do dẫn đến đau thần kinh tọa thường là do:
- Cảm thụ ngoại tà: Do phong, hàn, thấp xâm phạm vào bì phu kinh lạc khiến khí huyết ứ trệ. Phong có tính di chuyển gây ra triệu chứng đau lan dọc theo dây thần kinh tọa. Hàn có tính ngưng trệ khiến khí huyết kinh lạc tắc nghẽn làm co rút gân cơ. Thấp có tính nê trệ làm tắc trở kinh lạc gây nên cảm giác tê bì, nặng nề, vận động khó khăn.
- Khí trệ và huyết ứ: Nguyên nhân này bắt từ tổn thương kinh mạch do chấn thương hoặc do khí huyết ứ trệ, khiến dòng chảy sinh mệnh bị cản trở.
- Can thận hư tổn: Ở những người lớn tuổi hoặc lao động quá mức, cơ thể ngày trở nên suy yếu, có thể khiến can thận bị hư tổn khiến các đốt sống và rễ thần kinh bị thoái hóa, gây ra sự chèn ép.
2. Các cây thuốc Nam trị đau thần kinh tọa
Dưới đây là một số cây thuốc Nam được sử dụng phổ biến để hỗ trợ điều trị đau thần kinh tọa:
2.1. Độc hoạt
Cây Độc hoạt có tên khoa học là Angelica pubescens Maxim, họ Hoa tán (Apiaceae). Vị thuốc Độc hoạt (Radix Angelicae pubescentis) là phần rễ đã được phơi hoặc sấy khô. Độc hoạt còn có nhiều tên gọi khác như Khương thanh, Độc diêu thảo, Sơn tiên độc hoạt, Xuyên độc hoạt, Trường sinh thảo,… Vị thuốc này có nhiều tác dụng như an thần, giảm đau, chống viêm nên được sử dụng phổ biến trong điều trị các bệnh về xương khớp như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp,…
Trong Y học cổ truyền, vị thuốc Độc hoạt có một số các đặc điểm, công dụng như sau:
- Tính vị: Tính hơi ấm, vị đắng, cay.
- Quy kinh: Thận, Can, Bàng quang.
- Công dụng: Khu phong, trừ thấp, thông tý, chỉ thống.
- Chủ trị: Phong hàn thấp tý, chứng đau sưng xương khớp, co quắp, tê cứng, đau thắt lưng và đầu gối, phong hàn hiệp thấp đau đầu, thiếu âm phục phong đầu thống, đau đầu, cảm do nhiễm lạnh, nhiễm nước.
2.2. Mộc qua
Cây Mộc qua hay còn được gọi là cây Tra tử, Thu mộc qua, Toan mộc qua,… Loài cây này có tên khoa học là Chaenomeles lagenaria, họ Hoa hồng (Rosaceae). Vị thuốc Mộc qua chính là phần quả đã được phơi khô của cây Mộc qua. Vị thuốc này có tác dụng chống oxy hóa mạnh, có khả năng giảm đau, kháng viêm, được sử dụng trong các bài thuốc chữa phong thấp, chân tay tê bại, gân mạch co quắp, khó cử động các khớp,…
Vị thuốc Mộc qua có những đặc điểm và công dụng như sau:
- Tính vị: Tính ấm, vị chua, không độc.
- Quy kinh: Can, Phế, Tỳ, Thận, Vị.
- Công dụng: Hòa vị, hoạt lạc, khu phong cường tráng, hóa thấp, tiêu viêm, bình can, trấn thống và thư cân.
- Chủ trị: Phong thấp, thổ tả rút gân, kiết lỵ, tiêu chảy, nôn mửa ra chất chua.
