Suy nhược cơ thể là tình trạng cơ thể bị thiếu năng lượng, giảm sức đề kháng gây ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc hàng ngày. Theo Y học cổ truyền, suy nhược cơ thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau và được chia thành nhiều thể bệnh tương ứng với các phương pháp điều trị khác nhau. Để hiểu hơn về các phương pháp điều trị suy nhược cơ thể theo Y học cổ truyền này, mời bạn đọc theo dõi thêm những thông tin cụ thể trong bài viết dưới đây.
1. Đôi nét về tình trạng suy nhược cơ thể và quan điểm điều trị bằng Đông Y cho người suy nhược
1.1. Đôi nét về Suy nhược cơ thể
Suy nhược cơ thể là tình trạng người bệnh bị giảm sút sức khỏe, cảm thấy mệt mỏi, tinh thần uể oải, thiếu năng lượng, ngay cả việc di chuyển cũng trở nên khó khăn. Suy nhược cơ thể còn khiến hệ miễn dịch suy yếu, dễ mắc bệnh hoặc làm nặng thêm các bệnh đang mắc phải. Tình trạng này có thể xảy ra ở một số bộ phận hoặc toàn bộ cơ thể.
Suy nhược có thể xảy ra đối với bất kỳ ai, nhưng phổ biến nhất là phụ nữ mang thai, trẻ em, người cao tuổi, những người thường xuyên vận động mạnh, làm việc quá sức hoặc vừa trải qua phẫu thuật.
Khi suy nhược cơ thể ở giai đoạn đầu, cơ thể sẽ bắt đầu cảm thấy thiếu năng lượng, mệt mỏi khi thực hiện các hoạt động thường ngày. Còn khi tình trạng này trở nên nặng hơn, người bệnh sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng rõ rệt và nghiêm trọng hơn như:
- Mệt mỏi kéo dài.
- Dễ mắc bệnh, đau nhức cơ thể thường xuyên như viêm họng, đau cơ, đau khớp nhưng không bị sưng đỏ.
- Khó ngủ, trằn trọc về đêm.
- Tâm lý thay đổi, thường xuyên lo lắng, bối rối, bi quan, dễ cáu gắt.
- Xuất hiện các vấn đề về da và tiêu hóa.
- Sút cân nghiêm trọng.
- Giảm trí nhớ, kém tập trung.
- Cảm giác chán ăn, ăn không ngon miệng, đầy hơi, buồn nôn.
Để tìm ra nguyên nhân gây suy nhược cơ thể chính xác, bạn cần phải đến cơ sở y tế để được chẩn đoán cụ thể. Các bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng, chỉ định các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh để tìm ra các bất thường và nguyên nhân gây suy nhược cơ thể:
- Thiếu dinh dưỡng: Cơ thể thiếu các chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất cần thiết.
- Bệnh lý: Các loại bệnh lý có thể gây suy nhược cơ thể như bệnh tim, tiểu đường, tuyến giáp, thận hoặc ung thư,…
- Stress: Căng thẳng đầu óc, lo lắng, áp lực công việc, cuộc sống kéo dài.
- Khác: Lối sống không lành mạnh, thức khuya, thiếu ngủ, sau phẫu thuật, chấn thương, tác dụng phụ của thuốc,…
Suy nhược cơ thể sẽ không nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị sớm. Tuy nhiên, nếu để tình trạng này kéo dài, diễn biến nặng thì sẽ tác động xấu đến sức khỏe, ảnh hưởng đến các chức năng của cơ thể như thần kinh, cơ xương khớp, tiêu hóa, sinh sản, miễn dịch, tinh thần và giấc ngủ,…
Do đó, bạn cần đến gặp bác sĩ để thăm khám ngay khi có các triệu chứng hoặc thay đổi bất thường nào của cơ thể. Điều này sẽ giúp bạn có thể phát hiện và điều trị sớm những bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể, đồng thời ngăn ngừa tình trạng suy nhược cơ thể trở nên trầm trọng hơn.
