Tô mộc là dược liệu quen thuộc được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc Y học cổ truyền. Trong đó, một số công dụng nổi bật có thể kể đến là làm tan huyết ứ, điều trị các bệnh về kinh nguyệt như triệu chứng đau bụng kinh, huyết trệ, bị bế kinh, điều kinh nguyệt, giảm sưng và chỉ thống,… Hãy cùng Công ty Dược Bình Đông tìm hiểu cụ thể về đặc điểm, tác dụng, các bài thuốc và lưu ý khi sử dụng Tô mộc trong bài viết dưới đây nhé.
1. Giới thiệu về Tô mộc
Tô mộc (Lignum Caesalpinia sappan) là phần gỗ đã phơi khô của cây Tô mộc (Caesalpinia sappan L.) họ Đậu (Fabaceae). Cây còn có tên gọi khác như cây Vang nhuộm, cây gỗ Vang, cây Tô Phượng,…
Đặc điểm của cây Tô mộc:
- Tô mộc là một cây cao khoảng 7-10m, trên thân có gai.
- Lá kép lông chim, gồm 12 hoặc hơn 12 đôi lá chét, đầu lá tròn còn phía dưới hơi hẹp. Mặt trên lá nhẵn còn mặt dưới có lông.
- Hoa màu vàng 5 cánh mọc thành chùm, phần nhị hơi lòi ra, nửa phía dưới của chỉ nhị hơi có lông, bầu hoa phủ lông xám.
- Quả đậu dẹt có hình trứng ngược dày, cứng, dai, chiều dài từ 7-10cm và rộng từ 3,5-4cm, bên trong chứa 3-4 hạt màu nâu
Phân bố, thu hái, chế biến vào bảo quản Tô mộc
Cây Tô mộc mọc hoang và được trồng ở khá nhiều nơi trên nước ta. Gỗ từ cây có thể được dùng làm thuốc nhuộm gỗ hoặc làm dược liệu.
Vị thuốc Tô mộc chính là phần lõi gỗ của cây Tô mộc, được thu hoạch vào mùa thu. Với những cây già trên 10 năm tuổi thì phần vỏ bên ngoài sẽ được loại bỏ, chỉ giữ lại phần lõi gỗ đỏ nằm bên trong. Phần lõi gỗ này được cưa thành từng khúc (dài khoảng 25cm) rồi được cắt thành từng thanh nhỏ. Sau đó được phơi hoặc sấy khô, với độ ẩm được đảm bảo không vượt quá 11%.
Dược liệu Tô mộc thường có dạng hình trụ hoặc nửa trụ tròn. Mặt bên ngoài có vết dao đẽo, vết cành và khe nứt dọc; còn mặt cắt ngang có màu cam, với các vòng tuổi được thể hiện rất rõ ràng. Dược liệu được tách thành từng phiến dọc theo thớ gỗ, có các lỗ nhỏ bên bên trong tủy. Chất gỗ nặng và cứng, có vị hơi se và không có mùi.
Dược liệu Tô mộc cần được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mốc mọt.
2. Công dụng của Tô mộc
Dược liệu Tô mộc đã được người dân tin dùng và sử dụng từ hàng nghìn năm nay. Không những thế, trong nhiều nghiên cứu khoa học hiện đại, vị thuốc này đã được chứng minh giá trị với sức khỏe. Vậy Tô mộc có những công dụng cụ thể theo Đông y và Tây y như thế nào? Bạn đọc hãy cùng Dược Bình Đông tìm hiểu nội dung chi tiết ngay dưới đây nhé.
2.1. Theo Tây y
Thành phần hóa học
Trong Tô mộc chứa một số thành phần hóa học như tanin, chất sappanin C12H12O4, axit galic, tinh dầu và chất brasilin C16H14O5.
Brasilin là chất có dạng tinh thể màu vàng. Khi cho vào kiềm thấy xuất hiện màu đỏ, sau khi oxy hóa sẽ tạo ra brasilein C16H12O5. Brasilin và brasilein có cấu tạo gần giống chất hematoxylin và hematein (sản phẩm tạo ra do hematoxylin bị oxy hóa) là những chất màu lấy ở gỗ của cây Hematoxylon campechianum L. thuộc cùng họ.
Một số công dụng chính
- Tác dụng kháng sinh mạnh đối với những vi trùng như Staphylococcus 209P, Salmonella typhi, Shiga flexner, Shigella sonnei, Shigella dysenteriae Shiga, Bacillus subtilis. Đặc biệt, theo nghiên cứu của phòng đông y thực nghiệm thuộc Viện vi trùng Việt Nam (1961), công dụng kháng sinh của Tô mộc không bị giảm bởi nhiệt, dịch tụy tạng hay dịch vị dạ dày.
- Tác dụng kháng histamin: Theo M.Gabor (1951) brasilein có tác dụng kháng histamin. Nếu tiêm brasilein vào màng bụng của chuột bạch trước thì có thể đề phòng hiện tượng thay đổi ở mắt chuột bạch do tiêm dung dịch 1.5% Histamin clohydrat.
