Muối nổi tiếng với khả năng sát khuẩn và thường được sử dụng để hỗ trợ điều trị nhiều vấn đề sức khỏe. Vì vậy, việc bổ sung Muối vào nước ấm để ngâm chân đã trở thành một phương pháp đơn giản và hiệu quả giúp cải thiện sức khỏe. Đặc biệt trong cuộc sống hiện đại, khi lối sống ít vận động, căng thẳng kéo dài và chế độ dinh dưỡng không cân đối đang dần gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, từ mệt mỏi, mất ngủ cho đến các bệnh lý xương khớp.
Ngâm chân với Muối mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, nhưng nếu không thực hiện đúng cách, phương pháp này có thể gây ra những tác dụng không mong muốn. Vậy làm thế nào để ngâm chân với muối an toàn và hiệu quả?
Qua bài viết này, Dược Bình Đông sẽ cung cấp cho bạn những thông tin chi tiết về công dụng của việc ngâm chân, hướng dẫn thực hiện đúng cách và những lưu ý quan trọng để đảm bảo an toàn, đồng thời mang lại hiệu quả tối ưu cho sức khỏe.
1. Đôi nét về Ngâm chân với Muối
1.1. Thông tin về ngâm chân Muối
Khi ngâm chân trong nước ấm, nhiệt độ vừa phải sẽ giúp giãn nở lỗ chân lông, hỗ trợ đào thải các chất độc tích tụ ra ngoài. Bên cạnh đó, nước ấm tác động lên các huyệt đạo ở lòng bàn chân, giúp tăng cường tuần hoàn máu.
Do đó, khi ngâm chân trong nước Muối sẽ đem đến những lợi ích cụ thể như sau:
- Giúp tinh thần thư giãn, giảm mệt mỏi, cải thiện trí óc, giúp ngủ ngon.
- Làm ấm cơ thể.
- Hỗ trợ giảm đau nhức xương khớp, đau lưng, mỏi gối,… trong viêm khớp, viêm đa khớp, đau dầy thần kinh tọa, gút, phong tê thấp.
- Khử mùi hôi chân, làm sạch da chân.
- Bổ thận, chống lão hóa.
Ngoài những lợi ích trên, ngâm chân với nước Muối còn có tác động tích cực đến sức khỏe như sau:
- Cải thiện sức khỏe như giúp tăng sức đề kháng, tiêu viêm và kháng khuẩn, giảm bớt các tình trạng tích tụ độc tố bên trong cơ thể.
- Hỗ trợ điều trị và phòng ngừa các bệnh lý khác nhau như: đái tháo đường, lạc nội mạc tử cung, bệnh lý liên quan đến hô hấp (viêm họng, cảm cúm, …)
- Những lợi ích khác: cải thiện các vấn đề về tim mạch, giảm hôi chân, hồi phục và lành vết thương
1.2. Phương pháp ngâm chân đúng cách
Ngâm chân bằng nước Muối sẽ giúp cải thiện tuần hoàn máu, giảm đau nhức xương khớp, tăng cường hệ miễn dịch và thư giãn tinh thần. Dưới đây là những lưu ý khi ngâm chân để đạt được kết quả tốt nhất:
- Bạn nên sử dụng các loại muối nguyên chất để đạt hiệu quả tối đa, chẳng hạn như muối biển tự nhiên, muối Epsom (muối Magie Sulfate), muối Himalaya, muối Hồng tự nhiên hoặc muối tinh khiết thông thường.
- Nhiệt độ ngâm chân khoảng 40 – 50 độ C.
- Dụng cụ ngâm chân có thể là thau, chậu làm bằng gỗ, sứ hoặc các chậu bằng điện có tích hợp thêm các sóng siêu âm kích thích, đây là loại máy phổ biến trong giai đoạn gần đây và đang được bày bán tại các cửa hàng vật tư y tế, trên các trang mua sắm online.
- Thời gian ngâm chân khoảng 10 – 15 phút.
- Thời điểm ngâm chân vào buổi tối là tốt nhất vì giúp thư giãn, ngủ ngon. Thời điểm này chân bạn cũng không cần đi lại nhiều nên mang lại hiệu quả tốt hơn.
