Từ lâu, Hương phụ đã được mệnh danh là “thần dược” đối với phái nữ. Bởi loài thảo dược này có tác dụng tuyệt vời trong việc điều hòa kinh nguyệt, chữa đau bụng kinh,… Để hiểu rõ hơn về dược liệu này cũng như cách dùng sao cho hiệu quả, mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây của Dược Bình Đông.
1. Giới thiệu đôi nét về Hương phụ
Dân gian ta có câu “Nam bất thiểu Trần bì/ Nữ bất ly Hương phụ”, ý chỉ Hương phụ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều trị các bệnh ở nữ giới.
Hương phụ có tên khoa học là Cyperus rotundus L., thuộc họ Cói (Cyperaceae). Dược liệu này còn được biết đến với những cái tên khác như: Cỏ gấu, Cỏ cú, Cỏ gắm, Sa thảo, Củ gấu biển, Hải dương phụ,…
Hương phụ là một loại cỏ sống lâu năm, cao từ 20 – 60cm. Thân rễ nằm dưới mặt đất, từng đoạn phình thành củ hình trứng và từ củ mọc lên thân khí sinh. Lá hẹp và dài, đầu lá thuôn nhọn, ở giữa lưng có gân cứng và bóng nổi rõ, phần dưới lá ôm lấy thân cây. Cụm hoa thường mọc ở đỉnh và phân nhánh thành nhiều bông nhỏ. Hoa có màu nâu xám hoặc nâu đỏ và có quả 3 cạnh màu xám. Mùa hoa quả của Hương phụ từ mùa hè tới đông, nhiều nhất là từ tháng 3 đến tháng 7.
Vị thuốc Hương phụ (Rhizoma cyperi) là phần thân rễ của cây được sấy hoặc được phơi khô. Người dân thường thu hoạch những củ to mập, chắc thơm, sạch lông, cắt ra có thịt hồng hào. Đặc biệt, khi ngửi dược liệu có mùi thơm đặc trưng, nếm sẽ thấy hơi đắng, ngọt ít.
Sau khi thu hoạch, Hương phụ có thể dùng được ngay bằng cách sắc, ngâm rượu hay tán bột tùy mục đích. Ngoài ra còn có một số cách chế biến phức tạp hơn, phổ biến nhất là Hương phụ thất chế (tẩm sao bằng 7 phụ liệu khác nhau) và tứ chế (tẩm sao bằng 4 phụ liệu khác nhau). Trong đó, phương pháp tứ chế được dùng phổ biến hơn với cách làm cơ bản như sau:
Lấy 1kg Hương phụ đã được bỏ hết rễ con và tạp chất. Đem đi rửa sạch, phơi ráo nước rồi chia thành 4 phần bằng nhau. Tẩm một phần Hương phụ với nước muối 5%, một phần ngâm bằng đồng tiện (nước tiểu của trẻ khỏe mạnh) hoặc bằng nước gừng 5%, một phần với giấm và một phần đem ngâm với rượu 35 – 40º. Tẩm sao cho vừa đủ ướt dược liệu rồi ủ riêng mỗi phần trong 12 tiếng. Tiếp đó, lấy tất cả ra phơi hoặc đem sao vàng. Khi dùng, bạn có thể để riêng từng phần hoặc trộn lẫn 4 phần với nhau tùy theo mục đích chữa bệnh.
2. Công dụng của Hương phụ
Hương phụ là vị thuốc có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt, đau bụng kinh, sa trực tràng,… Công dụng của vị thuốc này theo Đông y và Tây y cụ thể như sau:
2.1. Theo Tây Y
Trong Hương phụ có các thành phần hóa học vô cùng đa dạng. Trong đó, Hương phụ chứa khoảng 0,3 – 2,8% tinh dầu màu vàng có mùi thơm nhẹ đặc biệt. Thành phần chính của loại tinh dầu này gồm có 32% cyperen, 49% rượu cyperola, axit béo, phenol, glycoside, alkaloid,… Ngoài ra trong loại dược liệu này còn chứa một lượng lớn tinh bột.
Một số tác dụng của Hương phụ theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Ức chế co bóp tử cung, làm giảm trương lực thành tử cung.
- Tinh dầu Hương phụ có tác dụng ức chế các loại vi khuẩn như: tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn lỵ Sonner và một số loại vi nấm khác.
- Có tác dụng an thần đối với trung khu thần kinh.
- Ức chế cơ trơn của hồi tràng.
- Hạ áp, cường tim.
- Một số tác dụng khác: chống viêm, giảm đau, giải nhiệt nhẹ, tăng tiết mồ hôi, lợi tiểu,…
2.2. Theo Đông y
Các tác dụng của Hương phụ theo Y học cổ truyền bao gồm:
- Tính vị: vị cay, hơi đắng, ngọt ít, tính bình.
- Quy kinh: kinh Can, Tỳ, Tam tiêu.
- Công dụng: Hành khí chỉ thống, giải uất điều kinh, kiện vị tiêu thực.
- Chủ trị: kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, kiện tỳ vị, chữa can vị bất hòa, đau dạ dày, ăn không ngon, tiêu hóa kém, nôn mửa,…
3. Gợi ý một số bài thuốc từ Hương phụ
Trên đây là một số thông tin cơ bản về Hương phụ cũng như công dụng theo Đông y và Tây y. Để tìm hiểu kỹ hơn về một số bài thuốc trị bệnh từ loại dược liệu này, bạn đọc hãy tiếp tục theo dõi nội dung dưới đây nhé!