- Làm mạnh và kéo dài tác dụng của hormon tuyến thượng thận: Theo nghiên cứu của M.Gabor, B.Horvath, L.Kiss và Z. Dirner (1952), cho thấy brasilein và brasilin làm làm mạnh và kéo dài tác dụng của hormon tuyến thượng thận đối với mẫu tử cung cô lập của thỏ hoặc mẫu ruột cô lập của chuột bạch cũng như đối với huyết áp của thỏ.
- Ức chế men histidin decacboxylaza: Theo nghiên cứu của M. Gabor, I.Szodady và Z. Dirner (1952) cho thấy brasilin và brasilein cho tác dụng ức chế men histidin decacboxylaza trên sinh thiết (coupe microscopique) ở tổ chức thận và nước của tổ chức thận.
- Ngoài những tác dụng trên, theo nghiên cứu của Tù Tá Hạ và Diêm Ứng Bổng (1954-1955, 1956, trong Trung Hoa Y học tạp chí) còn cho thấy nước Tô mộc làm tăng co bóp của tim ếch cô lập, đối kháng với tác dụng hưng phần ở trung khu thần kinh gây ra do stricnin hoặc cocain,…
2.2. Theo Đông y
Tô mộc là vị thuốc xuất hiện nhiều trong các bài thuốc Đông y, sau đây sẽ là một số đặc điểm theo Y học cổ truyền của dược liệu này là:
- Tính vị: Vị ngọt, tính bình, không độc
- Quy kinh: Tỳ, Tâm, Can
- Công năng: Hành huyết khử ứ, chỉ thống tiêu viêm.
- Chủ trị: Dùng trong các trường hợp thống kinh, bế kinh, đau nhói ngực bụng, sản hậu huyết ứ, nhiệt lỵ, sưng đau do sang chấn.
Ngoài ra, người dân còn dùng dược liệu này làm thuốc săn da; trong các trường hợp chảy máu tử cung, mất quá nhiều máu sau sinh gây choáng váng, hoa mắt thì Tô mộc còn được dùng với tác dụng cầm máu. Bên cạnh đó, Tô mộc còn được dùng chữa lỵ ra máu, bạch đới, chảy máu trong ruột.
3. Bài thuốc sử dụng với Tô mộc
Với nhiều công dụng tuyệt vời như đã trình bày ở trên, việc Tô mộc có mặt trong nhiều bài thuốc không có gì là ngạc nhiên. Trong phần tiếp theo, Dược Bình Đông sẽ chia sẻ một số bài thuốc phổ biến có vị thuốc này:
3.1. Bài thuốc chữa kinh nguyệt không đều hoặc đẻ xong đau bụng từng cơn
- Thành phần: 10g Tô mộc, 10g Sơn tra, 10g Đương quy thân, 8g Ngũ linh chi, 6g Huyền hổ sách, 3g Hồng hoa
- Cách dùng: Cho các thành phần trên vào sắc cùng 600ml nước, đến khi còn 200ml thì dừng lại. Chia nước sắc thành 3 lần uống trong ngày.
3.2. Phụ nữ đau bụng, huyết trệ bế kinh
- Thành phần: 16g Sinh địa, 12g Đào nhân, 12g Ngưu tất, 12g Quy vĩ, 12g Xích thược, 8g Ngũ linh chi, 6g Tô mộc, 6g Hồng hoa, 6g Hương phụ, 6g Xuyên khung, 2g Hổ phách.
- Cách dùng: Nghiền các thành phần trên thành bột mịn rồi đem hoàn thành viên nhỏ. Uống cùng với nước đun sôi, sử dụng mỗi lần khoảng 12g và 2 – 3 lần/ngày.
3.3. Trừ ứ, trị chấn thương
Bài thuốc 1: Dùng trong các trường hợp chảy máu cam hay bị tác động vật lý dẫn đến chấn thương
- Thành phần: 20g Tô mộc, 20g Đinh hương, 12g Huyết kiệt, 12g Nhũ hương, 12g Đồng thiên niên, 8g Hồng hoa, 4g Mã tiền chế, 0,4g Xạ hương.
- Cách dùng: Nghiền các thành phần trên thành bột mịn. Uống cùng rượu trắng, mỗi lần 4g và ngày 2 lần.
