Hiện nay, đau cổ vai gáy đã trở thành vấn đề được nhiều người quan tâm. Nếu tình trạng bệnh này kéo dài hoặc có các triệu chứng nghiêm trọng xuất hiện, người bệnh sẽ có nguy cơ dẫn đến tàn tật vĩnh viễn. Vì vậy, việc điều trị kịp thời để ngăn chặn chuyển biến xấu là điều hết sức cần thiết. Trong đó, điều trị đau vai gáy theo Y học cổ truyền là một phương pháp đang được nhiều người lựa chọn vì có hiệu quả cao lại ít tác dụng phụ. Mời bạn đọc theo dõi những thông tin trong bài viết dưới đây để hiểu hơn về các cây thuốc và bài thuốc Đông y trị đau vai gáy.
1. Đôi nét về tình trạng đau vai gáy và quan điểm Đông y về đau vai gáy
1.1. Giới thiệu về triệu chứng đau cổ vai gáy
Đau cổ vai gáy là tình trạng các cơ tại vùng vai, gáy bị co cứng lại gây đau, các vận động như quay cổ, quay đầu bị hạn chế. Tình trạng này thường gặp nhất vào sáng sớm mới thức dậy, khi ngồi làm việc ở một tư thế quá lâu.
Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể bị đau cổ vai gáy, tuy nhiên, những người có nguy cơ cao bị đau vai gáy thường là những nhân viên văn phòng, tài xế lái xe, những người lao động nặng, đã từng bị chấn thương làm ảnh hưởng đến vai gáy, dị tật bẩm sinh ở vùng cổ, gáy hoặc đang mắc phải các bệnh lý như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ, lao, hay ung thư vùng cổ,…
Những người bị đau vai gáy thường bị đau nhức nhẹ, cảm giác tê mỏi và khó chịu có thể tập trung ở giữa cổ và vai hoặc lan sang cả các vùng lân cận như mang tai, cánh tay, lưng,… Người bệnh cảm thấy khó khăn khi quay đầu sang trái, sang phải hoặc ngửa lên, cúi xuống. Đặc biệt, các cơn đau tăng nặng khi đứng hoặc ngồi quá lâu, ho, hắt hơi, vận động cổ quá nhiều hoặc khi thay đổi thời tiết.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau vai gáy, điển hình như:
- Thoái hóa đốt sống cổ: Khi bị thoái hóa đốt sống cổ, các gai xương sẽ xuất hiện gây chèn ép vào các dây thần kinh ở vùng vai gáy khiến vùng này bị đau nhức, tê mỏi.
- Thoát vị đĩa đệm cổ: Là tình trạng sụn chêm (đĩa đệm) giữa các đốt xương sống cổ bị tụt ra khỏi vị trí bình thường và làm cho các dây thần kinh gần đó bị chèn ép. Người bệnh sẽ bị đau 1 hoặc 2 đốt sống cổ, sau đó lan rộng ra vùng bả vai, cánh tay, sau đầu và hốc mắt. Ngoài ra, người bệnh còn bị tê ngứa chân tay, cổ và cánh tay bị hạn chế vận động.
- Các nguyên nhân bệnh lý khác như: Vôi hóa cột sống, rối loạn chức năng thần kinh, rối loạn khớp bả vai lồng ngực, ung thư, viêm bao khớp vai, viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa xương khớp,… cũng có thể làm xuất hiện tình trạng đau vai gáy ở người bệnh.
- Căng cơ hoặc chấn thương: Khi vận động, chơi thể thao quá sức hoặc với cường độ mạnh, vùng cơ ở vùng vai gáy dễ bị kéo giãn quá mức, gây ra căng cơ, khiến cổ vai gáy bị đau. Ngoài ra, các tai nạn, va chạm gây chấn thương vùng vai gáy cũng có thể là nguyên nhân gây ra đau nhức.
Tình trạng đau cổ vai gáy kéo dài sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến công việc cũng như đời sống sinh hoạt của người bệnh. Nghiêm trọng hơn, nếu người bệnh chủ quan không thăm khám và được điều trị kịp thời, tình trạng đau vai gáy có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như rối loạn tiền đình, tăng nguy cơ thiếu máu lên não, đau rễ thần kinh thực vật, rối loạn cảm giác tứ chi, thậm chí gây ra bại liệt một hoặc cả hai tay.