3.1. Trị chứng đau bụng lạnh, khó chịu vùng bụng dưới
- Chuẩn bị: 10g Hương phụ, 8g Diên hồ sách.
- Thực hiện: Đem tất cả các nguyên liệu sắc thành thuốc uống, chia thành 2 – 3 lần sử dụng trong ngày.
3.2. Trị đau bụng kinh, rối loạn kinh nguyệt do tinh thần ức chế, đau tức vú
Bài thuốc 1:
- Chuẩn bị: 20g Hương phụ, 20g Ngải diệp, 20g Trần bì, 2 đóa Nguyệt quế.
- Thực hiện: Đem đun sôi với 30ml nước, loại bỏ bã thuốc, rồi cho thêm đường. Nên uống hết trong ngày để bài thuốc phát huy hiệu quả tối ưu.
Bài thuốc 2:
- Chuẩn bị: 20g Hương phụ, 15g Ích mẫu, 8g Bạch đồng nữ, 6g Ngải cứu.
- Thực hiện: Tương tự như bài thuốc 1, đem đun sôi tất cả nguyên liệu với 30ml nước. Sau đó, loại bỏ bã thuốc, cho thêm đường và uống hết trong ngày.
3.3. Trị rối loạn tiêu hóa, ăn không ngon, đầy bụng, nôn mửa
- Chuẩn bị: 8g Hương phụ, 8g Chỉ xác, 6g Mộc hương, 6g Đậu khấu nhân, 12g Hậu phác, 8g Bạch truật, 8g Hoắc hương ,12g Trần bì, 12g Sinh khương, 12g Phục linh, 12g Bán hạ, 4g Cam thảo, 4g Sa nhân và 5 trái Đại táo.
- Thực hiện: Đem toàn bộ dược liệu cho vào ấm sắc lấy nước uống. Chia thành 2 – 3 lần uống và sử dụng hết trong ngày.
3.4. Trị chứng đau bao tử, đau sườn ngực
- Chuẩn bị: 8g Hương phụ, 10g Ô dược, 4g Cam thảo.
- Thực hiện: Sắc chung tất cả các nguyên liệu với nhau, chia 2 lần dùng, uống hết trong ngày.
3.5. Trị hông sườn trướng đau
- Chuẩn bị: 10g Hương phụ, 10g Lương khương.
- Thực hiện: Sắc lấy nước uống và sử dụng 2 lần/ ngày.
4. Một số lưu ý khi sử dụng vị thuốc Hương phụ
Hương phụ là dược liệu mang lại nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe của chị em phụ nữ. Tuy nhiên, để có thể sử dụng vị thuốc này đạt hiệu quả tốt nhất, bạn cần ghi nhớ một số lưu ý như sau:
- Không dùng Hương phụ cho người bị âm hư huyết nhiệt, khí hư, khí trệ.
- Tuyệt đối không sử dụng dược liệu này quá 13g/ngày và trong thời gian quá dài.
- Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú không nên sử dụng Hương phụ.
- Người có cơ địa dị ứng hay mẫn cảm với Hương phụ cũng không nên sử dụng vị thuốc này.
- Ngoài ra, trong quá trình sử dụng dược liệu, người bệnh cần tích cực tập luyện thể thao và kết hợp chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học.
- Đặc biệt, để sử dụng hiệu quả vị thuốc này, người bệnh cần tham khảo ý kiến, chỉ dẫn của các bác sĩ, thầy thuốc để tránh những rủi ro và phản ứng phụ không mong muốn.
5. Tổng kết
Hương phụ là một vị thuốc dân gian quen thuộc mang lại nhiều công dụng hữu ích cho cơ thể, đặc biệt là đối với chị em phụ nữ, chẳng hạn như: điều kinh nguyệt, giảm đau bụng kinh, ngực bụng chướng đau, giải uất,… Nhờ những công dụng tuyệt vời của loài thảo dược này, Dược Bình Đông đã tiến hành nghiên cứu và kết hợp Hương phụ với các vị thuốc khác để cho ra mắt sản phẩm Song Phụng Điều Kinh.
Song Phụng Điều Kinh được bào chế từ các loại thảo dược như: Hương phụ, Ngải Diệp, Ích mẫu, Thục địa, Xuyên khung, Đương quy, Bạch thược, Bạch phục linh và Xuyên đại hoàng. Trong đó, Hương phụ được lựa chọn làm chủ dược có công dụng chính trong sản phẩm nhờ công dụng lý khí, chỉ huyết giúp điều hòa kinh nguyệt rất tốt. Nhờ đó, sản phẩm được xem là một giải pháp cực kỳ hiệu quả giúp xua tan nỗi lo về các vấn đề của phái nữ với các công dụng bổ huyết, điều kinh nguyệt và hỗ trợ giảm triệu chứng mệt mỏi, đau bụng kinh, bế kinh, trễ kinh.
Song Phụng Điều Kinh là một sản phẩm chất lượng của công ty Dược Bình Đông. Với hơn 70 năm hình thành và phát triển, Dược Bình Đông đã không ngừng nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm bảo vệ sức khỏe phù hợp với thể trạng và cơ địa của người Việt. Nếu bạn đang quan tâm đến sản phẩm Song Phụng Điều Kinh thì có thể truy cập tại website của Dược Bình Đông hoặc liên hệ ngay qua hotline (028)39 808 808 để được hỗ trợ, tư vấn sản phẩm và đặt hàng.