Đau lưng là tình trạng phổ biến mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải. Để giảm những cơn đau, thuốc Tây là giải pháp được nhiều người tìm đến. Vậy thuốc trị đau lưng gồm những loại nào? Chúng có tác dụng giảm đau lưng ra sao? Có những lưu ý gì khi sử dụng các loại thuốc này? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau của Dược Bình Đông nhé!
1. Đôi nét về tình trạng đau lưng và thuốc Tây trị đau lưng
1.1. Giới thiệu tình trạng đau lưng
Đau lưng là triệu chứng xảy ra khi các bộ phận, cấu trúc ở vùng lưng như cơ, dây chằng, đĩa đệm, cột sống,… bị tổn thương hoặc kích thích. Đau lưng xảy ra rất phổ biến, từ người lớn tuổi đến người trẻ tuổi đều có thể gặp phải tình trạng này. Những đối tượng như người lao động chân tay, nhân viên văn phòng, người béo phì, người mắc bệnh xương khớp, người có thói quen hút thuốc sẽ có nguy cơ cao bị đau lưng.
Đau lưng thường xảy ra ở các vị trí như:
- Đau lưng bên trái hoặc đau bên phải: Bệnh nhân chỉ đau ở một bên lưng. Nguyên nhân thường là do các khớp ở đốt sống vùng thắt lưng, hông hoặc vùng chậu bị sai lệch.
- Đau phần lưng trên: Bệnh nhân đau vùng cổ lan đến hết khung sườn, thường gặp các cơn đau từ đốt sống T1 đến T12. Các cơn đau xuất hiện đột ngột rồi biến mất, nhiều trường hợp sẽ kéo dài dai dẳng, kèm theo triệu chứng tê, ngứa, yếu cơ.
- Đau phần lưng dưới: Nguyên nhân là do quá trình lão hóa tự nhiên gây ra. Bên cạnh đó, người bị chấn thương, bê vác vật nặng sai tư thế, chuyển động đột ngột, thừa cân béo phì cũng có thể bị đau lưng dưới. Một số triệu chứng đi kèm gồm co thắt cơ, căng tức gây ra cảm giác khó chịu.
- Đau phần giữa lưng: Tình trạng này có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào. Người bệnh có thể đau lưng âm ỉ hoặc dữ hội, ngực hoặc chân tay có cảm giác tê ngứa,…
Bạn có thể nhận biết rằng mình đang gặp phải tình trạng đau lưng khi gặp một số triệu chứng dưới đây:
- Đau vùng lưng âm ỉ hoặc dữ dội, buốt nhói.
- Cứng cơ hoặc hạn chế cử động.
- Cơn đau lan ra cánh tay hoặc lan xuống chân (trong trường hợp đau dây thần kinh tọa).
- Mệt mỏi, khó chịu khi thực hiện các hoạt động hàng ngày.
Đau lưng có thể xuất phát từ các vấn đề cơ xương khớp như căng cơ, chấn thương, thoát vị đĩa đệm, viêm xương khớp, thoái hóa cột sống,… Ngoài ra, tình trạng đau lưng cũng có thể do các bệnh lý khác liên quan đến thận, phổi, gan, phụ khoa hoặc dạ dày. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ xuất hiện các cơn đau lưng bao gồm tuổi tác, thói quen sinh hoạt, sinh hoạt sai tư thế, thừa cân, lối sống không lành mạnh hoặc thói quen hút thuốc,…
Khi có triệu chứng đau lưng, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm, giúp kịp thời ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm và giảm thiểu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Điều trị kịp thời không chỉ giúp giảm đau, cải thiện chức năng cơ, xương, khớp cho bệnh nhân mà còn giúp ngăn ngừa tình trạng đau lưng trở thành mạn tính.
1.2. Đôi nét về Thuốc tây trị đau lưng
Thuốc trị đau lưng thường được sử dụng phổ biến trong điều trị cơn đau lưng cấp tính với khuyến cáo dùng trong thời gian ngắn. Bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp cho bệnh nhân dựa trên nguyên nhân và một số yếu tố bao gồm: tuổi, nguy cơ dị ứng, sức khỏe tổng quát.