- Lượng nước ngâm chân cao đến mắt cá chân, hoặc cao hơn mắt cá khoảng 2cm để đảm bảo hiệu quả tối ưu, đồng thời không gây áp lực lên các mạch máu ở chân.
- Tần suất ngâm chân 2 – 3 lần/ tuần.
- Tư thế ngồi ngâm chân ngồi thẳng, thoải mái, không cong lưng.
2. Các công thức ngâm chân với Muối
2.1. Ngâm chân với nước Muối ấm
Ngâm chân trực tiếp với nước Muối ấm là cách đơn giản, nhanh chóng nhưng rất hiệu quả để thư giãn cơ thể và cải thiện sức khỏe.
Chuẩn bị:
- Muối hạt: 1 muỗng canh.
- Nước ấm: 1.5 – 2.5 lít.
Cách làm:
- Cho nước ấm khoảng 40 – 45 độ C vào thau.
- Bỏ 1 muỗng canh Muối hạt vào thau nước ấm, đợi Muối tan hết.
- Ngâm chân hỗn hợp còn ấm này khoảng 15 – 20 phút.
- Lấy khăn mềm lau khô chân.
2.2. Ngâm chân với Muối và Gừng
Gừng là một loại thảo dược quen thuộc có tác dụng tích cực đối với sức khỏe nhờ đặc tính ấm và kháng viêm. Bên cạnh những lợi ích khi ngâm với nước muối, phương pháp này còn giúp cho cơ thể giảm đau nhức, làm ấm cơ thể, đặc biệt phù hợp vào những ngày thời tiết lạnh hoặc khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi.
Chuẩn bị:
- 500g Gừng tươi.
- 2 lít nước.
- Khoảng 100g Muối tinh.
Cách làm:
- Rửa sạch Gừng, bỏ các phần khô và cắt lát mỏng.
- Hòa tan Muối vào nước sôi, sau đó, cho Gừng vào nồi.
- Ngâm chân trong nước Muối Gừng.
2.3. Ngâm chân Lá lốt với Muối
Lá lốt có tính ấm, giúp kháng viêm và giảm đau, đặc biệt khi sử dụng cùng Muối – một chất kháng khuẩn tự nhiên không chỉ giúp cơ thể thư giãn, giảm mệt mỏi, làm sách da chân mà còn nâng cao hiệu quả giảm các cơn đau nhức do xương khớp.
Chuẩn bị:
- 20g – 30g Lá lốt.
- 2 muỗng cà phê Muối hạt.
- 1,5 lít nước.
Cách làm:
- Lá lốt rửa sạch, để nguyên lá hoặc cắt thành từng đoạn nhỏ, nấu sôi với khoảng 1,5 lít nước.
- Đổ nước này ra chậu và thêm 2 thìa muối hạt. Khuấy đều cho Muối hòa tan hết hoặc trước đó cũng có thể cho Muối vào đun sôi với nước Lá lốt.
- Để hỗn hợp nguội bớt hoặc cho thêm một ít nước lạnh để có nhiệt độ ấm vừa đủ.
2.4. Ngâm chân Muối Sả
Sả có nhiều tinh dầu và mùi thơm từ tinh dầu Sả rất dễ chịu, thoải mái. Đặc biệt, khi ngâm chân bằng nước Muối kết hợp với Sả mỗi ngày sẽ giúp tinh thần thư thái, giảm căng thẳng và có giấc ngủ sâu hơn.
Chuẩn bị:
- 1,5 lít nước.
- 5 nhánh Sả tươi.
- 20g Muối hạt.
Cách làm:
Bạn đập nát Sả cho vào nước đã đun sôi, sau đó hòa tan Muối hạt vào. Điều chỉnh nhiệt độ nước cho thích hợp. Bạn hãy chú ý để nước ngập đến mắt cá chân. Lúc này, hãy xoa bóp nhẹ nhàng bàn chân.