1.2. Đau vai gáy theo quan điểm Đông Y
Theo Y học cổ truyền, tình trạng đau vai gáy được mô tả trong phạm vi chứng Tý. Tý nghĩa là không thông, chứng Tý là chứng kinh mạch bị ngoại tà xâm nhập làm bế tắc, dẫn đến cản trở khí huyết vận hành và gây đau, tê bì cân cốt, cơ nhục, nếu nặng có thể gặp phải khó khăn khi co duỗi.
Một số nguyên nhân chính dẫn đến đau vai gáy như sau:
- Thể phong hàn (đau vai gáy do lạnh): Điển hình với các triệu chứng như đau nhức đầu, cổ, vai và ngực, lưng, có điểm đau cố định ở cổ, có thể sờ thấy vị trí co cơ ở cổ vai gáy, cứng cổ gây hạn chế vận động. Ngoài ra, người bệnh còn bị đau, tê tứ chi, yếu hai chi trên, đau đầu, thích ấm, sợ lạnh, lưỡi rêu trắng mỏng, màu nhợt,…
- Thể huyết ứ (đau vai gáy do chấn thương hay thoát vị đĩa đệm): Thường ít xuất hiện đơn thuần mà kết hợp với những thể lâm sàng khác của chứng Tý ở vùng vai gáy. Các triệu chứng hay gặp đau nhức, tê cứng vùng đầu, cổ, vai và ngực, lưng, đau nhói vị trí cố định, đau tăng lên về đêm, ban ngày đỡ đau hơn, đau cự án, co cứng cơ tại chỗ hoặc kích thích khó chịu.
- Thể can thận hư (đau vai gáy do thoái hóa đốt sống cổ): Điển hình với các triệu chứng đau nhức vai gáy, ngực lưng, đau lưng mỏi gối, tê bì tay, đau căng đầu, hoa mắt chóng mặt.
- Thể phong đờm: Triệu chứng thường gặp bao gồm cứng cổ, hạn chế vận động cổ, đau mỏi vai gáy, chân tay tê cứng, đau nhức gân xương.
- Thể thấp nhiệt (đau vai gáy do viêm nhiễm): Sưng, nóng, đỏ, đau kết hợp với hạn chế vận động vùng vai gáy. Người bệnh có thể kèm theo sốt, mạch phù sác, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng.
2. Các cây thuốc Nam trị đau vai gáy
2.1. Thổ phục linh
Vị thuốc Thổ phục linh (Rhizoma Smilax glabra) là thân rễ đã được phơi hoặc sấy khô của cây Thổ phục linh (Smilax glabra Roxb), thuộc họ Khúc khắc (Smilacaceae). Loài cây này còn được gọi với nhiều tên gọi khác như Kim cang, Khúc khắc, Tơ pớt,… Đây là vị thuốc có khả năng chống viêm, tăng cường sức đề kháng, giảm tình trạng đau nhức, mỏi cơ,… Thổ phục linh được dùng trong các bài thuốc Nam trị chứng đau nhức xương khớp do phong thấp, giải độc,…
Trong Đông y, vị thuốc này được coi là “thần dược” với một số đặc điểm, công dụng như sau:
- Tính vị: Tính bình, vị ngọt nhạt, chát và không độc.
- Quy kinh: Can, Vị.
- Công năng: Thông lợi các khớp, trừ thấp, lợi niệu, giải độc.
- Chủ trị: Trị đau nhức xương khớp, tràng nhạc, tiểu đục, lở ngứa, giang mai, xích bạch đới, trúng độc thủy ngân.
2.2. Cốt toái bổ
Vị thuốc Cốt toái bổ (Rhizoma Drynariae) là phần thân rễ đã phơi hoặc sấy khô của cây Cốt toái bổ (Drynaria fortunei (Kunze ex Mett.) J.Sm. hoặc Drynaria bonii H. Christ), họ Dương xỉ (Polypodiaceae). Cây Cốt bổ toái còn có nhiều tên gọi khác như Tắc kè đá, Hầu khương, Thân khương, Tổ rồng, Tổ phượng, Hộc quyết, Thu mùn,… Đây là một loại dược liệu quý hiếm có tác dụng giảm đau, giúp xương tăng cường hấp thu Canxi, tăng lượng Photpho cho máu nên rất tốt cho hệ xương khớp.
Theo Đông y, Cốt bổ toái có một số đặc điểm như sau:
- Tính vị: Tính ấm, vị đắng.
- Quy kinh: Can, Thận.
- Công dụng: Mạnh gân xương, giảm đau, hoạt huyết, hóa ứ, bổ can thận, cầm máu.
- Chủ trị: Đau nhức lưng, chấn thương do té ngã, đau lưng mỏi gối, thận hư yếu, chảy máu chân răng, ù tai, đau răng, tiêu chảy kéo dài.
