Trong cuộc sống hiện đại với nhịp sống bận rộn, thói quen ăn uống không lành mạnh ngày càng trở nên phổ biến do sự tiện lợi và giá thành rẻ của các loại thực phẩm chế biến sẵn. Tuy nhiên, ít ai nhận ra rằng, những thực phẩm này đang dần khiến cơ thể phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng. Qua bài viết này, Dược Bình Đông sẽ cung cấp cho bạn thông tin về tác hại của việc ăn uống không lành mạnh đối với cơ thể.
1. Đôi nét về thói quen ăn uống không lành mạnh
Ăn uống không lành mạnh là chế độ ăn thiếu cân bằng, không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể hoặc tiêu thụ quá nhiều các loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe. Nguyên nhân chính dẫn đến việc ăn uống không lành mạnh thường đến từ thói quen hằng ngày, lối sống bận rộn, áp lực công việc và học tập, môi trường sống hoặc phát sinh từ các vấn đề tâm lý.
Các loại thực phẩm không lành mạnh phổ biến có thể kể đến bao gồm:
- Thức ăn nhanh như hamburger, gà rán, khoai tây chiên, pizza,…
- Thực phẩm chế biến sẵn như mì ăn liền, đồ hộp,…
- Thực phẩm nhiều đường như trái cây sấy khô, các loại bánh ngọt,…
- Thực phẩm nhiều dầu mỡ như đồ ăn chiên rán.
- Thực phẩm nhiều muối như dưa muối, bim bim, các loại thịt chế biến sẵn,…
- Nước uống có gas.
Thực phẩm không lành mạnh thường giàu calo nhưng thiếu hụt các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Các thực phẩm này chứa nhiều đường, muối, chất béo không lành mạnh nhưng lại rất nghèo nàn chất xơ, các vitamin và khoáng chất. Tiêu thụ các loại thực phẩm này trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, tóc khô và dễ gãy rụng, thường xuyên gặp các vấn đề răng miệng,…
2. Tác hại của ăn uống không lành mạnh đến cơ thể
Chế độ ăn uống chứa quá nhiều thực phẩm không lành mạnh ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tổng thể và có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển của nhiều bệnh tật. Dưới đây là những tác hại của chế độ ăn uống không lành mạnh đối với cơ thể.
2.1. Ảnh hưởng đến gan
Gan là cơ quan giải độc chính trong cơ thể, có nhiệm vụ chuyển hóa các chất, bao gồm các chất độc hại từ thức ăn, đồ uống và môi trường. Chế độ ăn không lành mạnh với nhiều chất bảo quản, phụ gia và chất béo xấu gây áp lực lớn lên gan do gan phải làm việc liên tục để loại bỏ những chất này ra khỏi cơ thể.
Khi gan phải hoạt động quá mức trong thời gian dài, chức năng gan dần suy yếu, gây ra tình trạng nóng gan, cùng với các biểu hiện dễ nhận biết như mệt mỏi, chán ăn, hơi thở có mùi, nổi mẩn ngứa, mề đay, mụn nhọt,…Tìm hiểu thêm thông tin về sản phẩm Long Đởm Giải Độc Gan.
Nếu tình trạng này kéo dài, bạn sẽ dễ dàng mắc các bệnh gan nghiêm trọng hơn như men gan cao, bệnh viêm gan, xơ gan,…
2.2. Ảnh hưởng đến tim mạch
Khi tiêu thụ thực phẩm có hại sức khỏe, đặc biệt là các thực phẩm giàu chất béo bão hòa, Cholesterol và muối, tim và các mạch máu sẽ phải chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Chất béo bão hòa và Cholesterol có thể tích tụ trong các động mạch, gây tắc nghẽn và cản trở lưu thông máu. Đồng thời, thực phẩm nhiều muối có thể làm tăng huyết áp, gây áp lực lên tim và mạch máu.
Khi mắc các bệnh lý tim mạch, người bệnh thường có một số biểu hiện như huyết áp cao, đau ngực, khó thở, mệt mỏi, yếu sức,…
Những người thường xuyên ăn uống không lành mạnh có nguy cơ cao mắc các bệnh lý tim mạch như suy tim, xơ vữa động mạch,…
2.3. Ảnh hưởng đến tiêu hóa
Thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, nhiều phụ gia và thiếu chất xơ không chỉ gây khó tiêu mà còn làm rối loạn chức năng tiêu hóa. Khi tiêu thụ các loại thực phẩm này thường xuyên, hệ tiêu hóa phải làm việc quá tải, dẫn đến một số biểu hiện như đầy hơi, khó tiêu, táo bón hay tiêu chảy,…
Ăn uống không lành mạnh có thể làm tăng nguy cơ gặp phải tình trạng rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày, tá tràng,…
2.4. Ảnh hưởng đến tâm lý
Thói quen ăn uống không lành mạnh có thể làm suy giảm chất xám và làm thay đổi mức độ dẫn truyền thần kinh trong não. Khi duy trì chế độ ăn uống không lành mạnh trong thời gian dài, cơ thể có thể xuất hiện các biểu hiện như lo âu và trầm cảm, mất năng lượng và giảm khả năng tập trung, căng thẳng và cảm xúc thất thường,…
Người có chế độ ăn uống không lành mạnh có nguy cơ mắc một số bệnh lý liên quan đến tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ,…
2.5. Suy nhược cơ thể
Thức ăn không lành mạnh thường chứa nhiều calo nhưng lại không cung cấp cân đối các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như Carbohydrate, Protein, Lipid, Vitamin và khoáng chất. Trong một thời gian dài, cơ thể không nhận đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì sức khỏe và năng lượng, dẫn đến tình trạng suy nhược cơ thể với các biểu hiện như mệt mỏi kéo dài, giảm khả năng tập trung, mất ngủ,…
2.6. Các ảnh hưởng tiêu cực khác
Ngoài ra, thực phẩm nhiều đường, chất béo bão hòa và thực phẩm chế biến sẵn có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nghiêm trọng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như:
- Tiểu đường: Các loại thực phẩm chứa nhiều đường và tinh bột có thể gây tăng đường huyết và tăng nguy cơ mắc Đái tháo đường tuýp 2.