1.2. Đôi nét về điều trị suy nhược cơ thể bằng Y học cổ truyền
Theo Y học cổ truyền, suy nhược cơ thể (hay còn được gọi là chứng “Hư lao” hoặc “Hư tổn”) có thể là triệu chứng của bệnh lý mạn tính nào đó hoặc cũng có thể là một chứng bệnh độc lập như suy nhược cơ thể, lão suy, chứng suy mòn.
Chứng Hư lao có nhiều nguyên nhân nhưng chung quy lại thành 2 nguyên nhân chính, bao gồm:
- Tiên thiên bất túc (bẩm sinh không đầy đủ): Tình trạng bị suy nhược cơ thể từ nhỏ.
- Lao thương quá độ: Tình trạng bị suy nhược cơ thể ở tuổi thanh niên do lối sống không lành mạnh như ăn uống không điều độ, hút thuốc, uống rượu, nghiện ngập, làm việc quá sức gây tổn thương Tỳ Phế,…
Vậy nên, khi dùng thuốc Đông y để trị suy nhược cơ thể, ngoài việc điều trị triệu chứng, cần phải xác định rõ đâu là nguồn gốc của bệnh để điều trị tận gốc. Có hai phương pháp điều trị suy nhược theo Đông y, bao gồm:
- Sử dụng các bài thuốc Đông y.
- Phương pháp không dùng thuốc như ngâm chân, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, xông tắm thảo dược,…
Dựa trên tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp thích hợp dành cho bạn.
2. Các cây thuốc nam điều trị suy nhược cơ thể
Trong Y học cổ truyền, nhiều cây thuốc nam được sử dụng để điều trị tình trạng suy nhược cơ thể. Dưới đây là một số cây thuốc nam được dùng phổ biến:
2.1. Câu kỷ tử
Câu kỷ tử (Fructus Lycii) là quả chín đã được phơi hay sấy khô của cây Kỷ tử (Lycium sinense Mill.), thuộc họ Cà Solanaceae. Theo Đông y, Kỷ tử có tác dụng bồi bổ cơ thể, tăng cường sức khỏe cho người mệt mỏi, gầy yếu, bổ tinh khí huyết, hỗ trợ điều trị các bệnh ho lao, lao phổi, đái tháo đường.
Một số đặc điểm của vị thuốc Câu kỷ tử:
- Tính vị: Tính bình, vị ngọt.
- Quy kinh: Phế, Thận, Can.
- Công dụng: Bổ can thận, mạnh gân cốt, nhuận phế táo.
- Chủ trị: Trị tình trạng mắt mờ, chân tay yếu mỏi, di mộng tinh.
2.2. Thục địa
Thục địa có tên khoa học là Rehmannia glutinosa Libosch., là phần rễ đã được chế biến (đồ hoặc nấu chín) của cây Địa hoàng (Rehmannia glutinosa Gaertn), họ Hoa mõm chó Scrophulariaceae. Vị thuốc này được biết đến là một loại thần dược có tác dụng ôn và bổ thận, được dùng cho những người huyết suy, thần trí lo nghĩ hại huyết, túng dục hao tinh.
Một số đặc điểm của Thục địa:
- Tính vị: Tính hơi ấm, vị ngọt.
- Quy kinh: Tâm, Thận, Can.
- Công dụng: Giúp cơ thể tráng kiện, bổ huyết, bảo vệ thần kinh, chống mệt mỏi, trầm cảm, có tác dụng điều kinh, sinh tinh, làm sáng mắt.
- Chủ trị: Trị thận âm suy sinh ra các chứng âm hư nội nhiệt, hay khát nước, người nóng âm ỉ, môi khô, bốc hỏa, đổ mồ hôi, người hay bực mình cáu giận. Bệnh tiêu khát (đái đường), khí suyễn (khó thở), đau họng, hư hỏa bốc lên sinh xuất huyết.