2.5. Ngâm chân với Ngải cứu và Muối hạt
Việc ngâm chân với Ngải cứu không chỉ giúp làm ấm cơ thể mà còn hỗ trợ giảm đau nhức xương khớp, thúc đẩy tuần hoàn máu và làm dịu các cơn mệt mỏi. Khi kết hợp với Muối, tác dụng kháng khuẩn và làm sạch da càng được tăng cường, giúp đôi chân khỏe mạnh và giảm căng thẳng.
Chuẩn bị:
- 1,5 lít nước.
- Lá Ngải cứu.
- 20g Muối hạt.
Cách làm:
- Rửa sạch lá Ngải cứu, cắt nhỏ.
- Cho lá Ngải cứu vào nồi chứa 1.5 lít nước và đun sôi trong khoảng 5 phút.
- Thêm 20g Muối hạt vào nồi nước đang sôi, khuấy đều cho muối tan hoàn toàn.
- Đổ nước ngâm ra chậu, điều chỉnh nhiệt độ xuống khoảng 40 độ C để đảm bảo không quá nóng. Ngâm chân trong khoảng 15 phút.
- Sau khi ngâm, lau khô chân kỹ để tránh bị ẩm ướt và ngăn ngừa các bệnh về da.
2.6. Kết hợp ngâm chân với Muối và các thành phần khác
Ngoài Muối hột, bạn cũng có thể tham khảo để cho thêm một số thành phần khác nhằm mang tới những hiệu quả tích cực cho sức khỏe như:
- Rượu: Với đặc tính nóng, bạn có thể cho thêm một chút Rượu vào chậu nước ngâm chân để giúp cho quá trình tuần hoàn, lưu thông máu diễn ra nhanh hơn.
- Chanh: Thêm một vài lát Chanh sẽ giúp cho khí huyết lưu thông, tinh thần tỉnh táo hơn và phòng ngừa cảm cúm hiệu quả.
- Trà xanh: Ngâm chân với Trà xanh giúp bạn giảm viêm, giảm kích ứng da chân do các bệnh ngoài da như bệnh vẩy nến và viêm da gây ra, nuôi dưỡng da, làm đều màu, kiểm soát dầu nhờn và khử mùi hôi chân.
3. Những Nguyên tắc và lưu ý khi ngâm chân để đảm bảo sức khỏe
3.1. Những lưu ý khi ngâm chân
Như đã đề cập từ trước, ngâm chân mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Nhưng để đảm bảo an toàn và đạt được hiệu quả tốt nhất, bạn nên tuân theo một số lưu ý quan trọng để hạn chế những tác dụng không mong muốn. Bao gồm:
- Tìm hiểu hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ về các tác dụng phụ hoặc khả năng gây dị ứng của từng loại thảo dược liên quan.
- Không nên dùng nước ngâm quá 50 độ.
- Không nên ngâm chân quá lâu vượt quá thời gian khuyến nghị, vì có thể gây ra tim đập nhanh, rối loạn nhịp tim, chóng mặt, ngất xỉu do thiếu máu não, da khô và mẩn ngứa.
- Bạn nên uống 1 cốc nước lọc trước và sau khi ngâm chân để giúp cơ thể không bị mất nước. Điều này cũng giúp hỗ trợ quá trình trao đổi chất, đào thải độc tố của cơ thể và hấp thụ các chất hiệu quả hơn.
- Tuyệt đối không ngâm chân trong vòng 30 phút sau bữa ăn vì sẽ ảnh hưởng đến tiêu hóa.
- Rửa sạch chân bằng nước trước khi ngâm.
- Thử phản ứng dị ứng với một vùng da nhỏ trên bàn chân trước khi ngâm chân, vì da của bạn có thể bị nhạy cảm một thành phần nào đó trong nước ngâm chân.
- Không nên ngủ ngay sau khi ngâm chân, mà cần lau khô và đợi chân cân bằng nhiệt độ với cơ thể.
