Lão hóa là một quá trình diễn ra tự nhiên của cơ thể con người, khiến cơ thể chúng ta phải đối mặt với sự suy giảm chức năng của các cơ quan theo thời gian. Bất cứ ai cũng không tránh khỏi quá trình lão hóa, hiểu rõ hơn về lão hóa không chỉ giúp chúng ta chuẩn bị tâm lý mà còn biết cách chăm sóc cơ thể để làm chậm quá trình này. Qua bài viết dưới đây, Dược Bình Đông sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các nguyên nhân, ảnh hưởng của lão hóa và những thói quen tốt có thể làm chậm quá trình này.
1. Đôi nét về tình trạng lão hóa
Lão hóa là một quá trình diễn ra liên tục và tự nhiên, làm suy giảm dần chức năng sinh lý, chức năng sinh sản theo thời gian. Quá trình này không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình mà còn khiến các hệ cơ quan bên trong cơ thể hoạt động kém hiệu quả hơn. Bất cứ ai cũng không tránh khỏi quá trình lão hóa, nhưng tốc độ lão hóa ở mỗi người là khác nhau và phụ thuộc vào một số yếu tố như:
- Nội sinh: Nguyên nhân lão hóa đến từ bên trong cơ thể, liên quan đến các yếu tố di truyền và sự suy giảm tự nhiên của các tế bào theo thời gian. Các tế bào của cơ thể mất dần khả năng tái tạo, da mất đi dần khả năng đàn hồi, các cơ quan nội tạng bị suy giảm chức năng.
- Môi trường: Các yếu tố từ môi trường như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm tiếng ồn, hay ánh sáng xanh, tia UV,… đang đẩy nhanh quá trình lão hóa của cơ thể.
- Lối sống không lành mạnh: Khi cơ thể ít vận động, thiếu ngủ, mất ngủ, căng thẳng kéo dài, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, ăn thiếu chất, ăn không đúng giờ,… đều khiến cơ thể bị lão hóa và suy yếu nhanh chóng.
Quá trình lão hóa diễn ra song song với sự phát triển của con người, mỗi giai đoạn sẽ có mức độ lão hóa khác nhau. Quá trình này đã bắt đầu diễn ra từ năm 20 tuổi, dần làm thay đổi ngoại hình và cả các cơ quan bên trong cơ thể. Cụ thể:
- Giai đoạn 20 – 30 tuổi: Đây là giai đoạn cơ thể trẻ trung, sung sức nhưng đã có một số dấu hiệu của lão hóa như suy giảm số lượng tế bào não, giảm dung tích phổi, da mất dần độ đàn hồi, săn chắc,…
- Giai đoạn từ 30 – 40 tuổi: Ở giai đoạn này, các dấu hiệu của lão hóa đã xuất hiện một cách rõ nét như cơ thể có xu hướng tích trữ mỡ, giảm khối lượng cơ, rụng tóc, ngực giảm săn chắc, xương khớp đau nhức, cơ bắp giảm sức mạnh, khả năng sinh sản suy giảm rõ rệt ở cả nam và nữ,…
- Giai đoạn 40 – 50 tuổi: Đây là giai đoạn cơ thể dễ mắc phải các bệnh lý mãn tính nếu không biết cách chăm sóc sức khỏe đúng cách. Cơ thể mất đi sự dẻo dai, linh hoạt, bị suy giảm thị lực, xuất hiện các vấn đề tim mạch, loãng xương, răng yếu,…
- Giai đoạn 50 – 60 tuổi: Ở giai đoạn này, một loạt các dấu hiệu lão hóa xuất hiện rõ rệt như suy giảm chức năng gan thận, tiêu hóa, thính giác, khứu giác và vị giác,… Đặc biệt, các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer và Parkinson có thể xuất hiện, làm ảnh hưởng đến trí nhớ và nhận thức.
- Giai đoạn trên 60 tuổi: Khi tuổi càng cao, dây thanh quản bị giảm độ đàn hồi khiến giọng nói thay đổi, trở nên khàn và không rõ. Bàng quang và niệu đạo hoạt động kém có thể gây ra tình trạng đi tiểu nhiều lần, tiểu không tự chủ. Ngoài ra, các vấn đề về xương khớp, trí nhớ và hệ miễn dịch trở nên nghiêm trọng hơn.
Các biểu hiện lão hóa dễ nhận ra nhất như da kém đàn hồi, xuất hiện các nếp nhăn, dễ bầm tím, khó ngủ sâu, suy giảm trí nhớ, tóc bạc, suy giảm thị giác và thính giác, xương khớp yếu hơn cùng với một số dấu hiệu khác.