2.3. Bạch phục linh
Bạch phục linh (hay còn được gọi là Phục linh hay Phục thần) có tên khoa học là Poria cocos Wolf, họ Nấm lỗ Polyporaceae. Đây là vị thuốc tốt, thường xuất hiện trong các bài thuốc bổ, được sử dụng trong điều trị các bệnh lý như mất ngủ, suy nhược cơ thể, tiểu tiện khó, tỳ vị kém dẫn đến chứng đau bụng, tiêu chảy, ăn uống không tiêu.
Một số đặc điểm của Bạch phục linh:
- Tính vị: Tính bình, vị ngọt nhạt.
- Quy kinh: Tỳ, Tâm, Thận, Phế.
- Công dụng: Có tác dụng kiện tỳ, an thần, lợi niệu thẩm thấp.
- Chủ trị: Chữa chóng mặt, suy nhược, mất ngủ, có tác dụng an thần, trị tiêu chảy, tỳ hư, ăn kém, lợi tiểu chữa phù thũng, bụng đầy trướng.
2.4. Hoài sơn
Hoài sơn còn có nhiều tên gọi khác như Củ mài, Khoai mài, Sơn dược hay Chính hoài. Loài cây này có tên khoa học là Dioscorea persimilis, họ Củ Nâu Dioscoreaceae. Vị thuốc Hoài sơn (Rhizoma Dioscoreae) là phần rễ củ của cây Hoài sơn. Hoài sơn được xem là một trong những vị thuốc bổ, dùng để trị tỳ vị hư nhược, ăn uống khó tiêu, thích hợp dành cho những người bị suy nhược cơ thể.
Một số đặc điểm của vị thuốc Hoài sơn:
- Tính vị: Tính bình, vị ngọt.
- Quy kinh: Tỳ, Vị, Thận, Phế.
- Công dụng: Có tác dụng dưỡng vị, bổ thận, bổ tỳ, sinh tân, ích phế, chỉ khát.
- Chủ trị: Bồi bổ sức khỏe, ăn uống kém, hen do phế hư, viêm ruột mãn tính, tiêu chảy lâu ngày, bạch đới, di tinh, di niệu, tiểu đường.
2.5. Mạch môn
Mạch môn hay còn được gọi là cây Lan tiên, Tóc tiên, Mạch môn đông hay Xà thảo lá dài. Loài cây này có tên khoa học là Ophiopogon japonicus (Thunb.) Ker Gawl., thuộc họ Thiên môn đông (Asparagaceae). Vị thuốc Mạch môn (Radix Ophiopogonis japonici) là phần rễ củ đã được phơi khô của cây Mạch môn. Theo Đông y, vị thuốc này có tác dụng giúp an thần, thanh nhiệt, giải độc, bổ phế,…
Một số đặc điểm của vị thuốc Mạch môn:
- Tính vị: Tính hàn, vị ngọt, hơi đắng.
- Quy kinh: Tâm, Vị, Phế.
- Công dụng: Có tác dụng dưỡng vị sinh tân, nhuận phế thanh tâm.
- Chủ trị: Phế nhiệt do âm hư, tâm phiền mất ngủ, tân dịch thương tổn, ho khan, ho lao, tiêu khát, táo bón.
2.6. Mẫu đơn bì
Mẫu đơn bì (Cortex Paeonia suffruticosa) hay còn được gọi là Đơn bì, Đan bì, Hoa tướng, Mẫu đơn căn bì, Huyết quỷ,… là phần vỏ rễ của cây Mẫu đơn (Paeonia suffruticosa Andr.), họ Hoàng liên (Ranunculaceae). Vị thuốc này có tác dụng trấn kinh, chữa kinh nguyệt không đều, giảm đau và nhiều bệnh sau khi sinh nở.
Một số đặc điểm của vị thuốc Mẫu đơn bì:
- Tính vị: Tính hơi hàn, vị cay, đắng.