3.2. Đối tượng cần lưu ý khi lựa chọn ngâm chân
Một số nhóm đối tượng cần đặc biệt lưu ý và cân nhắc trước khi ngâm chân để tránh gây hại cho sức khỏe hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng hiện tại. Bên dưới là những nhóm đối tượng cần lưu ý khi ngâm chân:
- Đối tượng là người già hoặc trẻ em thì cần có người trợ giúp. Bởi vì những đối tượng này có khả năng gặp khó khăn trong quá trình pha nước cũng như dễ xảy ra các tai nạn trong khi ngâm chân. Bạn cần theo dõi để kịp thời xử trí và hỗ trợ bất cứ lúc nào người thân bạn cần sự trợ giúp.
- Phụ nữ đang mang thai cần lưu ý khi thực hiện phương pháp này. Thai nhi lớn có thể gây chèn ép tĩnh mạch vùng chậu khiến máu lưu thông kém. Nếu ngâm chân, máu sẽ đi xuống và khó quay trở về tim, gây ứ máu tại chi dưới khiến chân bị sưng tấy.
- Với trường hợp người cao tuổi bị giãn tĩnh mạch, có thể thay thế việc ngâm chân nước ấm thành nước lạnh dưới 20 độ C. Bởi vì nước ấm sẽ làm giãn tĩnh mạch và có thể khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
- Với những đối tượng mắc bệnh liên quan đến tổn thương dây thần kinh làm mất cảm giác (như rối loạn thần kinh, đái tháo đường,…), việc ngâm chân có thể khiến bạn bị bỏng do không cảm nhận được nhiệt độ.
- Người bị phù chân và nhiễm trùng đường tiết niệu, suy thận, suy tim, bệnh thận có chân bị tổn thương, bệnh tim mạch không nên sử dụng phương pháp này.
- Với người bị nhiệt miệng và táo bón có liên quan đến nóng trong người, bạn cần cẩn trọng khi ngâm chân bằng phương pháp nước muối kết hợp với Lá lốt, vì Lá lốt có vị cay tính ấm. Do đó, việc ngâm chân bằng Lá lốt có thể khiến tình trạng trở nặng.
4. Kết hợp với liệu pháp khác để giúp cải thiện sức khỏe
Mặc dù ngâm chân với nước Muối mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, nhưng không phải ai cũng phù hợp để áp dụng phương pháp này. Một số nhóm đối tượng cần đặc biệt lưu ý và cân nhắc trước khi ngâm chân để tránh gây hại cho sức khỏe hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng hiện tại. Ngoài ra, bạn cần lưu ý rèn luyện những thói quen sau:
- Ăn uống điều độ, đúng giờ, tránh bỏ bữa.
- Chế độ dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe đầy đủ 4 nhóm chất thiết yếu cho cơ thể: chất đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia. Đồng thời, hạn chế tiêu thụ các thực phẩm gây nóng trong người ảnh hưởng đến hoạt động cơ thể như đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, nhiều đường, nhiều muối,…
- Ngủ đủ giấc 7-9 giờ mỗi đêm để cơ thể được nghỉ ngơi và phục hồi, ngủ sớm trước 23h00.
- Không hút thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc lá là rất quan trọng.
- Tránh ở trong môi trường độc hại, môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi hoặc hóa chất. Đảm bảo nhà ở và nơi làm việc luôn sạch sẽ, thoáng khí.
- Tập thể dục đều đặn với các bài tập như đi bộ, yoga,… ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần, không chỉ giúp cơ thể thư giãn, mà còn cải thiện tuần hoàn máu và nâng cao sức khỏe.
5. Tổng kết
Ngâm chân là một phương pháp đơn giản nhưng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho sức khỏe. Trong đó, việc ngâm chân với nước muối giúp thư giãn tinh thần, giảm căng thẳng, cải thiện tuần hoàn máu và hỗ trợ giảm đau nhức xương khớp.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và tối ưu hóa hiệu quả, bạn cần lưu ý một số điểm quan trọng khi ngâm chân. Tránh ngâm chân ngay sau khi ăn và đặc biệt chú ý đến những đối tượng có tình trạng sức khỏe đặc biệt như người cao tuổi bị giãn tĩnh mạch, phụ nữ mang thai hoặc người có vết thương hở ở chân.