Tại Việt Nam, Thanh táo là loại cây rất phổ biến, thường được trồng trang trí ở hàng rào, công viên,… Trong Đông y, Thanh táo được sử dụng để điều trị các vấn đề về xương khớp, phong thấp,….. Để tìm hiểu chi tiết hơn về vị thuốc này, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây của Dược Bình Đông nhé.
1. Giới thiệu về cây Thanh táo
Thanh táo có tên khoa học là Justicia gendarussa L. f. (Gendarussa vulgaris Nees), họ Ô rô (Acanthaceae). Cây Thanh táo còn có nhiều tên gọi khác như: Thuốc trặc, Tần cửu, Bơ chẩm phòn, Sleng sào, Búng mâu mía,…
Đặc điểm của cây Thanh táo
Thanh táo là cây thường xanh, thân nhỏ, cao từ 1m – 1m5. Thân và cành nhẵn, có màu xanh lục hoặc tím sẫm.
Lá cây mọc đối, cuống lá ngắn, phiến lá hình mác, dài khoảng 4 – 14cm, rộng khoảng 1- 2cm. Lá trơn nhẵn, không có lông. Ngoài ra, phần mặt lá thường có loại nấm Puccinia Thwaitesii tấn công nên có các đốm màu đen, vàng hoặc nâu trên mặt lá.
Thanh táo thường ra hoa và quả vào mùa hạ. Hoa của cây Thanh táo có màu trắng hoặc phớt hồng, có nhiều điểm tía, mọc thành bông ở kẽ lá, đầu hoặc ngọn cành. Quả nang hình đinh, dài khoảng 12mm và bên trong có chứa 4 hạt.
Phân bố, thu hái, sơ chế
Thanh táo có nguồn gốc hoang dại, và được trồng ở Trung Quốc sau đó lan ra nhiều nơi khác như Malaysia, Ấn Độ, Đài Loan, Triều Tiên, Indonesia…
Tại Việt Nam, Thanh táo mọc hoang nhiều ở ven rừng ẩm hoặc dọc theo bờ khe suối, ngoài cửa rừng thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hoà Bình….
Toàn bộ cây Thanh táo (thân, cành, lá, rễ) đều được sử dụng để làm thuốc. Trong đó, Đông y gọi toàn cây là Tiểu Bác Cốt, vị thuốc từ rễ cây là Tần giao hoặc Tần cửu.
Người ta thu hoạch Thanh táo quanh năm, tuy nhiên thời điểm tốt nhất là vào tháng 7 – 8. Vị thuốc Thanh táo có thể dùng tươi hoặc được phơi khô để dùng dần. Sau khi sơ chế cần bảo quản dược liệu ở nơi khô thoáng, tránh độ ẩm cao.
2. Công dụng của cây Thanh táo
Thanh táo là dược liệu được chế biến và ứng dụng nhiều trong cả Tây y và Đông y để hỗ trợ điều trị các chứng bệnh về đau xương khớp, mụn nhọt, vết thương sưng tấy, bong gân sai khớp, triệu chứng ho, mồ hôi trộm,…
2.1. Theo Tây y
Trong cây Thanh táo có chứa một loại Alkaloid với tên gọi là Justixin và một lượng nhỏ tinh dầu (0.001%). Theo đó, Thanh táo có một số tác dụng dược lý như:
- Tác dụng nối gân tiếp xương
- Hỗ trợ tiêu sưng, giảm đau và sát trùng
- Tác dụng gây nôn khi cần thiết
2.2. Theo Đông y
Thanh táo là một vị thuốc quý được ứng dụng nhiều trong Đông y để điều trị đau xương khớp, da vàng, ho sốt, hỗ trợ lưu thông máu,… Dưới đây là một số đặc điểm của Thanh táo theo góc nhìn của Y học cổ truyền:
Tính vị:
- Cây Thanh táo: Vị cay, tính ấm
- Rễ cây: Vị chua, tính bình
Quy kinh: Vị, Can, Đảm, Đại tràng.
Công dụng: Hoạt huyết, trấn thống, tán phong thấp; khứ ứ sinh tân, tiêu trừ ứ tích, sinh tân dịch; tiêu thũng, chỉ thống; nối liền gân cốt
Chủ trị: Trị gãy xương, sái chân, trật gân, phong thấp, viêm đau khớp, tê thấp, vết thương sưng đau, chứng ra nhiều mồ hôi, ho sốt, mụn nhọt; hỗ trợ lưu thông máu ở phụ nữ sau sinh và bệnh hậu sản.