2.3. Dây đau xương
Dây đau xương có tên khoa học là Tinospora sinensis (Lour.) Merr, cây thuộc họ Tiết dê (Menispermaceae). Ngoài ra, Dây đau xương còn có nhiều tên gọi khác là Khoan cân đằng, Khau năng cấp, Tục cốt đằng, và Chan mau nhây. Đây là một vị thuốc trong Đông y có tác dụng tăng cường sức khỏe, chữa trị các triệu chứng liên quan đến xương khớp, thần kinh. Theo Y học hiện đại, dây đau xương có tác dụng chống viêm, ức chế sự co thắt của cơ trơn, ức chế hệ thần kinh trung ương, giúp giảm đau nhanh chóng nên được dùng nhiều trong việc điều trị các bệnh về xương khớp.
Một số đặc điểm trong Đông y của Dây đau xương:
- Tính vị: Tính mát, vị đắng,
- Quy kinh: Can.
- Công dụng: Thư cân hoạt lạc, khu phong trừ thấp.
- Chủ trị: Chấn thương, mạnh gân hoạt cốt, đau nhức xương khớp, phong thấp tê bại, rắn cắn.
2.4. Ngưu tất
Vị thuốc Ngưu tất (Radix Achyranthis bidentatae) là phần rễ đã được phơi, sấy khô của cây Ngưu tất (Achyranthes bidentata Blume), thuộc họ rau Dền (Amaranthaceae). Loài cây này còn được biết đến với tên gọi khác như cây Cỏ xước hay Hoài ngưu tất. Theo Tây y, Ngưu tất có tác dụng chống viêm, giảm đau, chống loãng xương, bảo vệ thần kinh,… Còn theo Đông y, đây là một thảo dược quý, được sử dụng nhiều trong các bài thuốc Y học cổ truyền điều trị loãng xương, hạ huyết áp, bảo vệ thần kinh,…
Theo Đông y, Ngưu tất có một số đặc điểm, công dụng như sau:
- Tính vị: Tính bình, vị chua, đắng.
- Quy kinh: Can, Thận.
- Công năng: Giúp mạnh gân cốt, hoạt huyết thông kinh, bổ can thận
- Chủ trị: Dùng để trị mỏi gân xương, đau lưng gối, tăng huyết áp, bế kinh, chu kỳ kinh nguyệt không đều.
2.5. Khương hoạt
Khương hoạt có tên khoa học là Notopterygium incisum Ting Mss, thuộc họ Hoa tán (Apiaceae). Loài cây này còn có nhiều tên gọi khác như Xuyên khương hoạt, Hồ vương sứ giả, Tây khương hoạt, Khương thanh. Theo Đông y, đây là một vị thuốc có tác dụng trừ thấp, chỉ thống nên được dùng trong trị bệnh phong thấp gây ra đau lưng, đau xương cốt cấp tính.
Một số đặc điểm của vị thuốc Khương hoạt theo Đông y:
- Tính vị: Tính ôn, vị đắng, cay.
- Quy kinh: Can, Thận, Bàng quang.
- Công dụng: Tán hàn giải biểu, trừ thấp, khu phong, giảm đau, dẫn khí đi vào mạch Đốc và kinh Thái dương, thông kinh hoạt lạc cho chi trên và lưng.
- Chủ trị: Trị thấp khớp, đau cổ, đau đầu vùng chẩm, sốt không ra mồ hôi được, giảm đau trong viêm khớp dạng thấp, nhức đầu và cảm lạnh, buồn ngủ, đau đầu vùng chẩm, đau cổ.
2.6. Xuyên khung
Cây Xuyên khung có tên khoa học là Ligusticum wallichii Franch, thuộc họ Hoa tán (Apiaceae). Loài cây này còn có tên gọi khác là Xuyên khung, Đại xuyên khung, Khung cùng, Tây phủ khung. Vị thuốc Xuyên khung (Rhizoma Ligustici wallichii) chính là phần thân rễ của cây Xuyên khung đã được phơi hoặc sấy khô. Vị thuốc này có tác dụng thúc đẩy quá trình lưu thông khí huyết, từ đó giúp tán phong hàn và giảm đau, được dùng để giảm đau, trị chứng đau khớp do thấp khớp, liệt nửa người do đột quỵ.
Đặc điểm của Xuyên khung theo Đông y:
- Tính vị: Tính ôn, vị cay.
- Quy kinh: Can, tâm bào và đởm.
- Công dụng: Giảm đau, khu phong táo thấp, hành khí hoạt huyết.