- Quy kinh: Tâm, Can, Thận.
- Công dụng: Có tác dụng thanh huyết nhiệt, tán ứ huyết.
- Chủ trị: Dùng để chữa nhiệt nhập doanh phận, lao nhiệt cốt trưng, thổ huyết, máu cam, phát cuồng kinh giản, kinh bế.
2.7. Phòng đảng sâm
Phòng đảng sâm có tên khoa học là Radix Codonopsis là phần rễ phơi khô của cây Đảng sâm (Codonopsis pilosula), thuộc họ Hoa chuông (Campanulaceae). Phòng đảng sâm còn có nhiều tên gọi khác như Đông đảng sâm, Đảng sâm, Rầy cáy, Lộ đảng sâm, Xuyên đảng sâm, Mần cáy,…Đây là vị thuốc có tác dụng nâng cao sức đề kháng, hệ miễn dịch của cơ thể, giúp chống mệt mỏi, cân bằng hoạt động của vỏ não,…
Một số đặc điểm của vị thuốc Phòng đảng sâm:
- Tính vị: Tính bình, vị ngọt.
- Quy kinh: Tỳ, Phế.
- Công dụng: Kiện tỳ ích phế, bổ trung ích khí.
- Chủ trị: Tỳ phế hư nhược, ăn yếu, phân lỏng, thở dồn, tim đập mạnh, ho suyễn, nội nhiệt, hư tính, tiêu khát (đái tháo đường).
2.8. Nhân sâm
Nhân sâm có tên khoa học là Panax ginseng C.A.Mey (P. schinseng Nees.), họ Ngũ gia bì Araliaceae. Vị thuốc Nhân sâm là phần thân rễ và củ của cây đã được sấy khô, phơi nắng của cây Nhân sâm. Đây là một vị thuốc quý có công dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể và còn được dùng để trị nhiều bệnh khác.
Một số đặc điểm của vị thuốc Nhân sâm:
- Tính vị: Tính ôn, vị ngọt, hơi đắng.
- Quy kinh: Tỳ, Phế.
- Công dụng: Có tác dụng đại bổ nguyên khí (bổ 5 tạng Tâm, Phế, Thận, Can, Tỳ), định thần, ích trí, ích huyết sinh tân, làm sáng mắt, tăng tuổi thọ.
- Chủ trị: Trị ho, suyễn, bệnh lâu ngày dẫn đến khí hư, tiêu chảy, nôn mửa, sợ hãi, tiêu khát,…
2.9. Linh chi
Linh chi hay Nấm linh chi có tên khoa học là Ganoderma lucidum, thuộc họ Nấm lim Ganodermataceae. Cây còn có nhiều tên gọi khác như Tiên thảo, Vạn niên nhung, Nấm trường thọ, Vạn niên, Nấm thần linh, Bất lão thảo, Thần tiên thảo, Cỏ huyền diệu. Theo y học hiện đại, Nấm linh chi có tác dụng tăng cường tuần hoàn máu, giảm mệt mỏi, ổn định huyết áp, hỗ trợ thần kinh, chống đau đầu,…
Một số đặc điểm của vị thuốc Linh chi:
- Tính vị: Tính hàn, vị đắng.
- Quy kinh: Tâm, Phế, Can, Thận.
- Công dụng: Thanh nhiệt giải độc.