Hiện nay, trên thị trường có khá nhiều loại thuốc chữa đau lưng, có thể phân loại thành các dạng như sau:
- Thuốc uống: Gồm các loại thuốc giảm đau dùng bằng đường uống. Thuốc có thể được bào chế ở dạng viên nén, viên nang,… thuận tiện khi sử dụng và dễ dàng mang theo.
- Thuốc tiêm: Thuốc được tiêm bắp hoặc qua đường tĩnh mạch, có tác dụng giảm đau nhanh hơn so với thuốc dùng đường uống. Tuy nhiên, thuốc tiêm chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ và cần người có chuyên môn thực hiện tiêm thuốc để đảm bảo an toàn.
- Thuốc bôi tại chỗ: Thuốc bôi trực tiếp lên vùng da tại vị trí đau và sẽ được hấp thu vào các mô cơ xung quanh, từ đó giúp làm giảm cơn đau. Tuy nhiên, với các cơn đau lưng do chấn thương, tác dụng của thuốc bôi rất hạn chế hoặc không có tác dụng.
2. Top 6 loại thuốc sử dụng để điều trị đau lưng
Đối với các trường hợp đau lưng ở mức độ nhẹ, việc sử dụng thuốc Tây có thể giúp cải thiện tình trạng đau nhức hiệu quả. Bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc, liều lượng và thời gian sử dụng thuốc phù hợp với từng bệnh nhân.
2.1. Thuốc giảm đau Paracetamol
- Hoạt chất: Paracetamol.
- Cơ chế: Thuốc ức chế quá trình sản xuất prostaglandin (một chất trung gian hóa học của quá trình viêm và nhận cảm đau ở não và tủy sống). Do đó, Paracetamol có thể ngăn chặn chuỗi phản ứng truyền cảm giác đau đến trung ương thần kinh, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
- Tác dụng: Giảm cảm giác đau nhức ở người bệnh.
- Hiệu quả: Làm giảm các cơn đau từ nhẹ đến vừa trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng không có hiệu quả nhiều khi bị viêm sưng khớp cơ.
- Ứng dụng: Dùng để giảm các cơn đau cơ, đau khớp, đau do viêm khớp gây ra.
- Cách sử dụng: Đường uống.
- Tác dụng phụ: Gây dị ứng ở những người có cơ địa mẫn cảm (phát ban trên da, ngứa, sưng mặt, lưỡi hoặc cổ họng, nổi mề đay, khó thở và khàn giọng), có thể gây ra một số phản ứng nghiêm trọng hơn như: buồn nôn, phân màu đen, đau dạ dày, nước tiểu sẫm màu, tổn thương gan, chán ăn, vàng lòng trắng mắt, vàng da.
- Lưu ý khi sử dụng: Chống chỉ định đối với những người mắc bệnh tim mạch, thận, phổi, gan, người say rượu hoặc mẫn cảm với các thành phần của thuốc.
2.2. Thuốc giảm đau kháng viêm không Steroid (NSAID)
- Tác dụng: Giảm đau, kháng viêm.
- Hiệu quả: So với Paracetamol, NSAID có tác dụng giảm đau mạnh hơn.
- Ứng dụng: Dùng trong điều trị các bệnh như thoái hóa cột sống, đau thần kinh tọa, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp phản ứng, thoái hóa xương khớp, viêm khớp vai, hội chứng đường hầm cổ tay, viêm lồi cầu xương cánh tay,…
- Cách sử dụng: Uống, bôi hoặc tiêm.
Nhóm thuốc NSAID được chia thành 2 loại chính, bao gồm:
Nhóm 1: NSAID không chọn lọc
- Cơ chế: Các loại thuốc thuộc nhóm NSAID không chọn lọc có khả năng ức chế cả enzyme COX1 và COX2.
- Hoạt chất: Ibuprofen, Aspirin, Naproxen,…
- Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn trên hệ tiêu hóa của người dùng như viêm loét dạ dày – tá tràng, xuất huyết tiêu hóa,…
- Lưu ý khi sử dụng: Những người từng bị viêm loét dạ dày tá tràng, người đang dùng đồng thời với những thuốc chống đông máu và Corticosteroid.
Nhóm 2: NSAID chọn lọc trên COX2
- Cơ chế: Ức chế chọn lọc enzyme COX2 – đây là một enzyme được tìm thấy tại các vị trí bị viêm nhiều hơn enzyme COX1 (enzyme này thường thấy trong dạ dày, tiểu cầu và mạch máu).
