Ho dị ứng là tình trạng khá phổ biến và có thể xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em. Nhìn chung, tình trạng này không gây nguy hiểm nhưng nếu không điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến ho mãn tính, viêm phế quản, viêm phổi… Vậy nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị dứt điểm ho dị ứng như thế nào? Bài viết dưới đây của Công ty Đông Y Dược Bình Đông YHCT sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề sức khỏe này.
1. Sơ lược về ho dị ứng
Ho dị ứng xảy ra khi niêm mạc họng bị kích ứng bởi các yếu tố từ bên ngoài như nhiệt độ, thời tiết, các loại thức ăn, lông động vật, phấn hoa,… gây ra phản xạ ho. Ho dị ứng ở trẻ em hay người lớn đều sẽ có những triệu chứng phổ biến sau đây:
- Ngứa mũi, hắt xì, ngứa họng và ho thành từng cơn, có thể khiến cổ họng bị đau rát.
- Ho khan hoặc ho có đờm.
- Ho thành từng cơn và cơn ho sẽ nặng hơn khi về đêm.
- Dễ bị ho trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy.
- Kết quả xét nghiệm cho thấy lượng bạch cầu trong máu không có xu hướng tăng.
Ngoài ra, khi ho dị ứng, cơ thể còn có thể xuất hiện một số triệu chứng kèm theo như: chảy nước mắt sống, cảm giác ớn lạnh, rùng mình,…
Thông thường, tình trạng này không gây nguy hiểm và có thể tự khỏi tùy vào kháng thể của mỗi người. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời thì người bệnh rất dễ bị bội nhiễm, dẫn đến các bệnh viêm đường hô hấp ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chẳng hạn như viêm phế quản hay viêm phổi. Nếu sau 3 ngày mà người bệnh vẫn chưa đỡ ho, cần đến gặp các bác sĩ để được chẩn đoán đúng bệnh và có phương hướng điều trị phù hợp.
2. Nguyên nhân gây ho dị ứng
Hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến ho dị ứng sẽ giúp người bệnh có được phương pháp chữa trị kịp thời. Dưới đây là một số nguyên nhân điển hình gây bệnh mà bạn có thể tham khảo:
Dị ứng thời tiết
Thời điểm thời tiết giao mùa, nhiệt độ thay đổi đột ngột khiến cơ thể chưa kịp thích ứng cũng rất dễ bị ho. Đặc biệt đối với những người cổ họng vốn nhạy cảm với môi trường sống, thì sẽ bắt đầu với cơn ho khan kèm theo ngứa rát cổ họng.
Dị ứng với nấm mốc, bụi bẩn
Môi trường sống nhiều bụi bẩn hay ẩm ướt lâu ngày sẽ tồn tại nhiều vi khuẩn, virus, nấm mốc,… Chúng có thể len lỏi qua đường hô hấp, gây kích ứng cổ họng và gây ho. Đối với trường hợp ho do dị ứng với nấm mốc, bụi bẩn, thì người bệnh thường có biểu hiện ho, hắt hơi, nghẹt mũi, hen suyễn, mát bị kích ứng,…
Dị ứng phấn hoa
Phấn hoa có kích thước rất nhỏ, có thể bay lơ lửng và phát tán rộng trong không khí. Nếu hít phải, các hạt phấn hoa sẽ bám vào lớp niêm mạc mũi gây kích ứng và ngứa, từ đó cơ thể có phản xạ ho để đẩy các hạt này ra khỏi đường hô hấp. Khi bị dị ứng phấn hoa, bạn có thể bị ho dị ứng, ho liên tục khiến chảy nước mắt và đau họng.
Dị ứng lông thú cưng
Hiện nay những con vật nuôi như chó, mèo hay chuột hamster,… được nuôi dưỡng và chăm sóc giống như một thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, lông thú thường bay lơ lửng trong không trung và rất dễ bám dính vào đồ vật trong nhà, quần áo, sofa, thảm,… Nhiều người bị mẫn cảm với lông thú, khi hít phải có thể sẽ bị ho dị ứng, hắt hơi hoặc sổ mũi…
3. Chẩn đoán ho dị ứng
Để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, trước tiên bác sĩ sẽ tìm hiểu kỹ về tình trạng ho dị ứng của người bệnh, bao gồm: thời gian xuất hiện triệu chứng ho và đặc điểm của các cơn ho dị ứng (ho khan, ho có đờm,…) và các triệu chứng đi kèm khác (khó thở, thở khò khè, đau ngực,…).
