Tiểu buốt đau lưng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm. Nếu tình trạng này kéo dài, bạn cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, giúp phòng tránh các biến chứng. Cùng tìm hiểu về nguyên nhân cũng như các phương pháp điều trị tiểu buốt đau lưng qua bài viết sau của Dược Bình Đông nhé!
1. Đôi nét về tiểu buốt đau lưng
1.1. Giới thiệu về tình trạng tiểu buốt đau lưng
“Tiểu buốt đau lưng” là hội chứng gồm hai triệu chứng: tiểu buốt (cảm giác nóng rát khi đi tiểu) và đau lưng. Đây thường là dấu hiệu của những vấn đề liên quan đến hệ tiết niệu, đặc biệt là nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi thận, hoặc các bệnh lý khác ảnh hưởng đến vùng lưng dưới. Cụ thể:
- Tiểu buốt là tình trạng đau hoặc khó chịu mỗi khi đi tiểu, điển hình là cảm giác nóng rát và đau buốt từ khi bắt đầu đi tiểu cho tới khi kết thúc. Cơn đau có thể xuất phát từ sự kích thích niệu đạo, vùng tam giác cổ bàng quang hoặc vùng đáy chậu. Tiểu buốt có thể liên quan đến tình trạng thận hư suy. Thận là một trong những bộ phận quan trọng có chức năng chính là lọc máu, loại bỏ chất thải qua đường tiểu, đóng vai trò trong chức năng nội tiết, điều hòa thể tích máu. Vì vậy, thận suy yếu sẽ khiến các chất độc hại tích tụ trong cơ thể. Từ đó ảnh hưởng đến các cơ quan khác như bàng quang, tuyến tiền liệt,… với triệu chứng điển hình là tiểu buốt. Theo Y học cổ truyền, tiểu buốt thuộc phạm vi chứng lâm. Cơ chế và nguyên nhân gây ra tiểu buốt phức tạp, nhưng chủ yếu là do thận hư yếu và bàng quang thấp nhiệt.
- Đau lưng là triệu chứng phổ biến xảy ra khi các cấu trúc ở vùng lưng như cơ, dây chằng, đĩa đệm, hoặc cột sống bị kích thích hoặc tổn thương. Đau lưng là tình trạng bất kỳ ai cũng có thể gặp phải, nhất là nhân viên văn phòng, người lao động chân tay, người thường xuyên hút thuốc, người béo phì, người mắc bệnh xương khớp, bệnh thận. Có nhiều nguyên nhân gây đau lưng như thay đổi về sinh lý, lối sống hoặc các bệnh lý xương khớp, phụ khoa,… Đau lưng có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào của lưng, thường gặp nhất là vùng thắt lưng (lưng dưới), mức độ đau dao động từ nhẹ đến nghiêm trọng. Đau lưng có thể là cấp tính (xuất hiện đột ngột, kéo dài trong thời gian ngắn) hoặc mạn tính (kéo dài hơn ba tháng).
Tiểu buốt đi kèm đau lưng có khả năng cao là biến chứng của chứng tiểu buốt, bạn cần thăm khám bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp.
1.2. Triệu chứng của tiểu buốt đi kèm đau lưng
Dấu hiệu rõ rệt của tiểu buốt đau lưng là khi đi vệ sinh, người bệnh cảm thấy đau rát, nóng buốt kèm theo đó là hiện tượng đau nhức lưng. Người bệnh sẽ đồng thời xuất hiện triệu chứng tiểu buốt và đau lưng, cụ thể:
- Cảm giác nóng rát, đau khi đi tiểu, tiểu rắt, tiểu nhiều lần, tiểu ít. Nước tiểu có thể đục, có máu, có mùi hôi, tiểu khó, tia nước tiểu yếu.
- Đau lưng âm ỉ hoặc dữ dội, đau lan xuống hông, bẹn, đau tăng khi vận động, cúi người, đau lưng tăng về đêm, đau khi ho, hắt hơi.
Bên cạnh đó, người bệnh có thể xuất hiện một số triệu chứng kèm theo gồm:
- Buồn nôn, nôn, sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân.
- Khí hư bất thường, đau rát hoặc ngứa vùng kín (thường xảy ra ở nữ giới).
- Xuất tinh sớm, rối loạn cương dương (thường xảy ra ở nam giới).
1.3. Biến chứng và khi nào nên gặp bác sĩ?
Tiểu buốt đau lưng có thể gây ra một số biến chứng như:
- Gây mệt mỏi, mất ngủ, suy nhược cơ thể.
- Gây suy giảm chức năng thận, ảnh hưởng đến các cơ quan hệ tiết niệu.