- Chủ trị: Xương khớp đau nhức, đau đầu, rối loạn kinh nguyệt, bế kinh, đau bụng kinh dữ dội, đau quặn bụng.
2.7. Phòng phong
Phòng phong có tên khoa học là Ledebouriella seseloides Wolff, thuộc họ Hoa tán (Apiaceae). Loài cây này còn có nhiều tên gọi khác như Hồi thảo, Bỉnh phong, Sơn hoa trà. Đây là một vị thuốc được dùng phổ biến trong Y học cổ truyền với tác dụng kháng khuẩn, giảm đau, chữa đau nhức xương khớp, điều hòa nhiệt độ, trừ phong thấp,… Phòng phong xuất hiện nhiều trong các bài thuốc trị đau vai gáy, đau nhức xương khớp không nóng đỏ, viêm khớp dạng thấp,…
Một số đặc điểm của vị thuốc Phòng phong theo Đông y:
- Tính vị: Tính ấm, vị cay, ngọt.
- Quy kinh: Can, Phế, Tỳ, Vị, Bàng quang.
- Công dụng: Tán phong, trừ thấp.
- Chủ trị: Đau nhức xương khớp, phong thấp, tê bì, nhức đầu, choáng váng, mắt mờ, cảm mạo, mụn nhọt lở loét.
3. Các bài thuốc Đông Y trị đau cổ vai gáy
Theo Y học cổ truyền, những bài thuốc được sử dụng trong điều trị đau vai gáy là sự kết hợp của nhiều loại thảo dược để phát huy tốt công dụng cho từng thể bệnh. Các bài thuốc này thường tác động đến xương khớp, mạch máu và khối cơ giúp giải phóng kinh lạc ứ trệ, lưu thông khí huyết, giảm đau, giảm co cứng, giảm tê bì hiệu quả cũng như cải thiện chức năng vận động của xương khớp.
3.1. Thể phong hàn (đau vai gáy do lạnh)
- Công dụng: Khu phong tán hàn, hoạt huyết, hành khí.
- Chủ trị: Đột nhiên vai gáy cứng đau quay cổ khó, ấn vào các cơ thang, đòn chũm thấy đau và co cứng so với bên lành, mạch phù, sợ lạnh, rêu trắng.
Một số bài thuốc trị đau vai gáy do lạnh phổ biến mà bạn có thể tham khảo:
Bài thuốc 1:
- Thành phần: 12g Phòng phong, 12g Đại táo, 8g Bạch chỉ, 8g Ma hoàng, 8g Quế chi, 6g Cam thảo, 4g Sinh khương.
- Cách làm: Ngày dùng 1 thang, sắc lấy nước để uống.
Bài thuốc 2:
- Thành phần: 12g Xuyên khung, 12g Ý dĩ, 12g Phục linh, 8g Thương truật, 8g Can khương, 8g Quế chi, 6g Cam thảo.
- Cách làm: Ngày dùng 1 thang, sắc lấy nước chia thành 3 lần để uống.
Bài thuốc 3:
- Thành phần: 40g Cành dâu, 12g Khương hoạt, 12g Độc hoạt, 12g Tần giao, 12g Đương quy, 10g Xuyên khung, 8g Quế chi, 8g Mộc hương, 6g Chích cam thảo, 6g Nhũ hương.
- Cách làm: Sắc uống 3 lần 1 ngày, ngày dùng một thang.
3.2. Thể phong đờm
- Công dụng: Thông kinh hoạt lạc, trừ phong, hoạt huyết hóa ứ, quyết đờm.
- Chủ trị: Cổ cứng, vận động cổ hạn chế, đau mỏi vai gáy, đau nhức gân xương, chân tay tê cứng.
- Thành phần: 30g Tang chi, 30g Mộ thông thông, 15g Quy đầu, 12g Bạch chỉ, 12g Khương hoàng, 12g Xuyên khung, 12g Uy linh tiên, 9g Bạch giới tử, 9g Hồng hoa, 9g Đởm nam tinh, 9g Khương hoạt.
- Cách làm: Rửa sạch các vị thuốc lấy 700ml nước sắc lấy 300ml thuốc, lọc bỏ phần bã, chia làm 3 phần nước uống hết trong ngày. Hâm nóng khi uống. Mỗi ngày chỉ uống 1 thang.
Lưu ý:
- Nếu tê bì chân tay thêm 30g Hoàng kỳ.
- Gáy lưng căng cứng thêm 24g Cát căn, 5.4g Long đởm thảo.