- Hoạt chất: Celecoxib, Meloxicam,…
- Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ lên tim mạch.
- Lưu ý khi sử dụng: Không khuyến cáo dùng cho người bị bệnh thận, xơ gan, suy tim hoặc đang sử dụng thuốc lợi tiểu.
2.3. Thuốc giảm đau nhóm Opioid
Với những bệnh nhân đau lưng mức độ nghiêm trọng và không đáp ứng với các thuốc giảm đau thông thường, bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng thuốc giảm đau nhóm Opioid (như Morphine) để kiểm soát cơn đau. Việc sử dụng nhóm thuốc Opioid cần được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ và người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn cụ thể. Bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý mua hoặc sử dụng loại thuốc này khi không có chỉ định của bác sĩ.
Khi sử dụng thuốc giảm đau nhóm opioid, bạn cần ghi nhớ một số lưu ý sau:
- Thuốc giảm đau nhóm Opioid được biết đến với khả năng giảm đau mạnh. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra nhiều tác không mong muốn nguy hiểm trên hệ tiêu hóa, hệ thần kinh và tiềm ẩn nguy cơ gây nghiện cao nên loại thuốc này chỉ được sử dụng như biện pháp cuối cùng, khi các loại thuốc giảm đau khác không mang lại hiệu quả.
- Tuyệt đối tuân thủ liều lượng và thời gian sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
2.4. Thuốc kháng viêm Corticosteroid
- Cơ chế: Chống viêm, ức chế miễn dịch, co mạch.
- Hoạt chất: Prednisolone, Methylprednisolone, Triamcinolone acetonide.
- Tác dụng: Giảm viêm, ức chế hệ thống miễn dịch để điều trị viêm khớp.
- Hiệu quả: Có tác dụng giảm đau nhanh chóng, tuy nhiên cần tăng liều lượng trong thời gian dài mới có thể mang lại hiệu quả tốt.
- Ứng dụng: Điều trị viêm khớp dạng thấp, viêm khớp thiếu niên tự phát, thoái hóa khớp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vẩy nến, viêm khớp phản ứng, bệnh gút, tràn dịch khớp gối không do nhiễm khuẩn, kén bao hoạt dịch, viêm gân, viêm điểm bám gân, viêm bao gân, đau thần kinh tọa, viêm quanh khớp vai,…
- Cách sử dụng: Đường uống, truyền tĩnh mạch, tiêm nội khớp.
- Lưu ý khi sử dụng: Người có tiền sử dị ứng với thuốc, bị rối loạn đông máu, bị tổn thương nhiễm khuẩn tai hoặc gần vị trí tiêm không được khuyến cáo sử dụng lâu dài, cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.
2.5. Thuốc giãn cơ
- Cơ chế: Loại thuốc này làm tác động lên hệ thần kinh, làm gián đoạn các tín hiệu gửi lên não, từ đó làm giảm đau, thư giãn cơ.
- Hoạt chất: Tolperisone, Eperisone.
- Tác dụng: Giúp khắc phục các triệu chứng co thắt cơ, chuột rút và hỗ trợ cải thiện các triệu chứng khó chịu, làm dịu đau cơ.
- Ứng dụng: Dùng để giảm các cơn đau do căng cơ, hỗ trợ điều chỉnh căng cơ trong thoái hóa khớp.
- Cách sử dụng: Đường uống.
- Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây chóng mặt, căng thẳng, đau đầu, buồn ngủ, huyết áp hạ khi đang đứng, màu nước tiểu chuyển sang màu cam, tím hoặc đỏ.
- Lưu ý: Người trên 65 tuổi, mắc các bệnh lý về gan, não bộ, tâm thần cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Một số loại thuốc giãn cơ dùng điều trị co thắt cơ, thoái hóa khớp có thể gây suy nhược hệ thần kinh trung ương, gây mất tập trung, thiếu tỉnh táo nên khi dùng thuốc cần tránh lái xe, vận hành máy móc, leo núi.