- Thừa cân, béo phì: Ăn nhiều thực phẩm giàu Calo có thể gây béo phì, từ đó làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh liên quan đến cân nặng như bệnh tim mạch, khó thở,…
- Ung thư: Tiêu thụ nhiều thực phẩm không lành mạnh làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, ung thư vú,…
- Suy giảm chức năng thận: Thực phẩm chứa hàm lượng muối cao làm tăng áp lực lên thận, buộc thận phải làm việc nhiều hơn để lọc lượng Natri dư thừa. Tình trạng này kéo dài có thể gây suy giảm chức năng thận.
- Bệnh về đường hô hấp: Hen suyễn, bệnh phổi mãn tính,…
- Bệnh về xương khớp: Loãng xương, viêm khớp,…
- Lão hóa sớm: Ăn quá nhiều thực phẩm chứa nhiều đường có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa tế bào.
3. Nên điều chỉnh thói quen ăn uống như thế nào để có lợi cho sức khỏe?
Điều chỉnh thói quen ăn uống là một trong những bước quan trọng để bảo vệ sức khỏe và giảm nguy cơ mắc các bệnh lý do chế độ ăn không lành mạnh gây ra. Bằng cách thay đổi từ từ và có kế hoạch, bạn có thể cải thiện chất lượng bữa ăn và duy trì một lối sống lành mạnh hơn bằng các biện pháp sau:
- Lên kế hoạch ăn uống hằng tuần giúp bạn có thể chuẩn bị những bữa ăn lành mạnh, tránh việc ăn thức ăn nhanh và không cân đối dinh dưỡng.
- Ưu tiên chọn thực phẩm tươi thay vì các thực phẩm chế biến sẵn như cá hộp, thịt xông khói, thịt muối, xúc xích, giò chả, dưa muối, bim bim, mì ăn liền,… vì các thực phẩm này thường chứa nhiều muối, đường, phụ gia để cải thiện hương vị và bảo quản lâu hơn.
- Theo dõi nhãn dinh dưỡng để hạn chế các chất có hại trong trường hợp cần phải sử dụng thức ăn chế biến sẵn.
- Chế biến món ăn bằng cách luộc, hấp thay vì các món cần nhiều gia vị mặn như kho, rim, rang để giảm lượng muối tiêu thụ mỗi ngày.
- Giảm muối trong các món ăn bằng cách thay thế hoặc kết hợp với các loại gia vị khác để tăng hương vị tự nhiên.
- Tự nấu ăn tại nhà để kiểm soát lượng muối, đường sử dụng trong các bữa ăn.
- Hạn chế sử dụng nước mắm, bột canh khi ăn. Khi cần sử dụng, nên pha loãng và kết hợp thêm các gia vị khác như chanh, ớt, tỏi để tăng hương vị.
4. Thiết lập và duy trì các thói quen có lợi cho sức khỏe khác
Bên cạnh việc điều chỉnh thói quen ăn uống, bạn nên áp dụng một số biện pháp dưới đây để nâng cao sức khỏe:
- Ngủ đủ 7 – 8 tiếng mỗi đêm và ngủ sớm trước 23 giờ.
- Uống đủ 2 – 2.5 lít nước mỗi ngày.
- Tăng cường ăn rau quả vì rau quả giúp cơ thể thải muối Natri.
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng bằng các phương pháp như thiền, tắm nước ấm,… kết hợp các liệu pháp thư giãn.
- Tập thể dục đều đặn với các bài tập như đi bộ, yoga,… ít nhất mỗi ngày 30 phút mỗi, 5 ngày mỗi tuần. Việc đổ mồ hôi nhiều khi tập luyện là một cách thải bớt muối ra cơ thể, tuy nhiên, bạn cần chú ý uống đủ nước khi tập.
5. Tổng kết
Hy vọng bài viết của Dược Bình Đông đã cung cấp cho bạn thông tin hữu ích về những tác hại của việc ăn uống không lành mạnh cũng như một số biện pháp để điều chỉnh thói quen này. Ăn uống không lành mạnh có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều cơ quan trong cơ thể như tim, gan, hệ tiêu hóa,… Do vậy, để có sức khỏe tốt, bạn cần hạn chế ăn các thực phẩm không lành mạnh, duy trì chế độ ăn uống cân bằng và chứa đầy đủ dinh dưỡng.