Rối loạn kinh nguyệt ở giai đoạn tiền mãn kinh là tình trạng phổ biến, hầu hết các chị em phụ nữ đều sẽ gặp phải. Khi xuất hiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh, chị em thường hoang mang và lo lắng. Tuy nhiên, tình trạng này có thể điều trị và kiểm soát được. Cùng Dược Bình Đông xem ngay nội dung bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về rối loạn kinh nguyệt ở giai đoạn tiền mãn kinh và cách chữa trị nhé!
1. Tổng quan về rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh
1.1. Đôi nét về kinh nguyệt
Kinh nguyệt là hiện tượng bong tróc lớp niêm mạc tử cung và đào thải ra ngoài cơ thể thông qua âm đạo. Chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh này đến ngày đầu tiên của kỳ kinh tiếp theo, thường sẽ dài khoảng từ 21 – 35 ngày. Thời gian hành kinh, hay còn gọi là thời gian chảy máu kinh, thường kéo dài từ 3 – 7 ngày. Lượng máu kinh trung bình trong mỗi chu kỳ là từ 30 đến 80ml.
Khi bước vào tuổi dậy thì, thường khoảng 12 tuổi thì bắt đầu có kinh nguyệt. Kỳ kinh nguyệt đầu tiên có thể bắt đầu sớm hơn lúc 8 tuổi (có kinh sớm) và muộn nhất vào lúc 16 tuổi (có kinh trễ). Kinh nguyệt kết thúc khi bước vào giai đoạn mãn kinh, khoảng sau 45-55 tuổi.
1.2. Rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh
Tiền mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp tự nhiên mà tất cả phụ nữ đều trải qua trước khi mãn kinh và thường sẽ kéo dài từ 2 – 5 năm. Trong giai đoạn này, nồng độ các hormone sinh dục nữ, đặc biệt là Estrogen và Progesterone sẽ dần suy giảm. Sự thay đổi nội tiết tố này ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng buồng trứng. Hai hormone khác là LH (Luteinizing hormone) và FSH (Follicle-stimulating hormone) có vai trò điều hòa và kích thích buồng trứng hoạt động lại tăng lên. Điều này dẫn đến cơ thể bị rối loạn kinh nguyệt và một số vấn đề khác.
Mỗi người gặp vấn đề rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh sẽ có những biểu hiện khác nhau. Trong đó, các triệu chứng dưới đây là những biểu hiện thường gặp nhất:
- Bất thường về chu kỳ kinh
- Kinh thưa: Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn 35 ngày.
- Kinh mau: Chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn 22 ngày.
- Bế kinh: Mất kinh hoặc tắc kinh liên tiếp từ 3 tháng.
- Vô kinh: Không có kinh hoặc mất kinh trên 6 tháng.
- Bất thường về máu kinh
- Cường kinh (Băng kinh): Lượng máu kinh lớn hơn 200ml mỗi kỳ.
- Thiểu kinh: Thời gian hành kinh dưới 2 ngày và lượng máu kinh dưới 20ml mỗi kỳ.
- Rong kinh: Số ngày hành kinh kéo dài trên 7 ngày.
- Tính chất máu: Có màu sắc khác lạ, có thể là màu đen, nâu đen và bị vón thành những cục máu đông.
- Các bất thường khác
- Đau bụng kinh (thống kinh) kèm theo mệt mỏi, buồn nôn, nôn, ngất xỉu.
- Các dấu hiệu khác trong giai đoạn tiền mãn kinh: Bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, chóng mặt, dễ tăng cân, trí nhớ giảm, mắt và miệng bị khô, da khô, rụng tóc, móng giòn dễ gãy, rối loạn chức năng tình dục,…
1.3. Rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh có nguy hiểm không?
Rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh là hiện tượng sinh lý bình thường và thường không đáng lo ngại. Nhưng trong 1 số trường hợp, tình trạng này có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của một số bệnh lý nguy hiểm như hội chứng buồng trứng đa nang, ung thư cổ tử cung, u xơ tử cung, viêm nội mạc tử cung,… Để đảm bảo an toàn, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay nếu gặp các triệu chứng bất thường sau:
- Chảy máu nhiều bất thường.