- Nhiệt uất thêm 30g Kim ngân hoa.
- Thấp nhiệt khiến miệng đắng, lo âu thêm 9g Hoàng cầm.
3.3. Thể can thận hư (nguyên nhân do thoái hoá đốt sống cổ)
- Công năng: Trừ thấp, khu phong, bổ can thận.
- Chủ trị: Đau cứng vùng gáy, quay đầu khó khăn, cúi xuống khó khăn, càng vận động nhiều thì đau nhiều, đ khi xuất hiện cơn giật hoặc đau từng cơn, có thể kèm theo vùng vai tê mỏi lan xuống hai tay, nằm nghỉ có đỡ đau, rêu lưỡi, lưỡi đỏ ít,mạch tế sác.
Một số bài thuốc trị đau vai gáy do thoái hóa đốt sống cổ:
Bài thuốc 1: Quyên tý thang
- Thành phần: 12g Phòng phong, 12g Xích thược, 12g, Đương quy, 12g Nghệ vàng, 12g Hoàng kỳ, 8g Khương hoạt.
- Cách làm: Tất cả đem rửa sạch, đem sắc với 800ml nước cho đến khi còn 300ml. Lấy nước sắc chia làm 3 lần 1 ngày, mỗi ngày uống 1 thang.
Bài thuốc 2: Bổ thận tráng cân
- Thành phần: 16g Thục địa, 12g Đương quy, 12g Ngưu tất, 12g Tục đoạn, 12g Ngũ gia bì, 12g Bạch linh, 10g Đỗ trọng, 10g Thanh bì, 8g Sơn thù.
- Cách làm: Sắc với 500ml nước cho đến khi còn 100ml. Lấy nước sắc chia làm 3 lần/ngày, mỗi ngày uống 1 thang.
3.4. Thể huyết ứ (nguyên nhân do thoát vị đĩa đệm hay chấn thương)
- Công dụng: Hành khí thông lạc, hoạt huyết hóa ứ, trừ thấp.
- Chủ trị: Vùng gáy cứng, xoay đầu khó khăn, đau nhức, có những điểm đau dữ dội, chân tay tê dại, gân xương đau mỏi, lưỡi thâm tím, mạch sáp hoặc trầm hoạt.
Một số bài thuốc trị đau vai gáy do thoát vị đĩa đệm hoặc chấn thương:
Bài thuốc 1: Hoạt huyết thư cân
- Thành phần: 16g Tục đoạn, 16g Đỗ trọng, 16g Ngưu tất, 16g Ngũ gia bì, 12g Phòng phong, 12g Độc hoạt, 12g Đương quy, 12g Khương hoạt, 10g Kinh giới, 10g Hồng hoa, 8g Chỉ xác, 8g Thanh bì.
- Cách làm: Tất cả đem rửa sạch, đem sắc với 800ml nước cho đến khi còn 300ml. Lấy nước sắc chia làm 3 lần 1 ngày, mỗi ngày uống 1 thang.
Bài thuốc 2: Tứ vật đào hồng
- Thành phần: 12g Thục địa, 12g Đương quy, 12g Xích thược, 10g Xuyên khung, 8g Đào nhân, 6g Hồng hoa.
- Cách làm: Sắc thuốc với 800ml nước cho đến khi còn 300ml. Lấy nước sắc chia làm 3 lần 1 ngày, mỗi ngày uống 1 thang.
3.5. Thể thấp nhiệt (đau vai gáy do viêm nhiễm)
- Công dụng: Khu phong, trừ thấp, thanh nhiệt giải độc, hành khí hoạt huyết.
- Chủ trị: Sưng, nóng, đỏ, đau, hạn chế vận động vùng vai gáy, có thể có sốt, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch phù sác.
Một số bài thuốc trị đau vai gáy do viêm nhiễm:
Bài thuốc 1:
- Thành phần: 16g Ý dĩ, 16g Hy thiêm thảo, 12g Rễ xấu hổ, 12g Sinh địa, 12g Huyền sâm, 12g Tỳ giải, 12g Cỏ xước, 12g Nga truật, 10-12g Kim ngân hoa, 10g Diếp cá, 10g Sài đất.
- Cách làm: Sắc thuốc với 800ml cô lại 300ml, mỗi ngày uống 1 thang, ngày chia làm 3 lần.
Bài thuốc 2:
- Thành phần: 12g Cát cánh, 12g Thạch cao, 12g Bạch thược, 10g Bạch chỉ, 8g Hoàng cầm, 8g Khương hoạt.