- Viêm nhiễm, tổn thương âm đạo và tuyến tiền liệt làm ảnh hưởng đến sinh sản.
- Phụ nữ mang thai gặp tình trạng tiểu buốt, đau lưng có thể gây sinh non, thậm chí sảy thai.
- Ung thư tuyến tiền liệt.
Bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám nếu tình trạng tiểu buốt kèm đau lưng kéo dài không thuyên giảm hoặc xuất hiện một số triệu chứng dưới đây:
- Xuất hiện các cơn đau kèm sốt cao, ớn lạnh (có thể là dấu hiệu nhiễm trùng).
- Mệt mỏi, chán ăn.
- Nước tiểu có màu đục hoặc lẫn máu, có mùi lạ.
- Có dấu hiệu buồn nôn hoặc nôn.
- Vùng kín tiết dịch.
- Mắc sỏi thận hoặc các bệnh về bàng quang.
- Tiểu buốt đau lưng, kèm theo đau ở hông hoặc bụng.
2. Nguyên nhân tiểu buốt đau lưng
Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến tình trạng tiểu buốt đi kèm đau lưng.
2.1. Theo Tây Y
2.1.1 Nguyên nhân bệnh lý
Tiểu buốt đau lưng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý như:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Bệnh thường do vi khuẩn gây hại ở vùng đại tràng, hậu môn (ví dụ: E. coli) bội nhiễm ngược dòng vào đường tiết niệu của người bệnh thông qua quan hệ tình dục hoặc quá trình sinh hoạt, từ đó gây viêm. Tình trạng viêm có thể xảy ra ở tất cả các cơ quan trong đường tiết niệu, gây ra triệu chứng đau buốt khi đi tiểu.
- Sỏi đường tiết niệu: Sỏi đường tiết niệu là nguyên nhân làm cản trở dòng nước tiểu, gây viêm đường tiết niệu. Người bệnh bị sỏi đường tiết niệu thường sẽ cảm thấy đau nhói khi đi tiểu.
- Bệnh tại tuyến tiền liệt (nam giới): Viêm tuyến tiền liệt và phì đại tuyến tiền liệt là bệnh lý phổ biến ở nam giới. Bệnh nhân bị viêm tuyến tiền liệt sẽ có biểu hiện tiểu buốt, tiểu lắt nhắt, đau tức vùng bụng dưới, tuyến tiền liệt căng đau nhiều. Nam giới mắc phì đại tuyến tiền liệt thường tiểu khó, tia nước tiểu yếu, tiểu đêm, tiểu nhiều lần.
- Bệnh phụ khoa (nữ giới): Tiểu buốt đau lưng có thể cảnh báo tình trạng viêm âm đạo. Bệnh nhân viêm âm đạo có những triệu chứng đặc trưng như âm đạo có mùi lạ, đau rát khi quan hệ. Khi bị viêm âm đạo nặng, người bệnh có cảm giác đau lưng, đau tức bụng dưới và muốn đi tiểu nhiều lần.
Bên cạnh đó, tiểu buốt và đau lưng còn có thể do các bệnh lý sau đây gây ra:
- Ung thư tử cung, ung thư buồng trứng ở nữ giới.
- Viêm bể thận, áp xe vùng chậu.
- Ung thư xương chậu.
- Tổn thương niệu quản.
- Sa tử cung.
- Thận yếu đi kèm với các bệnh lý như viêm ruột thừa, thoát vị đĩa đệm, bệnh lý cột sống thắt lưng kèm theo các triệu chứng đau lan ra sau lưng, đau lưng, cứng khớp, hạn chế vận động.
2.1.2. Nguyên nhân khác
Bên cạnh các nguyên nhân bệnh lý, tình trạng tiểu buốt đau lưng còn xuất hiện khi người bệnh thường xuyên sử dụng các loại thuốc tây, thuốc kháng sinh liều cao và thuốc điều trị ung thư.
Đôi khi tiểu buốt đi kèm đau lưng còn do người bệnh sử dụng các sản phẩm vệ sinh chứa thành phần có tính tẩy rửa mạnh khiến các mô bị kích ứng. Hóa chất có trong các sản phẩm vệ sinh khác hoặc bột giặt cũng có thể gây kích ứng và dẫn đến tiểu buốt.
2.2. Theo Đông Y
Trong Y học cổ truyền, tiểu buốt được gọi là chứng niệu thống. Đây là một trong những triệu chứng của thận hư. Theo Đông y, Thận chủ thủy, nếu thận hư sẽ ảnh hưởng đến chức năng điều tiết hoạt động tuần hoàn của nước trong cơ thể. Nước bị dồn ứ lại, gây ra các triệu chứng như: phù thũng, tiểu đêm nhiều, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu són.