- Chủ trị: Trị mất ngủ hay quên, hư hen suyễn, viêm gan đã phục hồi,…
Ngoài ra, trong Đông y còn có nhiều loại thảo dược được dùng để trị chứng suy nhược cơ thể như Liên nhục, Hoàng tinh, Viễn chí, Hoàng kỳ, Long nhãn, Thạch học, Toan táo nhân,…
3. Các bài thuốc Đông y phổ biến dùng điều trị suy nhược cơ thể
Biện chứng về hư lao, các y gia học cổ truyền thường dựa trên 4 yếu tố cơ bản là Âm, Dương, Khí và Huyết trong cơ thể, được chia thành 4 loại bao gồm: Khí hư, Huyết hư, Dương hư, Âm hư kết hợp với ngũ tạng. Trên lâm sàng thường gặp các thể bệnh sau đây:
3.1. Dương hư khí suy
- Triệu chứng: Mệt mỏi lười vận động, người đau mỏi, ê ẩm, vận động thì khó thở, môi lưỡi nhợt nhạt, sắc mặt trắng nhợt, dễ ra mồ hôi (tự hãn), tiểu tiện trong, đại tiện lỏng, chất lưỡi nhạt, miệng nhạt khô, rêu lưỡi trắng mạch hư nhược.
- Pháp trị: Phù dương cố biểu.
- Bài thuốc: Chấn dương lý lao thang.
- Thành phần: 12g Nhân sâm, 12g Đương quy, 16g Hoàng kỳ, 8g Ngũ vị tử, 6g Bạch truật, 6g Mộc hương, 6g Cam thảo, 4g Nhục quế, 4g Trần bì.
- Cách làm: Sắc 3 chén nước cho cô lại còn hơn nửa chén để uống.
3.2. Tỳ dương hư
- Triệu chứng: Mệt mỏi, kém ăn, buồn nôn, chườm nóng thì đỡ đau, trời trở lạnh thì đau bụng, bụng trướng đầy lạnh bụng hoặc sôi bụng, đi cầu lỏng, sắc mặt trắng bệch hoặc vàng sạm, tay chân lạnh, rêu trắng, lưỡi nhợt, mạch trầm tế nhược.
- Pháp trị: Ôn trung kiện tỳ.
- Bài thuốc: Lý trung thang.
- Thành phần: 16g Nhân sâm, 8g Can khương, 6g Bạch truật, 6g Cam thảo.
- Cách làm: Sắc 3 chén nước cho cô lại còn hơn nửa chén để uống.
3.3. Thận dương hư
- Triệu chứng: Tiếng nói nhỏ, yếu, da tái nhợt, mỏi lưng hoặc đau lưng ê ẩm, sợ lạnh tay chân lạnh cột sống lưng, hoạt tinh liệt dương, tiểu không cầm được, tiểu nhiều lần, hay đi tiểu đêm, đi cầu phân lỏng, phân sống, rêu trắng, lưỡi nhợt bệu, mạch trầm nhược.
- Pháp trị: Ôn bổ thận dương.
- Bài thuốc: Thận khí hoàn
- Thành phần: 12g Thục địa, 12g Sơn dược, 8g Sơn thù, 8g Đơn bì, 8g Phục linh, 8g Trạch tả, 6g Quế, 4g Phụ tử.
- Cách làm: Sắc uống.
3.4. Thận âm hư
- Triệu chứng: Gối mỏi, yếu, thắt lưng đau, ù tai chóng mặt, váng đầu, họng khô, răng long, di tinh mất ngủ do hư hỏa động, ra mồ hôi trộm, ngũ tâm phiền nhiệt, lưỡi gầy đỏ, mạch trầm tế (sác).
- Pháp trị: Tư bổ thận âm.
- Thành phần: 200g Yếm rùa, 120g Sơn thù, 120g Sơn dược, 80g Trạch tả, 80g Phục linh, 80g Đơn bì.
- Cách làm: Cao bổ âm với các vị thuốc đem nấu lại thành cao.
3.5. Can âm hư
- Triệu chứng: Chóng mặt, đầu đau, mắt khô, tai ù, sợ ánh sáng, hoặc chuột rút, dễ cáu gắt, lưỡi thô đỏ hơi tím, mắt sắc hồng, mạch huyền tế (sác).
- Pháp trị: Tư âm, tiềm dương.
- Bài thuốc: Bổ can thang.
- Thành phần: 12g Đương quy, 12g Bạch thược, 12g Thục địa, 12g Mạch môn, 8g Xuyên khung, 8g Toan táo nhân, 6g Mộc qua, 4g Cam thảo.