- Cách làm: Sắc thuốc với 800ml cô lại 300ml, mỗi ngày uống 1 thang, ngày chia làm 3 lần.
3.6. Đau vai gáy do âm hư dương cang
- Công dụng: Bình can tiềm dương, nhu can tức phong.
- Chủ trị: Cổ gáy cứng đơ khó chịu, bệnh trình kéo dài, chóng mặt ù tai, lưng đùi mềm yếu, mặt mắt đỏ, đầu nặng chân nhẹ, đi đứng lảo đảo, mạch huyền tế là thuộc âm khuy dương cang.
- Thành phần: 30g Hoài sơn, 30g Đan sâm, 30g Bạch truật, 30g Câu đằng, 30g Phục thần, 30g Sơn thù, 30g Cúc hoa, 30g Ngọc trúc, 30g Mẫu lệ, 15g Thục địa, 15g Phòng phong, 15g Long cốt, 12g Ngũ vị, 12g Thiên ma, 10g Tào hưu.
- Cách làm: Rửa sạch các vị thuốc lấy 800ml nước sắc lấy 300ml thuốc, lọc bỏ phần bã. Chia làm 3 phần nước uống hết trong ngày. Mỗi ngày chỉ uống 1 thang.
3.7. Đau vai gáy hàn đờm
- Công dụng: Tán hàn, trừ phong, trừ thấp, hành khí thông lạc, quyết đờm.
- Chủ trị: Hai bả vai đau nhức, cổ cứng, chân tay tê bì, vận động hạn chế.
- Thành phần: 16g Bạch linh, 16g Đẳng sâm, 12g Thương truật, 12g Cốt toái bổ, 12g Phòng phong, 12g Hoàng cầm, 12g Xuyên khung, 8g Trần bì, 8g Chỉ thực, 3 quả Táo đỏ.
- Cách làm: Rửa sạch các vị thuốc lấy 800ml nước sắc lấy 300ml thuốc, lọc bỏ phần bã. Chia làm 3 phần nước uống hết trong ngày. Mỗi ngày chỉ uống 1 thang.
3.8. Đai vai gáy thể phong nhiệt
- Công dụng: Hạ nhiệt, bồi bổ cơ thể, hoạt huyết tác ứ.
- Chủ trị: Đau mỏi vùng vai gáy, đau nhức xương gân, toàn thân ê ẩm, sốt cao, mạch phù sắc, sợ nóng.
- Thành phần: 20g Cát căn, 12g Phòng phong, 6g Bạch thược, 6g Sài hồ, 6g Mộc hương, 4g Cam thảo, 6 quả Đại táo.
- Cách làm: Đem sắc thuốc với 600ml nước cho cô lại còn 200ml. Lọc bỏ phần bã, lấy nước sắc chia thành 3 phần để uống hết trong ngày. Mỗi ngày chỉ uống 1 thang. Uống thang thuốc này liên tục trong 20 đến 30 ngày.
3.9. Đau vai gáy thể thận hư phong thấp
- Công dụng: Bồi bổ khí huyết, bổ thận, trừ thấp.
- Chủ trị: Đau cứng vùng lưng, Cổ gáy cứng, đau nhức cột sống, đau kéo dài.
- Thành phần: 15g Nhục thung dung, 15g Đan sâm, 15g Đẳng phong, 15g Uy linh tiên.
- Cách làm: Rửa sạch, sắc thuốc với 3 bát nước cho cô lại còn 1 chén. Lọc bỏ phần bã. Mỗi ngày chỉ uống 1 thang. Uống thuốc sắc liên tục trong 10 đến 20 ngày. Hoặc có thể phơi khô các vị thuốc rồi đem tán nhỏ thành bột mịn. Trộn bột với mật ong thành viên hoàn, mỗi ngày dùng 20g với nước ấm.
Lưu ý: Bạn có thể thêm hàm lượng các vị thuốc theo tình trạng bệnh
- Tê dại chân tay thêm vào 10g Khương hoàng
- Đau nhức chi dưới thì thêm vào 10g Ngưu tất
4. Các phương pháp Đông y khác
Bên cạnh đó, người bệnh có thể tham khảo một số phương pháp khác như:
- Châm cứu: Phương pháp này giúp thư giãn các khối cơ và dây thần kinh ở khu vực cổ vai gáy, cải thiện hiện tượng đau mỏi. Cân bằng âm – dương trong cơ thể nhằm điều hòa cả về thể chất lẫn tinh thần với những phương pháp: điện châm, hào châm, tỵ châm, thủy châm, nhĩ châm, túc châm, cấy chỉ,…
- Xoa bóp, bấm huyệt: Phương pháp này tác động trực tiếp đến da, cơ, mạch máu, giúp đả thông kinh mạch, tăng lưu thông khí huyết, giảm đau nhức cũng như đẩy lùi hàn phong thấp,… giúp cơ thể thư giãn và dễ chịu sau khi trị liệu với các huyệt vùng vai gáy: huyệt Phong trì, Thiên trụ, Hiên tỉnh, Thiên tông, Cao hoang.