2.3. Ngưu tất
Vị thuốc Ngưu tất (Radix Achyranthis bidentatae) là phần rễ đã phơi hoặc sấy khô của cây Ngưu tất (Achyranthes bidentata Blume), thuộc họ Rau dền (Amaranthaceae). Cây Ngưu tất còn được gọi là cây Hoài ngưu tất hoặc cây Cỏ xước. Đây là một loại thảo dược quý dùng trong nhiều bài thuốc Y học cổ truyền, có tác dụng chống loãng xương, bảo vệ thần kinh,…
Theo Đông y, Ngưu tất có một số đặc điểm như sau:
- Tính vị: Tính bình, Vị đắng, chua.
- Quy kinh: Can, Thận.
- Công dụng: Mạnh gân cốt, hoạt huyết thông kinh, bổ can thận.
- Chủ trị: Dùng để trị tình trạng đau lưng gối, mỏi gân xương; chu kỳ kinh nguyệt không đều, bế kinh, tăng huyết áp.
2.4. Đỗ trọng
Cây Đỗ trọng có tên khoa học là Eucommia ulmoides Oliv., thuộc họ Đỗ trọng (Eucommiaceae). Vị thuốc Đỗ trọng (Cortex Eucommiae) là phần thân vỏ đã phơi hoặc sấy khô của loại cây này. Ngoài ra, vị thuốc này còn được gọi với nhiều tên khác như Xuyên đỗ trọng, Mộc miên, Ngọc ti bì hay Hậu đỗ trọng. Đây là một vị thuốc quý được sử dụng nhiều trong các bài thuốc trị đau nhức xương khớp, thoát vị đĩa đệm, tê bì chân tay, đau thắt lưng,…
Sau đây là một số đặc điểm của Đỗ trọng theo Đông y:
- Tính vị: Tính ôn, vị ngọt, không độc.
- Quy kinh: Can, Thận.
- Công dụng: Bổ can hư, kiện gân cốt, an thai, cường chí, dương huyết, ích tinh khí, hạ áp và làm ấm tử cung.
- Chủ trị: Chân tay mỏi đau, lưng đau nhức, phong thấp, bại liệt, di tinh, liệt dương, tiểu đêm, động thai ra huyết, cao huyết áp,…
2.5. Cốt toái bổ
Cây Cốt toái bổ có tên khoa học là Drynaria bonii H. Christ hoặc Drynaria fortunei (Kunze ex Mett.) J.Sm., thuộc họ Dương xỉ (Polypodiaceae). Vị thuốc Cốt toái bổ (tên khoa học là Rhizoma Drynariae fortunei) là phần thân rễ đã phơi hay sấy khô của loại cây này. Ngoài tên Cốt toái bổ, dược liệu còn được biết đến với một số tên khác như Tổ phượng, Hầu khương, Tắc kè đá, Tổ rồng, Thân Khương, Hộc quyết, Thu mùn,… Loại dược liệu này có tác dụng tăng cường sự hấp thu Canxi của xương, tăng lượng Photpho trong máu giúp người bệnh nhanh chóng liền xương. Nó được sử dụng phổ biến trong các bài thuốc nam chữa phong thấp, gãy xương, đau lưng mỏi gối do thận yếu,…
Theo Đông Y, vị thuốc Cốt toái bổ có những đặc điểm sau:
- Tính vị: Tính ấm, vị đắng.
- Quy kinh: Can, Thận
- Công dụng: Mạnh gân xương, giảm đau, cầm máu, hoạt huyết, hóa ứ, bổ can thận,…
- Chủ trị: Chấn thương do té ngã, đau nhức lưng, đau lưng mỏi gối, thận hư yếu, đau răng, chảy máu chân răng, ù tai, tiêu chảy kéo dài.
2.6. Xuyên khung
Cây Xuyên khung có tên khoa học là Ligusticum wallichii Franch., thuộc họ Hoa tán (Apiaceae). Loài cây này còn có tên gọi khác là Xuyên khung, Đại xuyên khung, Khung cùng, Tây phủ khung. Vị thuốc Xuyên khung (Rhizoma Ligustici wallichii) chính là phần thân rễ đã được phơi hoặc sấy khô có tác dụng thúc đẩy quá trình lưu thông khí huyết, từ đó giúp giảm tình trạng tán phong hàn và giảm đau.