- Có kinh thường xuyên hơn ba tuần một lần.
- Kỳ kinh kéo dài hơn bình thường.
- Chảy máu khi quan hệ tình dục hoặc giữa các kỳ kinh.
- Không có kinh trong 12 tháng liên tục (mãn kinh) và hiện đang bị ra máu trở lại.
- Cảm giác đau ở vùng bụng, xương chậu khi có kinh.
2. Nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh
2.1. Nguyên nhân sinh lý
Dưới đây là một số yếu tố sinh lý có thể gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh:
- Tuổi tác, rối loạn nội tiết tố: Khi phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, hệ thống nội tiết tố bắt đầu thay đổi do chức năng, hoạt động của buồng trứng và tuyến yên dần suy yếu. Hai hormone quan trọng là Estrogen và Progesterone vốn đóng vai trò chủ chốt trong việc điều hòa quá trình rụng trứng, tạo ra kinh nguyệt, cũng có sự thay đổi đáng kể về nồng độ, dẫn đến những thay đổi bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt.
- Thói quen sống không lành mạnh: Thói quen sống không lành mạnh chính là “thủ phạm” chính dẫn đến tình trạng rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh. Thức khuya, ăn uống thất thường, lạm dụng hóa mỹ phẩm, kiêng khem quá mức hay sử dụng rượu bia, thuốc lá,…là những yếu tố khiến sức khỏe dần suy giảm, đẩy nhanh quá trình lão hóa và làm hệ nội tiết hoạt động không ổn định, gây ra vấn đề rối loạn kinh nguyệt.
- Thay đổi cảm xúc: Bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, phụ nữ thường đối mặt với các vấn đề nội tiết tố, dẫn đến hàng loạt thay đổi về tâm sinh lý. Nổi bật nhất là tình trạng căng thẳng, bốc hỏa, lo lắng thái quá, kéo dài dẫn đến stress mãn tính. Các vấn đề này có thể gây ra rối loạn kinh nguyệt, rong kinh, mất kinh đột ngột hoặc bị đau bụng dữ dội trong thời gian đang hành kinh.
2.2 Nguyên nhân bệnh lý
2.2.1. Do bệnh lý phụ khoa
Cùng với sự thay đổi nội tiết tố, phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh cũng dễ dàng “va vấp” vào nhiều bệnh lý phụ khoa như: viêm buồng trứng, suy buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, polyp tử cung, viêm lộ tuyến cổ tử cung,… Những bệnh lý này sẽ cản trở đến chức năng các cơ quan sinh dục và gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt cùng một số triệu chứng bệnh lý phụ khoa thường gặp khác.
2.2.2. Bệnh ung thư
Ở giai đoạn tiền mãn kinh, phụ nữ đối mặt với nguy cơ cao mắc các bệnh ung thư phụ khoa như ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung hay ung thư niêm mạc tử cung. Các tế bào ung thư này sẽ phá hoạt hoạt động của các cơ quan sinh dục, gây ra những triệu chứng bất thường như ra máu bất thường, xuất huyết tử cung, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt,…
3. Chẩn đoán rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh
Để xác định nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám phụ khoa và thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Trước khi đi khám, bạn nên ghi chép đầy đủ thông tin về chu kỳ kinh nguyệt của mình, bao gồm ngày bắt đầu và kết thúc, lượng máu và các triệu chứng bất thường gặp phải.
Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm bổ sung để tăng độ chính xác cho chẩn đoán như xét nghiệm nội tiết tố, xét nghiệm máu, siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI), nội soi buồng tử cung, nội soi ổ bụng hay sinh thiết nội mạc tử cung.