2. Ảnh hưởng của lão hóa đến cơ thể
2.1. Ảnh hưởng phổi và hệ hô hấp
Quá trình lão hóa xuất hiện ở hầu hết các cơ quan, bộ phận trên cơ thể, phổi và hệ hô hấp của chúng ta cũng không ngoại lệ. Cụ thể, cơ hoành, cơ giữa các xương sườn và các cơ để thở có xu hướng yếu dần. Các phế nang và các mao mạch phổi bị suy giảm, làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ khí oxy.
Khi bị lão hóa, phổi trở nên yếu hơn, độ đàn hồi giảm và dễ nhiễm trùng hơn. Do đó, những người cao tuổi không thể tập luyện trong thời gian dài như trước, cảm thấy khó khăn khi hít thở ở những nơi có không khí loãng, có nguy cơ cao mắc phải các bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản cấp, viêm mũi, viêm xoang,…
Nhiều người cao tuổi khi mắc phải các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp không có các biểu hiện lâm sàng điển hình như không sốt hoặc sốt không cao; ho ít, đôi khi chỉ ho húng hắng; người bệnh lại ít có khả năng khạc đờm,… Điều này khiến chúng ta dễ dàng bỏ sót các triệu chứng của bệnh. Một số người bệnh thậm chí chỉ có biểu hiện rối loạn ý thức, chậm chạp, lú lẫn… Nhưng lại có một số khác có các biểu hiện như ho có nhiều đờm, sổ mũi, sốt, lạnh run, đau ngực,… Còn đối với các trường hợp bị nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới thường sẽ xuất hiện các triệu chứng như sốt liên tục, khó thở, thở dốc, thở nhanh và đau ngực, lạnh run, ho có đờm có thể lẫn máu, ra nhiều mồ hôi vào ban đêm, sụt cân. Tìm hiểu thêm những thông tin trong bài viết này để hiểu hơn về “Tình trạng phổi yếu” và “Gợi ý những cách bổ phổi, làm sạch phổi“.
2.2. Ảnh hưởng đến gan
Gan là cơ quan có nhiệm vụ chuyển hóa các chất, tổng hợp protein cần thiết cho cơ thể và loại bỏ độc tố. Tuy nhiên, khi gan bị lão hóa thì các chức năng gan sẽ bị suy giảm. Cụ thể như sau:
- Gan bị giảm 20% – 40% khối lượng, giảm 35% – 50% lưu lượng máu đi nuôi gan, giảm thể tích, giảm khả năng tái tạo gan, suy giảm chức năng gan.
- Hệ thống men Cytochrome P450 (nhóm Enzyme chính tham gia vào quá trình chuyển hóa thuốc và hóa chất) bị giảm hoạt động. Do đó, khả năng chuyển hóa các loại thuốc và hóa chất trong cơ thể của gan bị giảm, gan dễ bị tổn thương do các chất độc hại trong thuốc và thực phẩm.
- Hệ miễn dịch bị suy yếu khiến các mầm bệnh và tế bào ác tính dễ dàng tấn công cơ thể.
- Khi gan bị lão hóa, cơ thể dễ mắc phải các bệnh lý về gan như viêm gan, gan nhiễm mỡ, gan tự nhiễm, xơ gan,…
Một số biểu hiện có thể xuất hiện khi gan bị lão hóa:
- Cơ thể mệt mỏi thường xuyên;
- Buồn nôn, chán ăn;
- Da mẩn ngứa và nổi mụn;
- Màu nước tiểu bất thường;
- Hơi thở có mùi hôi khó chịu,…
Tìm hiểu thêm về tình trạng “Gan yếu” và “Những cách giải độc gan hiệu quả“.
2.3. Ảnh hưởng đến xương khớp
Khi chúng ta già đi, hệ cơ xương khớp bị suy yếu dần, cấu trúc xương bắt đầu thay đổi, dẫn đến mất mô xương khiến cho mật độ xương thấp hơn. Lúc này, xương trở nên yếu và dễ gãy hơn, đặc biệt khi bị ngã đột ngột hoặc có va chạm xảy ra.
Hơn nữa, các sụn khớp – đóng vai trò như một lớp đệm giữa các xương, theo thời gian cũng dần bị mòn đi, các chất dịch bôi trơn khớp giảm. Điều này khiến có việc cử động khớp trở nên khó khăn hơn do khớp bị cứng và kém linh hoạt. Các dây chằng xung quanh khớp mất đi độ co giãn do lão hóa cũng gây ra tình trành cứng khớp vô cùng khó chịu.