Đặc điểm của Xuyên khung theo Đông y:
- Tính vị: Tính cay, vị ôn
- Quy kinh: Can, Tâm bào, Đởm
- Công dụng: Giảm đau, khu phong táo thấp, hành khí hoạt huyết.
- Chủ trị: Xương khớp đau nhức, đau đầu, rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh dữ dội, bị bế kinh, đau quặn bụng,…
2.7. Đương quy
Vị thuốc Đương quy có tên khoa học là Radix Angelicae sinensis là phần rễ đã được phơi hoặc sấy khô của cây Đương quy. Cây có tên khoa học là Angelica sinensis (Oliv) Deils, họ Hoa tán (Apiaceae). Đương quy còn được biết đến với tên gọi khác là Tần quy, Xuyên quy, Vân quy hoặc Nhân sâm cho phụ nữ. Vị thuốc Đương quy có tác dụng bổ máu, trị thiếu máu xanh xao, đau lưng, chân tay tê nhức, đau ngực, đau đầu,…
Đặc điểm của vị thuốc Đương quy theo Đông y:
- Tính vị: Tính ôn, vị hơi cay, đắng.
- Quy kinh: Can, Tỳ, Tâm.
- Công dụng: Bổ huyết, giảm đau, hoạt huyết, điều kinh, nhuận tràng, thông đại tiện.
- Chủ trị: Chữa chân tay đau nhức lạnh, viêm xương khớp, tê bại, đau lưng, thiếu máu xanh xao, cơ thể gầy yếu, mệt mỏi, tổn thương ứ huyết.
2.8. Uy Linh Tiên
Cây Uy linh tiên có tên khoa học là Clematis chinensis Osbeck., họ Mao lương (Ranunculaceae). Cây còn có tên gọi khác là Dây ruột gà, Mộc thông. Vị thuốc Uy linh tiên (Radix et rhizoma Clematidis) là phần thân rễ của loài cây này. Vị thuốc này được sử dụng nhiều trong các bài thuốc trị đau thần kinh tọa, đau lưng mỏi gối, đau nhức xương khớp do phong hàn thấp, phong tê thấp,….
Đặc điểm của Uy Linh Tiên theo Đông y:
- Tính vị: Tính ôn, cay, mặn.
- Quy kinh: Bàng quang.
- Công dụng: Hành khí, thông kinh lạc, khu phong, tán hàn, chỉ thống.
- Chủ trị: Đau nhức xương khớp, tiểu khó, tích trệ, tê bì tay chân, lợi sữa.
2.9. Lá lốt
Lá lốt có tên khoa học là Piper lolot C.DC, thuộc họ Hồ tiêu (Piperaceae). Loài cây này còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như Phắc pạt, Tất bát, Bẩu bát. Đây là vị thuốc có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, giảm đau, giãn mạch máu, làm ấm cơ thể, trừ phong hàn và kích thích tiêu hóa. Theo Đông y, Lá lốt được xếp vào nhóm vị thuốc trừ phong thấp cho nên được sử dụng trong điều trị đau thần kinh tọa, các bệnh lý về xương khớp, tiêu hóa,…
Một số đặc điểm của Lá lốt theo Đông y:
- Tính vị: Tính ấm, vị cay.
- Quy kinh: Tỳ, phế.