- Cách làm: Sắc uống.
3.6. Vị âm hư
- Triệu chứng: Không muốn ăn hoặc biết đói song không ăn, ăn kém, sốt nhẹ, tâm phiền, cầu táo, phân khô vón, khó đi, nấc, nôn khan, có thể loét miệng, lưỡi, lưỡi đỏ, mạch tế sác.
- Pháp trị: Ích âm dưỡng vị.
- Bài thuốc: Ích vị thang.
- Thành phần: 20g Mạch môn, 20g Sinh địa, 12g Sa sâm, 4g Đường phèn, 4g Ngọc trúc.
- Cách làm: Sắc lấy nước, sau đó cho thêm đường phèn vào để uống.
3.7. Tâm âm hư
- Triệu chứng: Hồi hộp, hay giật mình, mất ngủ, tâm phiền, hay quên, lưỡi loét, miệng loét, ra mồ hôi trộm, lưỡi đỏ sẫm, sắc mặt hồng, mạch tế sác.
- Pháp trị: Tư dưỡng tâm âm, an thần.
- Bài thuốc: Bá tử dưỡng tâm hoàn.
- Thành phần: 16g Bá tử nhân, 12g Kỷ tử, 12g Mạch môn, 12g Đương quy, 12g Thục địa, 8g Xương bồ, 8g Phục thần, 8g Huyền sâm, 4g Cam thảo.
- Cách làm: Làm thành viên hoàn với mật để uống, có thể dùng thang thuốc này để sắc uống.
4. Phương pháp Y học cổ truyền trị suy nhược cơ thể không dùng thuốc
Bên cạnh việc điều trị suy nhược cơ thể bằng thuốc Đông y, bạn có thể phối hợp các phương pháp sau đây để cải thiện nhanh chóng tình trạng bệnh:
- Xoa bóp, massage.
- Bấm huyệt hoặc châm cứu.
5. Thông tin cần biết khi điều trị suy nhược cơ thể bằng phương pháp Y học cổ truyền
5.1. Lưu ý khi sử dụng
Để điều trị suy nhược cơ thể theo Y học cổ truyền một cách an toàn và mang lại hiệu quả cao, bạn cần lưu ý đến một số vấn đề sau:
- Dùng thuốc đúng thể bệnh, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ Đông y trước khi sử dụng bất cứ bài thuốc nào.
- Sử dụng đúng liều lượng, đúng cách, không được tự ý điều chỉnh khi chưa có sự cho phép của bác sĩ.
- Theo dõi tình trạng sức khỏe khi sử dụng thuốc, ngừng dùng thuốc nếu xuất hiện bất cứ dấu hiệu bất thường nào.
- Thời gian điều trị kéo dài ở mỗi thời điểm khác nhau thì bác sĩ sẽ điều chỉnh các loại dược liệu, liều lượng sử dụng cũng khác nhau cho phù hợp với từng giai đoạn bệnh. Do đó, bạn cần tái khám đúng hẹn để có kết quả điều trị tốt nhất.
- Cần lựa chọn loại nguyên liệu có nguồn gốc chất lượng, tránh sử dụng loại thuốc không rõ nguồn gốc, không đảm bảo được an toàn vệ sinh.
- Không được tự ý kết hợp giữa Tây y và Đông y.
- Phối hợp các nguyên liệu đúng cách.