4. Phương pháp điều trị rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh
Rối loạn kinh nguyệt là hiện tượng thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt trong độ tuổi tiền mãn kinh do sự thay đổi nội tiết tố. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng bình thường. Bạn hãy tìm đến bác sĩ nếu cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường để được thăm khám và điều trị kịp thời.
4.1. Phương pháp Tây y
Nếu tình trạng rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh xảy ra do bệnh lý, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng các biện pháp điều trị cụ thể, tương thích với tình trạng bệnh của từng người. Ngoài ra, bác sĩ có thể sẽ chỉ định bạn sử dụng các loại thuốc Tây y như thuốc tránh thai, thuốc chống viêm không steroid, viên uống bổ sung sắt, thuốc nội tiết tố,… Bạn không được tự ý dùng thuốc khi chưa có sự tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa để tránh xảy ra các vấn đề nguy hiểm đến sức khỏe.
4.2. Phương pháp Đông y
Theo Đông y, phụ nữ bước qua độ tuổi 40 thì chức năng của lục phủ ngũ tạng dần bị suy yếu, đặc biệt là thận khí hư suy. Thận khí suy kiệt khiến cơ thể phụ nữ bị mất cân bằng âm dương, khí huyết không điều hòa, chức năng tạng phủ kinh lạc bị rối loạn, từ đó dẫn đến thời kỳ tiền mãn kinh với triệu chứng điển hình là rối loạn kinh nguyệt.
Để dùng thuốc chữa trị rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh, phải căn cứ vào triệu chứng cụ thể ở từng người, mà chọn dùng những bài thuốc thích ứng. Dưới đây là một số bài thuốc tham khảo:
Tri Bá Địa Hoàng Hoàn gia giảm
- Công dụng: Chữa kinh sớm ra ít hoặc kinh trễ ra nhiều hoặc tắt kinh đột ngột.
- Nguyên liệu: 20g Sinh mẫu lệ, 20g Sinh long cốt, 20g Qui bản, 12g Sinh địa, 12g Thục địa, 12g Tri mẫu, 12g Địa cốt bì, 12g Đơn bì, 12g Phục linh, 12g Hoàng bá, 12g Trạch tả, 10g Sơn thù.
- Cách dùng: Sắc thuốc với 750ml nước đến khi nước thuốc cô đặc còn 300ml. Chia làm 2 phần, uống khi còn ấm, trước bữa ăn 15 – 20 phút.
Quy Tỳ Thang gia giảm
- Công dụng: Chữa kinh nguyệt kéo dài dai dẳng.
- Nguyên liệu: 20g Hoàng kỳ, 15g Đẳng sâm, 12g Bạch truật, 12g Toan táo nhân, 12g Phục thần, 9g Đương quy, 9g Long nhãn, 6g Viễn chí, 6g Mộc hương, 6g Cam thảo (nướng).
- Cách dùng: Sắc với 1.000ml nước đến khi còn 300ml, chia ra uống 3 lần trong ngày, uống khi đói bụng.
Thận Khí Hoàn gia giảm
- Công dụng: Chữa kinh nguyệt không đều, kinh đến sớm hoặc ra nhiều.
- Nguyên liệu: 20g Táo nhân, 12g Sơn thù, 12g Bạch linh, 12g Hoài sơn, 12g Thục địa, 12g Đan bì, 12g Trạch tả, 10g Bạch truật, 10 Bá tử nhân, 4g Nhục quế, 4g Phụ tử.
- Cách dùng: Sắc thuốc với 750ml nước đến khi nước thuốc cô đặc còn 300ml. Chia làm 2 phần, uống khi còn ấm, trước bữa ăn 15 – 20 phút.
Bài thuốc bổ huyết, hoạt huyết
- Công dụng: Chữa kinh nguyệt ra ít, kinh loãng hoặc rong kinh.