Bài thuốc 2: Dùng trong các trường hợp thở hổn hển, nôn ra máu, mặt đen tức ngực, chấn thương ở phổi
- Thành phần: 12g Đảng sâm, 6g Tô mộc
- Cách dùng: Sắc các vị thuốc trên lấy nước uống, sử dụng trong ngày
Bài thuốc 3: Dùng trong các trường hợp đau nhức nhiều do phong thấp thể nhiệt tý nguồn
- Thành phần: 20g Tang chi, 15g Tang ký sinh, 10g Cối xay, 10g Ké đầu ngựa, 10g Vòi voi, 10g Hoàng bá, 10g Cam thảo đất, 8g Tô mộc
- Cách dùng: Sắc các vị thuốc trên lấy nước uống, sử dụng trong ngày
Bên cạnh những bài thuốc trên, Tô mộc còn được sử dụng trong một số bài thuốc điều trị bệnh trĩ thể nhẹ, đau bụng do huyết ứ, cầm máu vết thương, đại tiện ra nước và lỵ ra máu, thuốc trị sưng dương vật, bụng ậm ạch do huyết ứ, xuất huyết nhiều sau sinh,…
Những thông tin được đưa ra trên đây chỉ mang theo tính chất tham khảo nhất định. Vì thế, trước khi sử dụng dược liệu hay bất kỳ bài thuốc nào bạn cũng cần thăm hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên môn hay thầy thuốc Đông y để mang lại hiệu quả tốt nhất.
4. Một số lưu ý để sử dụng Tô mộc an toàn
Để sử dụng vị thuốc Tô mộc mang lại hiệu quả tốt nhất, khi sử dụng dược liệu bạn cần lưu ý một số điểm như sau:
- Ở một số vùng, dược liệu này được dùng nấu nước uống thay cho chè. Một số dạng dùng khác của Tô mộc có thể kể đến như cao lỏng, làm thuốc bôi ngoài, sắc lấy nước đặc để rửa vết thương ngoài da,…
- Sử dụng 6-15g/ngày với dạng thuốc sắc hoặc viên hoàn, tán.
- Không sử dụng cho: phụ nữ có thai, người không bị ứ máu,…
- Trong các trường hợp xuất hiện phản ứng dị ứng cần ngừng dùng Tô mộc ngay và liên hệ với bác sĩ để được hỗ trợ.
- Cần hỏi ý kiến bác sĩ, chuyên gia trước khi sử dụng vì dù sở hữu nhiều lợi ích với sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng Tô mộc.
5. Tổng kết
Dược Bình Đông vừa chia sẻ với bạn đọc một vài thông tin về Tô mộc với công dụng nổi bật có thể kể đến như điều hoà kinh nguyệt, hoạt huyết, trừ ứ, chỉ thống, giảm đau bụng kinh, các trường hợp xuất huyết quá nhiều sau sinh, bế kinh, đau bụng do huyết ứ,…Hy vọng với những thông tin trên, cùng với sự tư vấn, hỗ trợ của bác sĩ có thể giúp bạn sử dụng vị thuốc này được hiệu quả tốt nhất cho bản thân cũng như gia đình.
Dược Bình Đông trong hành trình nghiên cứu và phát triển các sản phẩm từ thảo dược thiên nhiên đã không ngừng nâng cao hiểu biết về tính chất cũng như cách kết hợp các loại thảo dược hiệu quả. Từ đó, công ty cho ra đời nhiều sản phẩm bảo vệ sức khỏe góp phần nâng cao sức khỏe của người tiêu dùng. Trong đó phải nhắc đến các sản phẩm nổi bật như Trậ Đả Bình Đông và Song Phụng Điều Kinh.
Trật Đả Bình Đông là sự kết hợp hài hòa giữa Một dược với các vị thuốc khác như Cốt toái bổ, Tục đoạn, Tô mộc, Nhũ hương, Đương quy, Hồng hoa. Sản phẩm có công dụng hoạt huyết, hành khí, lợi thủy thẩm thấp giúp tan máu bầm, giảm sưng đau, bầm tím nhanh chóng sau khi bị chấn thương phần mềm.
Song Phụng Điều Kinh là giải pháp điều hoà kinh nguyệt vô cùng hiệu quả giúp cho phụ nữ với thành phần gồm 9 loại loại thảo dược tự nhiên lành tính, an toàn: Đương quy, Xuyên khung, Hương phụ, Bạch thược, Thục địa, Ích mẫu, Ngải diệp, Xuyên đại hoàng, Bạch phục linh. Sản phẩm bảo vệ sức khỏe phụ nữ này giúp mang lại một số công dụng như điều hòa kinh nguyệt, bổ huyết, hoạt huyết đồng thời hỗ trợ giảm các triệu chứng đau bụng kinh, bị trễ kinh hoặc bế kinh.
Dược Bình Đông với hơn 70 năm kinh nghiệm trong thị trường dược phẩm Việt Nam. Công ty chuyên cung cấp các sản phẩm đạt chuẩn GMP theo quy định của Bộ y tế với hiệu quả mang lại tốt và được nhiều người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn. Nếu bạn quan tâm đến Song Phụng Điều Kinh hay những sản phẩm khác của công ty, vui lòng liên hệ ngay tới hotline (028)39 808 808 hoặc truy cập website binhdong.vn để được đội ngũ tư vấn viên hỗ trợ sớm nhất nhé.