- Công dụng: Yêu cước thống (đau lưng, đau chân), Chỉ thống (giảm đau), Ôn trung (làm ấm bụng), Tán hàn (trừ lạnh), Hạ khí (đưa khí đi xuống), Tỵ uyên (mũi chảy nước tanh thối kéo dài),…
- Chủ trị: Trị các chứng hàn, phong, thấp, tê bại chân tay, chữa đau nhức xương khớp, đau đầu, đau răng, tiêu chảy, đầy hơi, nôn mửa, bệnh thận, và chảy mồ hôi.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm một số cây thuốc nam chữa thần kinh tọa khác như Tang chi, Phòng kỷ, Quế chi, Phụ tử, Tang ký sinh, Thiên niên kiện, Ngọc mễ, Thương truật, Sâm ngọc linh,…
3. Các bài thuốc Đông y trị đau thần kinh tọa
Đông Y với kho tàng kiến thức y học cổ truyền từ lâu đã cung cấp nhiều bài thuốc quý giúp giảm đau, cải thiện tình trạng bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Dưới đây là một số bài thuốc Đông y được sử dụng phổ biến để hỗ trợ điều trị đau thần kinh tọa:
3.1. Can khương thương truật linh phụ thang gia giảm chữa đau thần kinh tọa thể phong hàn thấp
- Công dụng: Khu phong, hành khí hoạt huyết và tán hàn.
- Chủ trị: Cơn đau nhức xuất hiện ở vùng thắt lưng, lan xuống mông và kéo dài đến tận bàn chân. Mức độ đau tăng lên khi vận động hoặc di chuyển. Cơn đau trở nên dữ dội hơn khi thời tiết lạnh và kèm theo cảm giác sợ lạnh, da lạnh, lưỡi xuất hiện mảng trắng, mạch phù trì.
- Thành phần: 12g Đương quy, 12g Bạch linh, 12g Bạch chỉ, 8g Thương truật, 8g Xuyên khung, 4g Cam thảo, 4g Phụ tử chế, 4g Can khương.
- Cách làm: Sắc các vị thuốc trên cùng 1.500ml nước rồi lọc bỏ bã lấy 150ml. Chia đều để uống 4 lần trong ngày và uống khi thuốc ấm.
3.2. Độc hoạt tang ký sinh thang gia giảm chữa đau thần kinh tọa thể phong hàn thấp kết hợp can thận hư
- Công năng: Khu phong, tán hàn, trừ thấp, bổ can thận (kiện tỳ nếu có teo cơ).
- Chủ trị: Đau âm ỉ ngang thắt lưng lan xuống mông, chân, lưng, đau nhiều, hoa mắt, chóng mặt, người mệt mỏi, ăn ngủ kém, mạch trầm nhược.
- Thành phần: 16g Sinh địa, 12g Độc hoạt, 12g Đẳng sâm, 12g Phục linh, 12g Tang ký sinh, 12g Bạch thược, 12g Ngưu tất, 12g Tần giao, 12g Đương quy, 10g Phòng phong, 10g Xuyên khung, 10g Đỗ trọng, 4g Quế chi, 4g Cam thảo, 4g Tế tân.
- Chế biến: Các vị trên 1.900ml nước, sắc lọc bỏ bã lấy 150ml. Uống ấm, chia đều 4 lần trong ngày.
Lưu ý: Khi hết đau ngâm thang thuốc này với 02 lít rượu, ngày uống 40ml chia 2 lần, thời gian uống từ 3 – 6 tháng.
3.3. Ý dĩ nhân thang hợp với Nhị diệu thang gia giảm chữa đau thần kinh tọa thể thấp nhiệt (Do viêm nhiễm)
- Công dụng: Thanh nhiệt trừ thấp, hoạt huyết, hành khí.
- Chủ trị: Cảm giác nóng rát, đau nhức như kim châm. Chân bên đau thường nóng hơn so với bên lành. Chất lưỡi có thể hồng hoặc đỏ và rêu lưỡi có thể vàng mỏng hoặc dày.
- Thành phần: 12g Khương hoạt, 12g Độc hoạt, 12g Ngưu tất, 12g Thương truật, 12g Ý dĩ, 12g Hoàng bá, 12g Đương quy, 10g Phòng phong, 4g Cam thảo.
- Cách làm: Sắc các vị thuốc trên cùng 1.500ml nước rồi lọc bỏ bã lấy 150ml. Chia đều để uống 4 lần trong ngày và uống khi thuốc ấm.