Trường hợp ho dị ứng kéo dài trên 3 tuần kèm theo các triệu chứng khó thở, tức ngực, mệt mỏi, suy nhược hoặc xuất hiện triệu chứng ho ra máu, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện thêm một số xét nghiệm chẩn đoán bao gồm:
- Chụp X-quang ngực: Thông qua phim chụp X – quang có thể giúp bác sĩ dễ dàng phát hiện những tổn thương ở bên trong phế quản và phổi.
- Xét nghiệm đờm AFB: Mẫu đờm của người bệnh sẽ được đưa đến phòng thí nghiệm để phân tích, đánh giá nhằm xác định nguyên nhân gây nhiễm trùng.
- Đo hô hấp ký: Người bệnh có thể được chỉ định hít vào và thở ra bằng một ống nối với máy để xác định xem đường thở có bị tắc nghẽn hay không. Xét nghiệm này thường được sử dụng để phát hiện bệnh hen suyễn hoặc khí phế thũng.
4. Điều trị ho dị ứng
Để điều trị dứt điểm ho dị ứng, người bệnh nên thăm khám bác sĩ để có biện pháp điều trị phù hợp. Sau đây là một số phương pháp điều trị ho dị ứng phổ biến mà bạn đọc có thể tham khảo:
4.1. Điều trị bằng thuốc
Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định những thuốc kháng dị ứng, thuốc giảm ho, thuốc long đờm,… nhằm kiểm soát phản ứng dị ứng và tình trạng ho của người bệnh. Đồng thời, kháng sinh cũng được sử dụng trong trường hợp có bội nhiễm.
Dưới đây là một số các loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định cụ thể như sau:
- Thuốc giảm ho: Những thuốc này có thể giúp hạn chế, giảm thiểu đáng kể tần suất các cơn ho cho người bệnh. Các nhóm thuốc giảm ho thường được chỉ định như thuốc Dextromethorphan, Pholcodine, Codeine…
- Thuốc long đờm, tiêu đờm: Loại thuốc này thường được chỉ định cho các trường hợp ho có đờm, đờm đặc quánh gây vướng víu cổ họng và kích thích phản xạ ho. Một số loại thuốc long đờm, tiêu đờm thường được bác sĩ kê đơn gồm có: Acetylcystein, Terpin hydrate, Ambroxol, Bromhexin, Bisolvon, Eprazinon,…
- Thuốc kháng histamin H1 (thuốc kháng dị ứng): Loại thuốc này có tác dụng làm dịu cơn ho và thường được dùng cho những người bệnh vốn có cơ địa dị ứng hoặc đã có tiền sử dị ứng. Một số loại thuốc kháng histamin H1 thường được bác sĩ chỉ định kê đơn gồm có: Diphenhydramine, Fexofenadine, Alimemazin, Cetirizine,…
4.2. Điều trị bằng Đông y
Trong Y học cổ truyền có ghi nhận nhiều loại thảo dược trị ho dị ứng hiệu quả như: Trần bì, Cát cánh, Bán hạ, Cam thảo, Thiên môn đông, Bối mẫu, Bạc hà, Kinh giới, Bình vôi, Sinh khương (Gừng tươi).
Giữa rất nhiều bài thuốc dân gian trị ho dị ứng, dưới đây Dược Bình Đông đã chọn lọc các bài thuốc được sử dụng phổ biến và đem lại hiệu quả cao, an toàn nhất:
Bài thuốc 1: Trị ho có đờm do nhiễm phong hàn, cảm lạnh
- Nguyên liệu: 16g Giả tô, 16g Ngải diệp, 16g Sâm bố chính, 16g Đương quy, 12g Độc diệp thảo, 12g Trần bì, 10g Xà hưu thảo, 10g Cam thảo, 10g Đại táo, 10g Thủy ngọc, 10g Bạch phi, 5g Gừng tươi.
- Cách làm: Đem tất cả các nguyên liệu trên sắc cùng với 800ml nước. Đun cho đến khi còn nửa bát thì để nguội rồi uống dần trong ngày.
Bài thuốc 2: Ho do cảm lạnh, ho có đờm loãng
- Nguyên liệu: 9g Hạnh nhân, 9g lá Tía tô, 6g Cát cánh, 3g Bạc hà.
- Cách làm: Đem các vị thuốc sắc lấy nước thuốc, ngày 1 thang, chia 2 lần uống trong ngày, uống 2-3 ngày liền.