- Châm loa tai: Châm huyệt ở vùng vai gáy.
5. Những lưu ý bạn cần nắm
5.1. Phương pháp Đông Y có điểm gì cần lưu ý?
Theo Đông y, hầu hết các bài thuốc đều có gốc từ thiên nhiên, dựa trên dược tính và hiệu quả của từng vị để phối hợp với nhau. Do đó, để có được kết quả điều trị tốt, người bệnh cần thực sự kiên nhẫn và sử dụng thuốc đều đặn. Ngoài ra, cần lưu ý một số vấn đề như sau:
- Bạn cần phải thăm khám và tham khảo ý kiến của bác sĩ Đông y trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
- Kiên trì sử dụng thuốc đúng liệu trình, đúng liều lượng và không được tự ý ngưng thuốc để thuốc có thể phát huy hết tác dụng, mang tới hiệu quả cao nhất.
- Nếu bệnh nặng hoặc đã dùng thuốc nhưng không thuyên giảm thì bạn cần phải đi khám bác sĩ ngay.
- Chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh bằng các phương tiện của Y học hiện đại để bác sĩ đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp hoặc thăm khám, điều trị tại các chuyên khoa sâu của Y học cổ truyền.
5.2. Các phương pháp hỗ trợ chữa đau vai gáy khác
Bên cạnh các bài tập thần cổ vai gáy, người bệnh cần kết hợp thêm các phương pháp điều trị được bác sĩ chỉ định để đạt hiệu quả cao. Dưới đây là những phương pháp phổ biến hiện nay bao gồm:
Phương pháp Tây Y
Các bác sĩ sẽ dựa theo nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng của tình trạng đau cổ vai gáy mà người bệnh đang gặp phải để chỉ định sử dụng phương pháp điều trị cho phù hợp. Trong đó 2 phương pháp phổ biến nhất là:
- Nội khoa: Để giúp người bệnh giảm bớt tình trạng, các bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một số loại thuốc giảm đau mỏi cổ vai gáy như Paracetamol, thuốc chống viêm không Steroid (NSAIDs), thuốc giảm đau Opioids, thuốc kháng viêm Corticosteroid, nhóm thuốc giãn cơ điều trị đau vai gáy cổ,…
- Phẫu thuật: Phương pháp này thường được áp dụng cho các trường hợp người bệnh bị đau cổ vai gáy do những vấn đề liên quan đến rễ thần kinh, tủy sống
Phương pháp Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu cổ vai gáy là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với tình trạng đau nhức, căng cứng vùng cổ vai gáy. Mục tiêu điều trị: giảm tình trạng đau khớp và cứng khớp; cải thiện phạm vi chuyển động của phần đầu, cổ, vai, gáy;…
- Chủ động: Bài tập kéo giãn cơ, bài tập tăng cường cơ bắp, bài tập di chuyển thiết bị hoặc bài tập dưới nước.
- Bị động: Dùng nhiệt trị liệu (nóng hoặc lạnh), dùng sóng âm, kích thích điện, siêu âm trị liệu, trị liệu bằng ánh sáng,…
Hỗ trợ giảm đau vai gáy tại nhà
Một số phương pháp hỗ trợ giảm tình trạng đau cổ vai gáy tại nhà mà bạn có thể áp dụng gồm:
- Thực phẩm và dinh dưỡng dành cho người đau cổ vai gáy: Bổ sung những thực phẩm giàu Canxi, Vitamin D, Vitamin C, Vitamin A, Protein, chất chống oxy hóa, Kẽm, Omega-3, Magie,…Bạn có thể tìm hiểu thêm qua bài viết Đau cổ vai gáy nên ăn gì?
- Thực hiện các bài tập giãn cơ: Các bài tập như xoay cổ, nghiêng đầu sang hai bên, kéo căng cơ cổ có thể giúp giảm căng thẳng và đau nhức. Tìm hiểu thêm Top 15 bài tập cổ vai gáy giúp giảm đau hiệu quả.