3. Gợi ý một số bài thuốc trị bệnh từ Thanh táo
3.1. Bài thuốc chữa phong tê thấp, tay chân tê dại
- Thành phần: 20g Rễ Thanh táo, 20g Dây chiều, 20g rễ Hoàng lực, 20g rễ Gai tầm xoong, 10g Cốt khí củ và 10g rễ Thiên niên kiện.
- Cách dùng: Sắc uống, mỗi ngày 1 thang.
3.2. Bài thuốc điều trị chấn thương, sưng tấy, vết thương kín
- Thành phần: 50g Thanh táo tươi hoặc 10g Thanh táo khô.
- Cách dùng: Rửa sạch, sắc với 850ml nước đến khi còn 200ml. Chia thành 2 lần uống trong ngày
3.3. Bài thuốc trị ho, sốt, mồ hôi trộm
- Thành phần: 10g Rễ Thanh táo, 10g Miết giáp, 10g Địa cốt bì, 10g Sài hồ, 5g Đương quy, 5g Tri mẫu, 4g Thanh cao và 4g Ô mai.
- Cách dùng: Sắc với 600ml nước cho đến khi còn 200ml. Chia thành 3 lần, uống hết trong ngày.
3.4. Bài thuốc trị bong gân, sai khớp
- Thành phần: 50g lá Diễn tươi, 20g Thanh táo, 20g Cốt toái bổ, 20g Xuyên tiêu, 20g Trạch lan.
- Cách dùng: Sắc uống lúc còn ấm, mỗi ngày 1 thang.
3.5. Bài thuốc trị sản phụ ra máu sẫm, choáng váng, mờ mắt
- Thành phần: 20g – 30g Thanh táo, 20g – 30g Mần tưới và 20g – 30g Cỏ mần trầu.
- Cách dùng: Sắc thuốc uống trong ngày.
3.6. Bài thuốc trị vết thương lở loét, mụn nhọt khó liền
- Thành phần: lá Thanh táo và lá Mỏ quạ, lượng bằng nhau
- Cách dùng: Giã nhỏ, đắp lên vị trí bị thương mỗi ngày 1 lần.
4 . Một số lưu ý khi sử dụng cây Thanh táo
Khi sử dụng Thanh táo, để bảo đảm về an toàn và hiệu quả, người dùng nên chú ý một số điểm sau:
- Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc Đông y trước khi sử dụng, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ mang thai và người cao tuổi
- Trong quá trình sử dụng, nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy ngưng dùng và đến thăm khám bác sĩ ngay.
- Thanh táo tươi khi uống có thể gây hiện tượng nôn mửa.
5. Tổng kết
Thanh táo được sử dụng phổ biến trong Đông y, đặc biệt trong chữa trị các bệnh lý liên quan đến đau nhức xương khớp. Tuy nhiên, dược liệu này vẫn có độc tính nhẹ, người dùng cần tham khảo ý kiến thầy thuốc hoặc bác sĩ chuyên môn trước khi sử dụng.
Để tìm hiểu thêm các vị thuốc khác trong Y học cổ truyền cũng như những thông tin sức khỏe hữu ích cho bản thân và gia đình, bạn có thể truy cập vào chuyên mục Cẩm nang sức khỏe của Dược Bình Đông.
Dược Bình Đông là thương hiệu thành lập với sự kế thừa tinh hoa của Y học cổ truyền Việt Nam. Trong suốt hơn 70 năm hình thành và phát triển, Dược Bình Đông đã không ngừng nghiên cứu việc kết hợp công thức cổ truyền và ứng dụng công nghệ hiện đại trong quy trình sản xuất. Từ đó, thương hiệu đã cho ra đời những sản phẩm bảo vệ sức khỏe hiệu quả, an toàn và được người dùng tin tưởng sử dụng, tiêu biểu có thể kể đến như sản phẩm Thảo Linh Tiên.
Thảo Linh Tiên là sự kết hợp của các loại thảo dược thiên nhiên như Dây đau xương, Đảng sâm, Tang thầm, Đỗ trọng, Ngưu tất,… có tác dụng bổ can thận, trừ phong hàn, phong thấp, thanh nhiệt; xoa dịu những cơn đau nhức xương khớp và tê mỏi chân tay do bệnh thoái hóa khớp, phong thấp, bệnh viêm khớp.
Hãy liên hệ hotline 028.39.808.808 để được đội ngũ Dược Bình Đông tư vấn và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về thông tin sản phẩm trong thời gian sớm nhất.