Một số biểu hiện thường xuất hiện khi xương khớp bị lão hóa:
- Bệnh đau nhức xương khớp, đặc biệt khi vận động nhiều hoặc khi thay đổi thời tiết.
- Cứng khớp sau khi ngồi lâu hoặc vào buổi sáng mới thức dậy
Lão hóa khớp có thể gây ra một số bệnh lý như loãng xương, bệnh thoái hóa xương khớp,…
2.4. Ảnh hưởng tới thận
Đối với thận, quá trình lão hóa sẽ khiến kích thước của thận giảm đi, lưu lượng máu lưu thông tới thận giảm và mức lọc cầu thận cũng bị suy giảm. Nhu mô thận bị lão hóa làm suy yếu chức năng nội tiết và bài tiết nước tiểu của thận.
Một số bệnh về thận thường gặp ở những người cao tuổi như nhiễm trùng đường tiết niệu, thoái hóa mạch máu thận, viêm cầu thận, suy thận,…
Khi thận bị lão hóa, thận suy yếu sẽ làm xuất hiện một số triệu chứng như:
- Hiện tượng tiểu đêm, tiểu nhiều lần
- Tiểu buốt
- Đau lưng
- Khó ngủ
- Cơ thể mệt mỏi, da xanh xao
2.5. Suy nhược cơ thể ở người lớn tuổi
Lão hóa là một quá trình tự nhiên của cơ thể. Sau tuổi 35, các dấu hiệu lão hóa bắt đầu trở nên rõ rệt, ảnh hưởng đáng kể đến cấu trúc và chức năng của các cơ quan bên trong cơ thể.
Một trong những tác động phổ biến của lão hóa là sự suy yếu của hệ thần kinh do tế bào thần kinh dần suy giảm và chết đi, ảnh hưởng đến khả năng điều khiển và phản ứng của cơ thể. Đồng thời, hệ mạch máu cũng bị xơ cứng, tăng nguy cơ mắc các bệnh về huyết áp và tim mạch. Mặt khác, sức khỏe hệ miễn dịch cũng giảm dần theo tuổi tác, khiến người già không đủ khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh.
Tất cả những quá trình này dẫn đến tình trạng suy nhược cơ thể ở người già, làm suy giảm sức khỏe thể chất và tinh thần của họ.
Một số triệu chứng về thể chất dễ nhận thấy khi người già rơi vào tình trạng suy nhược cơ thể như:
- Mệt mỏi, uể oải, không có năng lượng, cảm thấy không đủ sức lực để thực hiện các hoạt động thường ngày;
- Ăn uống kém, chán ăn, bỏ bữa ở người già;
- Hoa mắt, chóng mặt, kém tỉnh táo.
- Da dẻ chuyển màu xanh xao, sắc mặt kém, sụt cân đột ngột;
- Thường xuyên đau đầu với các biểu hiện như đau vùng trán, đau nhức vùng đỉnh đầu hoặc hai bên thái dương;
- Tay chân tê bì, chuột rút các cơ,…
Không chỉ các thay đổi về mặt thể chất, suy nhược cơ thể ở người già còn gây ra các triệu chứng liên quan đến sức khỏe tâm thần như:
- Chất lượng giấc ngủ giảm sút do mất ngủ, ngủ không sâu giấc, ngủ chập chờn,…
- Suy giảm trí nhớ, đãng trí, thường xuyên quên những sự việc vừa xảy ra;
- Kém tập trung, khả năng xử lý thông tin kém;
- Tâm trạng thay đổi thất thường, dễ bị tủi thân, tức giận,…
2.6. Các ảnh hưởng tiêu cực khác
Ngoài những tác động tiêu cực đã nêu trên, lão hóa còn gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực khác như:
- Thừa cân, béo phì: Lão hóa khiến quá trình trao đổi chất của cơ thể bị chậm lại. Do đó, bạn rất dễ bị tăng cân khi tuổi tác bạn tăng cao.
- Tiểu đường: Những người lớn tuổi dễ bị tiểu đường do quá trình chuyển hóa glucose bị rối loạn và sự kháng Insulin cũng tăng dần theo tuổi tác. Ngoài ra lối sống ít vận động khiến người lớn tuổi bị thừa cân, béo phì sẽ làm tăng nguy cơ bị tiểu đường.