- Nguyên liệu: 30g Hoàng kỳ (sống), 12g Đương quy, 12g Sinh địa, 12g Đào nhân, 12g Sài hồ, 12g Xích thược, 12g Bạch linh, 12g Ngưu tất, 10g Xuyên khung, 10g Hồng hoa, 10g Chỉ xác, 10g Sơn tra, 10g Trúc nhự, 10g Trần bì, 3g Cam thảo.
- Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang.
4.3. Phương pháp hỗ trợ tại nhà
Ngoài việc áp dụng các phương pháp trên, bạn có thể thực hiện các phương pháp hỗ trợ tại nhà sau đây để nâng cao hiệu quả điều trị rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh:
- Thực hiện chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh: Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa kinh nguyệt. Việc bổ sung các dưỡng chất cần thiết và hạn chế thực phẩm không tốt cho sức khỏe sẽ giúp cải thiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt, mang lại chu kỳ đều đặn và giảm các triệu chứng khó chịu. Một số loại thực phẩm mà bạn nên sử dụng có thể kể đến như nha đam, trứng, các loại cá giàu omega-3,… Đồng thời, bạn cần tránh xa các loại rượu bia, thuốc lá, thực phẩm chế biến sẵn và nhiều đường,…
- Nghỉ ngơi, chườm ấm giảm đau bụng kinh: Khi bị đau bụng kinh, điều quan trọng là bạn cần dành thời gian nghỉ ngơi để cơ thể được thư giãn. Ngoài ra, chườm ấm cũng là phương pháp đơn giản và hiệu quả giúp giảm đau bụng kinh.
- Thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt: Thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt là một cách hiệu quả để điều hòa kinh nguyệt. Do đó, bạn hãy ngủ đủ 7 – 8 tiếng mỗi đêm để cơ thể được nghỉ ngơi và phục hồi. Ngoài ra, bạn cũng hãy lựa chọn các bài tập phù hợp với sức khỏe và sở thích của bạn như đi bộ, chạy bộ, yoga, bơi lội,… để tránh tập luyện quá sức gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ: Vệ sinh vùng kín sạch sẽ là một việc quan trọng giúp giữ cho vùng kín luôn khỏe mạnh và phòng ngừa các bệnh phụ khoa, một trong các nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh.
5. Phòng ngừa rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh
Để phòng ngừa mắc phải tình trạng rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh, bạn hãy:
- Thực hiện chế độ ăn uống một cách khoa học, lành mạnh.
- Luôn giữ tinh thần trong trạng thái thoải mái, vui vẻ.
- Thường xuyên vệ sinh vùng kín và thay băng vệ sinh 4 tiếng 1 lần trong thời gian hành kinh.
- Khám phụ khoa định kỳ 6 tháng 1 lần để sớm phát hiện các bệnh lý và có phương pháp điều trị kịp thời.
6. Tổng kết
Vậy là bạn đã vừa cùng Dược Bình Đông tìm hiểu về vấn đề rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh, nguyên nhân và cách chữa trị hiệu quả. Dù là tình trạng xuất hiện phổ biến ở phụ nữ tiền mãn kinh nhưng bạn đừng nên chủ quan mà hãy thường xuyên theo dõi cơ thể và tìm đến bác sĩ nếu có các triệu chứng bất thường.
Dược Bình Đông – Công ty dược phẩm uy tín hàng đầu Việt Nam với hơn 70 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Đông y. Các sản phẩm của Dược Bình Đông đều được bào chế từ 100% thảo dược thiên nhiên, được kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ khâu nguyên liệu đầu vào đến khâu thành phẩm cuối cùng. Do đó, các sản phẩm của công ty đều chất lượng cao, an toàn và hiệu quả cho người sử dụng. Vui lòng liên hệ ngay với Dược Bình Đông qua số hotline (028) 39 808 808 để trò chuyện với đội ngũ chuyên gia về các vấn đề sức khỏe.