- Thay đổi thói quen: Không sử dụng chất kích thích, tránh căng thẳng; Uống nhiều nước ít nhất 2 lít mỗi ngày,…
- Tư thế: Cải thiện tư thế nằm, đứng, đi lại, nâng đồ,… Luôn giữ cho đầu và vai luôn thẳng hàng, vai thẳng hàng với hông để cột sống duy trì được dáng cong hình chữ “S” tự nhiên. Tìm hiểu qua bài Tư thế ngủ cho người đau cổ vai gáy.
- Chườm nóng, chườm lạnh hoặc xoa bóp vùng cổ vai gáy: Xoa bóp, massage giúp tăng cường lưu thông máu, giảm tình trạng co cứng vùng cổ vai gáy, giảm đau và tránh các triệu chứng hoa mắt, đau đầu, chóng mặt,… Tham khảo các bài Massage cổ vai gáy.
- Hạn chế vận động vùng cơ vai gáy: Không thực hiện những hoạt động gây áp lực lớn lên vùng cổ vai gáy như là mang vác vật nặng, cúi đầu quá mức.
- Sử dụng thuốc đúng cách: Dùng thuốc giảm đau, chống viêm theo chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc hay tăng liều.
6. Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi gặp các dấu hiệu đau nhức người bệnh nên đi khám chuyên khoa Cơ xương khớp càng sớm càng tốt để có thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân từ đó có hướng điều trị phù hợp, hiệu quả. Việc phát hiện và điều trị bệnh sớm, kết hợp với duy trì lối sống, ăn uống lành mạnh, kiểm soát tốt cân nặng tránh thừa cân, béo phì để làm chậm tiến triển của bệnh.
Bạn cần đến gặp bác sĩ để tìm kiếm sự hỗ trợ ngay khi có các dấu hiệu bệnh trở nặng sau đây:
- Đau lan xuống tay hoặc chân, nhất là khi kèm theo cảm giác tê bì, yếu cơ hoặc thay đổi cảm giác lan dần đến cánh tay và chân, đi kèm đau nhức
- Khó khăn đáng kể trong việc di chuyển hoặc thực hiện các hoạt động hàng ngày do đau hoặc cứng khớp.
- Triệu chứng nặng kèm theo: Hoa mắt, chóng mặt, ù tai, buồn nôn, khó thở, khối u bất thường ở đầu hoặc cổ; sốt không rõ nguyên nhân hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng khác như sưng đỏ, nóng ở khu vực đau.
- Cơn đau cổ vai gáy cấp tính xảy ra sau khi người bệnh bị chấn thương, gây tổn thương cơ và dây chằng.
- Đau kéo dài hơn một tuần không thuyên giảm dù đã nghỉ ngơi hoặc sử dụng các biện pháp giảm đau thông thường.
7. Tổng kết
Đau vai gáy là tình trạng các cơ vùng vai gáy co cứng dẫn đến đau nhức, kèm theo hạn chế vận động quay đầu, quay cổ. Thực chất, đây thuộc nhóm các bệnh liên quan chặt chẽ đến hệ cơ xương khớp và mạch máu ở vùng vai gáy. Bệnh đau vai gáy thường xuất hiện đột ngột do nhiều nguyên nhân khác nhau như: sai tư thế, thoát vị đĩa đệm các đốt sống cổ, thoái hóa,… Trong một số trường hợp, đau vai gáy là dấu hiệu cảnh báo nhiều nhồi máu cơ tim hay u đỉnh phổi. Do đó, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời khi xuất hiện những triệu chứng bất thường, nhất là khi ảnh hưởng nhiều đến sự vận động các khớp.
Bên cạnh việc tuân thủ chỉ định của bác sĩ, tham khảo các bài thuốc theo Y học cổ truyền, người bệnh có thể sử dụng một số sản phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng hỗ trợ điều trị các vấn đề về xương khớp. Bạn nên ưu tiên những lựa chọn từ thiên nhiên như danh mục các sản phẩm của công ty Dược Bình Đông. Bởi các sản phẩm này là sự kết hợp hoàn hảo giữa các loại thảo dược thiên nhiên, hoàn toàn “lành tính” với sức khỏe người tiêu dùng. Hơn nữa, Dược Bình Đông là công ty có hơn 70 năm kinh nghiệm trên thị trường dược phẩm, được nhiều khách hàng đặc biệt tin tưởng và đánh giá cao. Vui lòng liên hệ hotline 028.39.808.808 để được đội ngũ chuyên gia của Công ty TNHH Dược phẩm Bình Đông hỗ trợ giải đáp mọi thắc mắc trong thời gian sớm nhất.