3.4. Thân thống trục ứ thang chữa đau thần kinh tọa thể huyết ứ
- Công dụng: Thông kinh hoạt lạt, hành khí hoạt huyết khứ ứ.
- Chủ trị: Đau đột ngột và dữ dội tại một điểm. Cơn đau lan xuống chân, gây hạn chế rất nhiều trong việc vận động. Chất lưỡi trở nên tím đi, có điểm ứ huyết. Mạch sáp.
- Thành phần: 12g Đương quy, 12g Hương phụ chế, 12g Khương hoạt, 12g Tần giao, 12g Ngũ linh chi (tôi giấm), 12g Ngưu tất, 8g Nhũ hương, 6g Đào Nhân, 6g Hồng hoa, 6g Địa long, 4g Chích thảo.
- Cách làm: Sắc lấy nước. Uống mỗi ngày 1 thang, chia thành 2 lần.
4. Các phương pháp khác
Bên cạnh sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bạn có hãy áp dụng một số phương pháp Đông Y hỗ trợ sau để nhanh chóng cải thiện tình trạng đau thần kinh tọa:
- Xoa bóp và bấm huyệt: Hai phương pháp này sẽ giúp thư giãn cơ bắp, tăng cường lưu thông khí huyết, giảm đau nhức, mỏi cơ. Ngoài ra, bạn có thể kết hợp thêm châm cứu để nâng cao hiệu quả giảm đau, tăng cường lưu thông khí huyết.
- Châm cứu: Phương pháp này tác động vào các huyệt đạo trên cơ thể, giúp thông kinh lạc, điều hòa khí huyết, từ đó giảm đau nhức, tê bì và cải thiện tình trạng bệnh. Châm cứu tác động trực tiếp vào các huyệt đạo liên quan đến hệ thần kinh tọa, giúp ức chế dẫn truyền đau, giảm đau nhức dọc theo đường đi của dây thần kinh. Các huyệt đạo thường được sử dụng trong điều trị đau thần kinh tọa bao gồm Thận Du, Đại Trường Du, Hoàn Khiêu, Thượng Liêu,…
5. Lưu ý khi dùng thuốc Đông Y trị đau thần kinh tọa
5.1. Lưu ý khi sử dụng
Đau dây thần kinh hông to do cơ năng, thực thể gây ra. Khi sử dụng các bài thuốc Đông Y trị đau thần kinh tọa, bạn cần lưu ý đến các vấn đề sau đây:
- Cần phải thăm khám bác sĩ và thực hiện điều trị theo chỉ định của bác sĩ Đông y.
- Cần kiên trì sử dụng thuốc theo đúng liều lượng, tuân thủ đúng liệu trình và không được tự ý ngưng thuốc để thuốc có thể phát huy hết tác dụng, có hiệu quả cao nhất.
- Cần phải đi khám ngay nếu bệnh nặng hoặc dùng thuốc nhưng không có thuyên giảm.
- Chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh bằng các phương tiện của Y học hiện đại để bác sĩ đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp.
- Phối hợp các phương pháp Đông y và Tây y trong 1 số trường hợp để tăng hiệu quả điều trị.
5.2. Kết hợp dùng thuốc với các biện pháp khác
Người đau thần kinh tọa có thể kết hợp dùng thuốc với các biện pháp khác để nâng cao hiệu quả điều trị:
Kết hợp với Y học hiện đại: Có thể kết hợp dùng thuốc Đông y với Y học hiện đại điều trị thần kinh tọa theo nguyên nhân, điều trị nội khoa đối với những trường hợp nhẹ và vừa, giảm đau và nhanh chóng phục hồi khả năng vận động.
- Điều trị nội khoa: Bệnh nhân có thể sử dụng thêm các loại thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ, thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) trong trường hợp bệnh đang ở tình trạng nhẹ và vừa. Bạn có thể tham khảo bài viết “Thuốc trị thần kinh tọa” để tìm hiểu thêm về các loại thuốc Tây giúp giảm đau thần kinh tọa hiệu quả.