Tiểu buốt còn có thể xuất phát từ các các nguyên nhân như:
- Thận âm khuy hư: Tiểu nóng đau, nước tiểu vẩn đục, có thể ra huyết. Đầu choáng váng, gò má đỏ, tai ù, đổ mồ hôi trộm, lưỡi đỏ ít rêu, mạch tế sác, lưng đùi yếu mỏi.
- Hạ tiêu thấp nhiệt: Tiểu nóng, đau buốt, nước tiểu đục, kèm đau thắt, đau bụng. Hay khát nước, kém ăn, miệng đắng, ăn uống không ngon. Lưỡi vàng, mạch hoạt sác. Đại tiện khó khăn.
- Tâm hỏa quá thịnh: Tiểu tiện đau nóng, nước tiểu màu vàng đậm. Mặt đỏ, họng khô, miệng lở. Đầu lưỡi rêu hồng đỏ, vàng khô, mạch sác. Ngủ không ngon giấc.
- Hạ tiêu huyết ứ: Tiểu tiện đau buốt, tiểu đục, nước tiểu màu đỏ hoặc ra huyết cục. Lưỡi sạm, môi tím, mạch trầm tế sác. Đau bụng.
- Can khí uất trệ: Tiểu đau buốt. Đắng miệng, hoa mắt đau đầu, bụng dưới trướng đau, tức ngực. Ở phụ nữ thì kinh nguyệt không đều, mạch huyền, chất lưỡi xanh, rêu vàng mỏng. Ở người trẻ tuổi thì thường hay cáu gắt.
3. Chẩn đoán tiểu buốt đau lưng
Để chẩn đoán nguyên nhân gây ra tình trạng tiểu buốt đau lưng, các bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về tiền sử bệnh, tần suất và mức độ của các cơn đau, các triệu chứng kèm theo, các loại thuốc đã sử dụng. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định tiến hành một số phương pháp dưới đây để đưa ra chẩn đoán chính xác:
- Khám lâm sàng: Khám bụng, khám phụ khoa (đối với nữ), kiểm tra tuyến tiền liệt (đối với nam).
- Xét nghiệm nước tiểu: Phân tích thành phần, tìm protein, bạch cầu, máu, vi khuẩn.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm điện giải, đường huyết, CRP (chỉ số viêm), chức năng thận.
- Siêu âm: Thận, bàng quang, tử cung, buồng trứng, tuyến tiền liệt.
- Chụp X-quang, CT, MRI: Kiểm tra bệnh lý cột sống, sỏi (nếu cần).
4. Phương pháp điều trị tiểu buốt đau lưng
4.1. Phương pháp Tây Y
Căn cứ vào nguyên nhân gây tiểu buốt đau lưng, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân. Bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc hoặc phẫu thuật.
Một số loại thuốc thường được sử dụng để điều trị tình trạng tiểu buốt đau lưng bao gồm:
- Thuốc giảm đau: Paracetamol.
- Thuốc kháng viêm không Steroid: Ibuprofen, Diclofenac.
- Thuốc giãn cơ: Baclofen, Eperisone.
- Thuốc kháng sinh: Ciprofloxacin, Levofloxacin, Amoxicillin (UTI).
- Thuốc tan sỏi: Rowatinex, Kim tiền thảo, Urox.
Khi điều trị nội khoa không đem lại hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân phẫu thuật như: tán sỏi, điều trị thoát vị đĩa đệm, cắt bỏ khối u.
Để tìm hiểu thêm các loại thuốc hỗ trợ điều trị bệnh thận và xương khớp bạn có thể tham khảo thêm tại đây: Bí quyết lựa chọn thuốc bổ thận & Bí quyết lựa chọn thuốc trị đau lưng.
4.2. Phương pháp Đông Y
Đông y có nhiều bài thuốc hiệu quả và lành tính để điều trị chứng tiểu buốt đau lưng. Tuy nhiên, bạn cần thăm khám thầy thuốc Đông y để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và được tư vấn bài thuốc phù hợp, đảm bảo an toàn trong điều trị.
Bạn có thể tham khảo một số bài thuốc trị tiểu buốt dưới đây:
Trầm hương tán dùng cho các trường hợp Tiểu buốt do Can khí uất trệ
- Thành phần: 24g Bạch truật, 24g Quỳ tử, 24g Xích thược, 16g Cù mạch, 16g Đương quy, 16g Trầm hương, 16g Hoạt thạch, 16g Thạch vi, 16g Vương bất lưu hành, 8g Chích thảo.
- Cách thực hiện: Tán bột, mỗi ngày uống 12g cùng với nước sắc Đại mạch.