2.6. Các loại thuốc khác
Bên cạnh các nhóm thuốc trên, một số loại thuốc dưới đây cũng thường được bác sĩ chỉ định để chữa đau lưng:
- Thuốc giảm đau thần kinh (Chống co giật) với hoạt chất Pregabalin hoặc Gabapentin là loại thuốc được sử dụng phổ biến để điều trị các cơn đau do tổn thương thần kinh. Thông thường, người bệnh cần sử dụng Pregabalin và Gabapentin ít nhất khoảng 3 – 4 tuần để bắt đầu có hiệu quả giảm đau. Một số tác dụng không mong muốn thường gặp của Pregabalin và Gabapentin gồm chóng mặt, buồn ngủ, mệt mỏi, tăng cân,…
- Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm cũng có thể được bác sĩ kê đơn để làm giảm cơn đau lưng mãn tính với các hoạt chất như Duloxetine, Venlafaxin, Amitriptylin,…
- Ngoài các dạng thuốc uống, tiêm, truyền, bệnh nhân đau lưng có thể sử dụng các dạng thuốc bôi ngoài da, cao dán có chứa Trolamine salicylate, Lidocaine, Capsaicin, Methyl salicylate… để giảm đau tại chỗ hiệu quả.
3. Những lưu ý về thuốc điều trị đau lưng
3.1. Những lưu ý khi sử dụng thuốc
Thuốc Tây được biết đến với tác dụng giảm đau, giảm viêm nhanh chóng, hiệu quả, mang lại cảm giác dễ chịu cho người bị đau lưng. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc Tây không đúng liều lượng có thể dẫn đến những tác dụng không mong muốn ảnh hưởng đến sức khỏe. Thời gian và liều lượng sử dụng thuốc ở mỗi bệnh nhân sẽ không giống nhau. Do đó, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý mua thuốc về sử dụng hoặc thay đổi liều dùng. Ngoài ra, người bệnh cũng cần ghi nhớ một số lưu ý sau khi sử dụng thuốc đau lưng:
- Không tự ý mua và sử dụng bất cứ loại thuốc giảm đau lưng nào khi chưa được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và kê đơn thuốc.
- Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường nào trong quá trình dùng thuốc cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng khắc phục.
- Không tự ý thay đổi liều dùng, loại thuốc đã được kê đơn vì điều này vừa ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, vừa có thể gây tác động xấu cho sức khỏe.
- Luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng.
- Trao đổi với bác sĩ về loại thuốc đang uống (nếu có), bệnh lý đang điều trị nhằm hạn chế nguy cơ thành phần thuốc gây phản ứng phụ lên sức khỏe.
3.2. Kết hợp Y Học hiện đại và Y học cổ truyền
Ngoài việc sử dụng thuốc Tây để giảm đau lưng, bạn có thể tìm hiểu và kết hợp cùng một số biện pháp điều trị khác để nâng cao hiệu quả giảm đau:
- Điều trị bằng phương pháp Đông Y: Với mỗi thể bệnh, các bác sĩ Đông Y sẽ sử dụng các bài thuốc khác nhau, phù hợp với tình trạng của từng bệnh nhân. Một số bài thuốc phổ biến thường được dùng để điều trị tình trạng đau lưng cho bệnh nhân bao gồm Độc Hoạt Ký Sinh Thang, Thân Thống Trục Ứ Thang, Hữu Quy Hoàn, Tứ Diệu Tán,…
- Một số phương pháp điều trị khác: Bấm huyệt, châm cứu,…
Lưu ý: Chỉ sử dụng thuốc điều trị đau lưng theo chỉ định của bác sĩ. Việc sử dụng kết hợp thuốc Đông Y và Tây Y có thể gây ra tác dụng phụ, đặc biệt khi đồng thời sử dụng cả hai loại thuốc dễ dẫn đến tình trạng công thuốc.
3.3. Các biện pháp chăm sóc, hỗ trợ khác giảm tình trạng đau lưng
Bạn có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây để hỗ trợ điều trị tình trạng đau lưng hiệu quả:
- Chế độ dinh dưỡng: Chế độ dinh dưỡng đa dạng các loại thực phẩm, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng, nâng cao chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, bạn hãy chú ý uống đủ nước, ăn nhiều trái cây và rau xanh, bổ sung thêm các loại hạt, các loại đậu, hải sản để giúp duy trì hệ xương khỏe mạnh, hạn chế tình trạng đau lưng. Bạn có thể tham khảo một số thực phẩm tốt cho người đau lưng qua bài viết “Đau lưng ăn gì, kiêng gì?”