- Can thiệp ngoại khoa (Phẫu thuật): Biện pháp này được áp dụng khi người bệnh gặp những biến chứng liên quan đến vận động, cảm giác.
Các biện pháp chăm sóc, hỗ trợ khác bên cạnh việc dùng thuốc:
- Chế độ dinh dưỡng: Cần xây dựng một chế độ ăn đa dạng thực phẩm, cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể để nâng cao sức khỏe giúp bệnh nhanh chóng hồi phục. Đặc biệt, người bệnh cần ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống đủ nước,… để giữ ổn định nồng độ axit uric trong máu và có một hệ xương khớp khỏe mạnh. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết “Đau thần kinh tọa ăn và kiêng ăn gì?” để có nhiều lựa chọn hơn trong thực đơn hàng ngày của bản thân.
- Tập luyện thể dục, thể thao hợp lý: Bạn cần lựa chọn những môn thể thao nhẹ nhàng, thích hợp như đi bộ, yoga, bơi lội,… để nâng cao khả năng vận động, cải thiện tình trạng bệnh, tránh những kích thích làm tổn thương dây thần kinh tọa. Bạn có thể tham khảo bài viết “Bài tập cho đau thần kinh tọa” để tìm hiểu về các bài tập hiệu quả nhất.
- Thay đổi thói quen sinh hoạt: Xây dựng một chế độ sinh hoạt lành mạnh, ngủ đủ giấc, uống đủ nước, không sử dụng chất kích thích và tránh căng thẳng kéo dài.
- Điều chỉnh tư thế: Thay đổi tư thế khi đứng, ngồi, khi ngủ hoặc khi năng đồ đạc để làm giảm tối đa tình trạng đau thần kinh tọa. Để biết thêm về cách nằm ngủ đúng, bạn hãy tham khảo bài viết: “4 tư thế nằm tốt nhất cho người bị đau thần kinh tọa.”
- Mẹo giảm đau thần kinh tọa tại nhà: Bạn có thể thực hiện vận động nhẹ nhàng, xoa bóp chân tay trước khi ngủ hoặc sau khi thức dậy để giúp giảm đau thần kinh tọa. Ngoài ra, bạn có thể thực hiện các bảo tập cho cơ lưng, bụng để bảo vệ cột sống, massage, chườm nóng hoặc lạnh để giúp giảm đau, tăng cường lưu thông máu.
6. Tổng kết
Thuốc Đông Y là một trong những giải pháp có thể giúp điều trị đau thần kinh tọa hiệu quả và an toàn, được nhiều người tin dùng. Đông y quan niệm rằng đau thần kinh tọa do sự mất cân bằng âm dương, khí huyết ứ trệ, kinh lạc bị bế tắc. Việc điều trị bằng Đông Y tập trung vào việc khôi phục sự cân bằng âm dương, điều hòa khí huyết, thông kinh lạc, từ đó giảm đau nhức, tê bì, yếu cơ và cải thiện chức năng vận động. Để đạt được hiệu quả tốt nhất, người bệnh cần sử dụng thuốc Đông Y trị thần kinh tọa theo hướng dẫn của bác sĩ.
Công ty TNHH Dược Phẩm Bình Đông tự hào là một trong những doanh nghiệp dược hàng đầu Việt Nam với hơn 70 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất và phân phối các sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh, nâng cao sức khỏe. Tính đến hiện tại, Dược Bình Đông đã cho ra mắt nhiều sản phẩm chất lượng cao, hiệu quả, an toàn, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, nếu đang tìm các sản phẩm giúp nâng cao sức khỏe, hỗ trợ trị thần kinh tọa thì bạn có thể liên hệ Dược Bình Đông qua số hotline 028.39.808.808 để được tư vấn, lựa chọn.