5.2. Kết hợp với các biện pháp hỗ trợ điều trị suy nhược cơ thể khác
Bên cạnh việc điều trị suy nhược cơ thể theo nguyên nhân bệnh lý, bạn có thể tham khảo thêm các phương pháp hỗ trợ khác để giúp sức khỏe nhanh chóng được cải thiện và phục hồi. Sau đây là một số biện pháp hỗ trợ điều trị tình trạng suy nhược cơ thể khác:
- Bổ sung dinh dưỡng: Đối với người bị suy nhược cơ thể nên bổ sung thêm các loại thực phẩm giúp nhanh phục hồi cơ thể giàu carbohydrate, chất đạm, axit béo có lợi như khoai tây, dầu ô-liu, gạo, các loại cá béo, các loại hạt. Ngoài ra, bạn còn có thể bổ sung thêm các loại thực phẩm có chứa nhiều vitamin B, vitamin C và các khoáng chất như magie, sắt, kẽm, canxi. Tìm hiểu thêm về bài viết “Dinh dưỡng dành cho người bị suy nhược để xây dựng thực đơn hàng ngày cho bản thân“.
- Ăn uống lành mạnh: Hạn chế các thức uống có chứa caffeine, bia rượu; không hút thuốc; đảm bảo bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể; duy trì cân nặng khỏe mạnh; giảm cân khi cần thiết; hạn chế thức khuya. Xem thêm “Top 4 món ăn bồi bổ sức khỏe, nhanh phục hồi cho người suy nhược cơ thể“.
- Rèn luyện thân thể: Tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày, mỗi tuần 5 ngày. Lựa chọn các bài tập phù hợp với sức khỏe và khả năng của bản thân.
- Ngủ đủ giấc: Đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 tiếng mỗi đêm, nếu cần bạn có thể ngủ thêm giấc ngủ ngắn trong môi trường yên tĩnh vào ban ngày để nạp năng lượng. Tìm hiểu thêm “18 cách ngủ ngon giấc hơn, giúp hạn chế thức giấc vào ban đêm“.
- Giảm stress: Hạn chế tối đa tình trạng căng thẳng, giữ tinh thần thoải mái, thư giãn để sức khỏe nhanh chóng phục hồi.
- Khám sức khỏe định kỳ: Thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm một lần để phát hiện và điều trị bệnh sớm.
- Sử dụng thực phẩm chức năng: Bổ sung thực phẩm chức năng có nguồn gốc thiên nhiên giúp nâng cao sức khỏe, giảm mệt mỏi và ngủ ngon hơn. Bạn có thể tham khảo sản phẩm Bát Tiên Bình Đông được chiết xuất từ các thành phần thảo dược như Thục Địa, Mạch Môn, Sơn Thù Du, Lạc Tiên, Bạch Phục Linh, Hoài Sơn, Hoàng Tinh, Phòng Đảng Sâm,… có công dụng giúp bồi bổ cơ thể, hỗ trợ giảm mệt mỏi, tăng cường sức khỏe và giúp ăn ngon, ngủ ngon.
6 . Tổng kết
Suy nhược cơ thể là tình trạng cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng, tinh thần uể oải, khiến hệ miễn dịch suy yếu, dễ mắc bệnh hoặc làm bệnh trở nên trầm trọng hơn. Khi điều trị suy nhược cơ thể, bạn cần được thăm khám bác sĩ để tìm ra nguồn gốc gây suy nhược cơ thể mới có thể để trị bệnh tận gốc. Bên cạnh đó, khi điều trị theo Y học cổ truyền, bạn cần lựa chọn loại nguyên liệu chất lượng, có nguồn gốc, đảm bảo an toàn, sử dụng đúng liều lượng và tái khám đúng hẹn để việc điều trị có hiệu quả cao nhất.
Dược Bình Đông là đơn vị uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển các sản phẩm bảo vệ sức khỏe với hơn 70 năm hình thành và phát triển. Các sản phẩm của chúng tôi luôn đạt tiêu chuẩn GMP – WHO đã và đang được nhiều người tin dùng và đánh giá cao về hiệu quả chăm sóc sức khỏe nên bạn hoàn toàn có thể tin tưởng sử dụng. Nếu bạn cần được tư vấn kỹ hơn sản phẩm Bát Tiên Bình Đông, vui lòng liên hệ đến hotline (028)39808808 để được hỗ trợ nhiệt tình.