Tỳ giải phân thanh ẩm dùng cho các trường hợp Hạ tiêu thấp nhiệt
- Thành phần: 12g Tỳ giải, 12g Ích trí nhân, 12g Ô dược, 12g Phương gia Phục linh, 4-12g Cam thảo, 4-12g Thạch xương bồ.
- Cách thực hiện: Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, chia 2 lần.
Để tìm hiểu thêm các bài thuốc đông y trị tiểu buốt đau lưng, bạn có thể tìm hiểu thêm qua bài viết dưới đây: Các bài thuốc đông y trị đau lưng hiệu quả.
Ngoài ra, các bác sĩ Đông y có thể chỉ định một số phương pháp sau để điều trị tình trạng đau lưng: Bấm huyệt, Châm cứu, Xoa bóp, Điện nhĩ châm, Thủy châm, Cấy chỉ, Xông thuốc vùng lưng bằng máy, Giác hơi vùng lưng,…
4.3. Hỗ trợ giảm tiểu buốt đau lưng tại nhà hiệu quả
Bên cạnh các phương pháp điều trị Đông y và Tây y, bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau để hỗ trợ giảm tiểu buốt đau lưng:
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
- Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
- Xây dựng chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng, hạn chế muối, đường, chất béo, tránh đồ ăn cay nóng, tránh các thực phẩm có tính axit cao.
- Thay đổi lối sống: Tránh xa các chất kích thích và nước ngọt có ga, nếu buồn tiểu nên đi ngay, không được nhịn tiểu lâu, tránh các tư thế gây đau lưng, hạn chế vận động mạnh.
- Vệ sinh sạch sẽ: Bạn nên vệ sinh sạch sẽ vùng kín để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi quan hệ. Trước khi chạm vào bộ phận sinh dục, bạn nên rửa tay bằng xà phòng.
- Nên nghỉ ngơi để giảm đau, giảm mệt mỏi, có thể nằm nghỉ trên đệm cứng để giảm đau lưng.
- Chườm ấm, chườm lạnh: Giúp giảm co thắt cơ, giảm đau lưng.
5. Phòng tránh tiểu buốt đau lưng
Để ngăn ngừa và phòng tránh tình trạng đi tiểu buốt kèm đau lưng, bạn nên chủ động thực hiện một số biện pháp sau:
- Uống đủ nước, nên tránh uống nước trước lúc đi ngủ vào ban đêm.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Bổ sung thêm rau xanh và các loại trái cây mọng nước như Cam, Bưởi, Dưa hấu,…Tìm hiểu kỹ về các thực phẩm tốt cho thận qua bài viết Thực phẩm bổ thận.
- Tạo thói quen đi tiểu vào giờ cố định.
- Tập thể dục đều đặn để nâng cao sức đề kháng.
- Quan hệ tình dục an toàn: Sử dụng bao cao su hoặc các biện pháp bảo vệ khác để phòng các bệnh lây qua đường tình dục, sinh hoạt tình dục điều độ.
- Tránh xa những thói quen xấu như: Sử dụng rượu, bia, các chất kích thích, nhịn tiểu.
- Khi có dấu hiệu mắc các bệnh lý phụ khoa, bệnh đường tiết niệu bạn nên gặp bác sĩ để được thăm khám điều trị càng sớm càng tốt.
6. Tổng kết
Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích về nguyên nhân, phương pháp phòng tránh và điều trị tiểu buốt đau lưng. Nếu gặp tình trạng này, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp.
Một trong những nguyên nhân gây tiểu buốt đau lưng có thể là do thận yếu. Để hỗ trợ phòng tránh và điều trị, bạn có thể tham khảo sản phẩm bảo vệ sức khỏe thận Bổ Thận Bình Đông. Thành phần của Bổ Thận Bình Đông gồm các loại thảo dược thiên nhiên như Ngưu tất, Cẩu tích, Thỏ ty tử, Phá cố chỉ, Độc hoạt, Đỗ trọng, Thục địa, Đương quy giúp bổ thận, hỗ trợ làm giảm các triệu chứng tiểu buốt, tiểu nhiều lần, tiểu đêm, đau lưng, mỏi gối do thận kém.
Công ty TNHH Dược phẩm Bình Đông với hơn 70 năm hình thành và phát triển, là một trong những thương hiệu dược phẩm uy tín trên thị trường. Dược Bình Đông đã cho ra đời nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Để tìm hiểu thêm thông tin về sản phẩm và được tư vấn các vấn đề sức khỏe, vui lòng liên hệ qua Hotline (028)39808808 để được hỗ trợ nhanh chóng nhất!