- Suy giảm miễn dịch: Hệ thống mô miễn dịch bị thu nhỏ khi bị lão hóa, số lượng các tế bào máu trắng bị giảm sút, khiến người già dễ bị mắc các bệnh như cảm lạnh, cảm cúm, viêm phổi,…
- Hệ tiêu hóa: Lão hóa sẽ làm giảm nhu động ruột, giảm tiết dịch dạ dày, từ đó làm giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng. Đó là lý do khiến người lớn tuổi dễ gặp phải tình trạng táo bón, suy kiệt, người gầy yếu, thậm chí đại tiện không tự chủ.
- Khứu giác, vị giác giảm, răng yếu: Có đến 75% những người trên 80 tuổi bị suy giảm vị giác và khứu giác. Nguyên nhân là do số lượng các nụ lưỡi bị giảm và kém nhạy cảm hơn khi chúng ta già đi. Các bệnh về răng, tình trạng răng yếu cũng khiến người già bị giảm khả năng ngửi và nếm đồ ăn.
- Da bị lão hóa: Da xuất hiện nhiều nếp nhăn, đốm nâu, mất đi độ đàn hồi, không còn căng tràn, tươi trẻ.
- Thoái hóa thần kinh: Khi cơ thể già đi, các tế bào thần kinh bị teo là loạn dưỡng ngày càng nhiều.
- Suy giảm thị lực: Hầu hết, những người lớn tuổi bị suy giảm thị lực, khả năng phân biệt màu sắc, giảm khả năng co nhỏ đồng tử tức thì, thủy tinh thể bị vàng, tăng nguy cơ bị bệnh đục thủy tinh thể hay tăng nhãn áp.
- Mắc bệnh về tim mạch: Khi lão hóa, các mạch máu mất dần tính đàn hồi, dẫn đến xơ vữa mạch máu, lòng mạch bị hẹp sẽ khiến tim hoạt động nhiều hơn mới cung cấp đủ máu đi nuôi các tế bào. Tình trạng này diễn ra lâu ngày khiến người già dễ mắc phải các bệnh như cao huyết áp, xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, đột quỵ,…
3. Thói quen tốt giúp làm chậm quá trình lão hóa
Mặc dù lão hóa là một quá trình diễn ra tự nhiên, nhưng bạn có thể làm chậm quá trình này và giữ cho cơ thể khỏe mạnh nhờ việc duy trì những thói quen tốt hàng ngày. Sau đây là một số thói quen lành mạnh có thể giúp hạn chế sự suy giảm của các cơ quan và chức năng trong cơ thể như:
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh với các loại thực phẩm có chứa nhiều chất xơ, chất chống oxy hóa và các vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể như rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây.
- Uống đủ 2-2.5 lít nước cho cơ thể mỗi ngày để đảm bảo quá trình trao đổi chất diễn ra tốt nhất.
- Hạn chế các loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe như thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn hoặc các loại thức ăn chứa nhiều dầu mỡ.
- Không sử dụng các chất kích thích, uống rượu bia, hút thuốc lá để hạn chế việc nạp các chất độc hại vào cơ thể.
- Lựa chọn các bài tập yêu thích như yoga, đi bộ, bơi lội,… thực hiện một cách đều đặn, ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần để cơ thể được thư giãn, tăng lưu thông máu và nâng cao sức khỏe tổng thể.
- Hạn chế tối đa tình trạng căng thẳng, duy trì tâm trạng thoải mái, vui vẻ.
- Ngủ đủ 7 – 8 tiếng mỗi ngày và không thức quá khuya (sau 23h) để giúp cơ thể có đủ thời gian để nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe. Tìm hiểu thêm bài viết “22 cách dễ ngủ nhanh hơn, hỗ trợ chìm vào giấc ngủ hiệu quả“.
- Luôn bảo vệ, che chắn cho da trước ánh nắng mặt trời bằng kem chống nắng, mũ áo,…
- Khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần để có thể phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe và điều trị kịp thời.
4. Tổng kết
Lão hóa là một quá trình tự nhiên của cơ thể diễn ra song song với sự phát triển của con người mà bất cứ ai cũng không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, các yếu tố nội sinh, môi trường sống ô nhiễm và lối sống không lành mạnh có thể thúc đẩy quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn. Ngược lại, những thói quen tốt như uống đủ nước, chế độ ăn lành mạnh, ngủ đủ giấc, hạn chế các chất kích thích, rượu bia, rèn luyện thân thể thường xuyên,… có thể làm chậm quá trình lão hóa, tăng sức đề kháng, giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh hơn.