- Thay đổi thói quen: Không hút thuốc, không sử dụng chất kích thích, tránh căng thẳng.
- Tư thế hoạt động: Lưu ý tư thế nằm, đi lại, đứng, nâng đồ,… để giúp hỗ trợ cải thiện triệu chứng đau, tránh làm tình trạng đau lưng trở nên nghiêm trọng hơn. Tìm hiểu thêm tư thế dành cho người đau lưng qua bài viết “Tư thế dành cho người đau lưng”.
- Massage hoặc chườm nóng, chườm lạnh giúp giảm đau an toàn, hiệu quả và được khuyến khích cho những bệnh nhân bị đau lưng.
- Sử dụng sản phẩm bảo vệ sức khỏe xương khớp: Bạn có thể tham khảo sản phẩm Thảo Linh Tiên Bình Đông với thành phần thảo dược lành tính, giúp hỗ trợ giảm triệu chứng đau lưng hiệu quả.
- Áp dụng các bài tập yoga và thể dục hỗ trợ giảm đau lưng tại nhà và văn phòng. Tham khảo chi tiết tại bài viết “Bài tập giảm đau lưng”.
- Áp dụng các mẹo dân gian giảm đau lưng tại nhà. Bạn có thể tham khảo một số mẹo giảm đau lưng qua bài viết “Mẹo trị đau lưng”.
3.4. Khi nào cần gặp bác sĩ
Nếu xuất hiện các dấu hiệu đau nhức vùng lưng, bạn nên đến khám ở chuyên khoa cơ, xương, khớp càng sớm càng tốt để được các bác sĩ chẩn đoán, xác định nguyên nhân gây đau lưng và có phác đồ điều trị phù hợp.
Bạn nên đến gặp bác sĩ ngay khi tình trạng đau lưng ngày càng nặng và không có dấu hiệu thuyên giảm. Một số dấu hiệu cảnh báo bao gồm:
- Xuất hiện các cơn đau dữ dội, không có dấu hiệu thuyên giảm.
- Tình trạng đau lưng kéo dài dai dẳng hơn một tuần.
- Xuất hiện một số triệu chứng khác đi kèm như sốt, sụt cân không rõ nguyên nhân, cơn đau lan xuống vùng chân gây cảm giác tê hoặc yếu chân.
- Đau lưng sau chấn thương như té ngã, tai nạn giao thông, hoặc chấn thương khi chơi thể thao.
- Đau lưng kèm theo các triệu chứng liên quan đến thận như tiểu ra máu, tiểu buốt, tiểu rắt,…
- Cơn đau gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày, khiến người bệnh khó khăn trong khi vận động hoặc thực hiện các hoạt động thường ngày.
4. Tổng kết
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn thông tin hữu ích về một số loại thuốc trị đau lưng và một số lưu ý khi sử dụng. Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không tự ý mua thuốc hoặc thay đổi liều lượng thuốc khi chưa có sự cho phép của các bác sĩ. Để nâng cao hiệu quả điều trị, bên cạnh việc sử dụng thuốc Tây y, bạn cần có chế độ sinh hoạt lành mạnh, chế độ ăn hợp lý.
Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo sử dụng các sản phẩm bảo vệ có gốc thảo dược để hỗ trợ giảm đau lưng hiệu quả. Thảo Linh Tiên Bình Đông là sản phẩm bảo vệ sức khỏe được nhiều người lựa chọn, đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng. Với thành phần hoàn toàn từ thảo dược thiên nhiên, Thảo Linh Tiên Bình Đông giúp hỗ trợ giảm nhẹ các cơn đau lưng, là sự lựa chọn hoàn hảo để đẩy lùi các triệu chứng đau nhức xương khớp.
Dược Bình Đông là một trong những thương hiệu Dược phẩm uy tín trên thị trường với hơn 70 kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm có thành phần thảo dược thiên nhiên. Dược Bình Đông luôn chú trọng việc kết hợp công nghệ sản xuất hiện đại với nguyên liệu cổ truyền để đem đến những sản phẩm chất lượng nhất đến tay người tiêu dùng. Liên hệ ngay với chúng tôi qua hotline 028.39.808.808 để được tư vấn về các vấn đề sức khỏe cũng như sản phẩm của Dược Bình Đông nhé!