Bài thuốc 3: Ho có nhiều đờm, khí lạnh, ngực đau, khó chịu
- Nguyên liệu: 20g Nhân sâm, 20g Thược dược, 20g Tế tân, 20g toàn phúc hoa, 20g Trần bì, 20g Cát cánh, 12g Xích phục linh, 8g Bán hạ, 8g Quế tâm, 8g Cam thảo.
- Cách làm: Tán nhuyễn tất cả dược liệu trên thành bột mịn, mỗi lần dùng 12g với nước sắc của 1 lát Sinh khương (Gừng tươi), ngày uống ấm 2-3 lần, uống liên tục trong 5 ngày.
4.3. Phương pháp hỗ trợ điều trị ho dị ứng tại nhà
Bên cạnh việc dùng thuốc Tây và các bài thuốc Đông y phù hợp, việc kết hợp các phương pháp điều trị tại nhà có thể giúp đẩy nhanh quá trình chữa ho dị ứng:
- Hạn chế tiếp xúc với các dị nguyên gây kích thích dị ứng như: khói thuốc lá, khói bụi, phấn hoa, lông động vật,…
- Sử dụng một số mẹo dân gian trị ho như ngậm chanh muối, gừng, mật ong, lá xương sông,…
- Súc miệng bằng nước muối loãng để làm dịu cổ họng.
- Nên kê gối cao khoảng 15 – 20cm khi ngủ
Nhấp vào xem thêm: Các thực phẩm hỗ trợ điều trị ho tại nhà
Ngoài ra, để giảm nhẹ triệu chứng ho dị ứng, bạn có thể sử dụng các sản phẩm bảo vệ sức khỏe có nguồn gốc thảo dược như Thiên Môn Bổ Phổi Bình Đông. Sản phẩm được chiết xuất từ các vị thuốc quý như Thiên môn đông, Bình vôi, Bách bộ, Trần bì, Bạc hà, Gừng, Tang bạch bì, Kinh giới và Atiso. Sản phẩm có công dụng hỗ trợ bổ phổi và giảm triệu chứng ho dị ứng, nhất là các triệu chứng đau rát họng, ho khan, ho nhiều về đêm, ho có đờm, ho gió, ho hen, ho lâu ngày không khỏi, khàn tiếng.
5. Phòng tránh
Ho dị ứng là tình trạng khá phổ biến và gây nhiều khó chịu. Chính vì vậy, để phòng tránh gặp phải tình trạng này mỗi chúng ta nên chủ động chăm sóc cơ thể và có các biện pháp phòng bệnh:
- Luôn giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng mũi, cổ họng bằng cách mặc ấm và quàng khăn vào thời điểm giao mùa, trời lạnh.
- Nói không với các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,…
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch diệt khuẩn.
- Vệ sinh môi trường sống và môi trường làm việc luôn thông thoáng, sạch sẽ.
- Tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng bằng cách ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập thể dục đều đặn và đảm bảo ngủ đủ giấc.
- Theo dõi sức khỏe định kỳ 6 tháng để sớm phát hiện những bất thường gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Bổ sung thêm các thực phẩm bổ phổi, các món ăn tốt cho phổi giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
6. Tổng kết
Bài viết trên đây Dược Bình Đông cung cấp một số thông tin cơ bản về bệnh ho dị ứng để bạn và gia đình có thể nắm bắt và có phương án xử lý, phòng tránh hiệu quả. Nhìn chung, ho dị ứng không phải là một vấn đề sức khỏe đáng ngại, triệu chứng này có thể nhanh chóng cải thiện tốt nếu chăm sóc sức khỏe đúng cách. Tuy nhiên, nếu chủ quan và để tình trạng kéo dài lâu ngày thì có thể dẫn đến nhiều bệnh lý viêm đường hô hấp khác, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Tốt hơn hết, nếu tình trạng ho dị ứng không có dấu hiệu thuyên giảm, kéo dài hay trở nên nghiêm trọng thì bạn cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Để hỗ trợ tình trạng ho dị ứng được hồi phục nhanh chóng, bạn có thể sử dụng bổ sung thêm các sản phẩm bảo vệ sức khỏe dành cho phổi như Thiên Môn Bổ Phổi Bình Đông. Sản phẩm là sự kết hợp hài hòa giữa những thảo dược thiên nhiên an toàn, lành tính và được cân nhắc kỹ lưỡng kết hợp với nhau để tạo nên giải pháp giảm ho dị ứng hiệu quả cho người dùng. Việc sử dụng Thiên Môn Bổ Phổi Bình Đông đều đặn sẽ hỗ trợ tăng cường, duy trì sức khỏe và giúp hạn chế nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp.