Tìm kiếm

Hen phế quản ở trẻ: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị

hen phế quản hen suyễn ở trẻ em

Hen phế quản ở trẻ là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ phải đến khoa cấp cứu, nhập viện và tạm nghỉ học. Các triệu chứng của bệnh gây khó chịu, cản trở hoạt động vui chơi, thể thao, học tập và thậm chí là ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Hãy cùng Dược Bình Đông tìm hiểu nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị hen phế quản ở trẻ trong bài viết này nhé!

1. Tổng quát về hen phế quản ở trẻ em

Hen phế quản (hay còn gọi là hen suyễn) là một bệnh về đường hô hấp khiến phế quản bị co thắt và gây khó thở do tăng tiết dịch nhầy. Căn nguyên của bệnh do nhiều yếu tố gây ra, đặc biệt là do sự kết hợp giữa yếu tố cơ địa và môi trường có thể làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Khi trẻ bị hen suyễn, phổi và đường thở dễ bị viêm khi tiếp xúc với một số tác nhân, ví dụ như: hít phải phấn hoa, hoặc bị nhiễm trùng đường hô hấp, hoặc bị cảm lạnh,…

Bệnh hen phế quản ở trẻ em không khác gì so với ở người lớn. Thậm chí, trẻ nhỏ còn có nguy cơ gặp nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn và có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh và thường tái đi tái lại với các triệu chứng như ho khò khè. Thật không may, bệnh hen suyễn ở trẻ em khó có thể chữa khỏi và các triệu chứng có thể tiếp diễn đến tuổi trưởng thành.

hen phế quản ở trẻ em

Hen phế quản ở trẻ là căn bệnh hô hấp cực kỳ phổ biến

Khi xuất hiện những cơn hen, trẻ nhỏ sẽ bị cản trở việc vui chơi, thể thao, học tập và chất lượng giấc ngủ cũng sụt giảm. Ở một số trẻ em, khi bệnh không được kiểm soát có thể gây ra các cơn hen cấp nguy hiểm. Bố mẹ cần chú ý đưa trẻ đi bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm.

2. Các triệu chứng thường gặp hen phế quản ở trẻ em?

Các dấu hiệu và triệu chứng hen phế quản điển hình ở trẻ em bao gồm:

  • Ho, các cơn ho thường trở nên trầm trọng hơn khi trẻ bị nhiễm virus. Ho xảy ra khi trẻ đang ngủ, bị kích thích khi vận động hoặc gặp không khí lạnh,…
  • Có tiếng rít hay khò khè khi thở ra.
  • Tắc nghẽn đường thở, tức ngực, khó thở,…

Bên cạnh các triệu chứng điển hình kể trên thì trẻ em cũng có thể gặp phải các vấn đề như:

  • Mất ngủ hoặc ngủ không ngon do khó thở, ho hoặc thở khò khè.
  • Mệt mỏi do chất lượng giấc ngủ suy giảm.
  • Khó thở cản trở việc vui chơi hoặc vận động, tập thể dục thể thao,…
  • Phục hồi chậm hoặc có thể tiến triển thành viêm phế quản sau khi bị nhiễm trùng đường hô hấp.

Tuy nhiên, các triệu chứng của hen phế quản rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh về đường hô hấp khác, chẳng hạn như: viêm phế quản, viêm phổi,… Do đó, để xác định chính xác bệnh lý mắc phải, bố mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám, kiểm tra tình trạng sức khỏe và đưa ra phương án điều trị tốt nhất.

3. Nguyên nhân dẫn đến hen phế quản ở trẻ và các yếu tố nguy cơ

3.1. Các tác nhân dị ứng

Hen phế quản ở trẻ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong đó, tác nhân dị ứng là nguyên nhân thường hay gặp nhất:

  • Dị nguyên đường hô hấp: bụi nhà, nấm mốc, phấn hoa, lông động vật (như chó, mèo), khói thuốc lá,… Ngoài ra còn có thể kể đến các chất trong công nghiệp như: khói xăng dầu, bụi kim loại, mùi sơn,…

Lông chó, mèo là một trong các dị nguyên có thể gây cơn hen cấp

  • Dị nguyên thực phẩm: các loại hải sản (như tôm, cua, cá, mực…), trứng, lạc,… 
  • Thuốc: một số loại thuốc cũng có nguy cơ khởi phát cơn hen suyễn, chẳng hạn như aspirin, penicillin,… 
  • Nhiễm khuẩn: viêm họng, viêm mũi, viêm xoang, viêm amidan và các bệnh viêm đường hô hấp trên khác cũng là nguyên nhân gây nên cơn hen phế quản ở những trẻ có cơ địa dị ứng.

3.2. Các tác nhân không dị ứng

Bên cạnh đó, một số yếu tố về di truyền, cơ địa và tâm lý cũng là nguyên nhân dẫn đến cơn hen ở trẻ:

  • Di truyền: đối với những trẻ có bố mẹ bị hen phế quản thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn rất nhiều.
  • Cơ địa: khi gặp phải những dị nguyên, trẻ có cơ địa dị ứng sẽ dễ bị khởi phát những cơn hen phế quản. 
  • Tâm lý: Trẻ bị căng thẳng, lo âu và gặp phải những vấn đề về tâm lý.

4. Phương pháp chẩn đoán hen phế quản ở trẻ em

Phương pháp chẩn đoán hen phế quản ở trẻ em bao gồm 3 bước:

  • Bước 1: Tiền sử bệnh và điều trị của trẻ
  • Bước 2: Khám lâm sàng
  • Bước 3: Đánh giá chức năng hô hấp và các xét nghiệm khác

4.1. Tiền sử bệnh và điều trị của trẻ

Trẻ đã từng bị tái phát các triệu chứng như:

  • Ho
  • Thở khò khè
  • Thở nông, thở gấp
  • Tức ngực

Các triệu chứng hen phế quản ở trẻ em chủ yếu diễn ra vào ban đêm với mức độ nghiêm trọng hơn và dễ khiến trẻ thức giấc. Bệnh có thể trở nên tồi tệ hơn khi trẻ bị nhiễm virus; hoặc tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như: lông thú cưng, phấn hoa, khói bụi, nấm mốc, thay đổi thời tiết; hoặc hoạt động gắng sức như tập thể dục.

Bệnh hen phế quản ở trẻ nhỏ thường không được chẩn đoán đúng mức, đặc biệt là khi trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp nhưng không được điều trị thích hợp. Do đó, nên xem xét chẩn đoán hen ở trẻ nhỏ với các chẩn đoán lặp lại thường xuyên, chẳng hạn như:

  • Viêm phế quản dị ứng
  • Viêm phế quản thở khò khè
  • Viêm phế quản hen
  • Viêm phổi tái phát
  • Viêm tiểu phế quản tái phát

Bệnh thường bị bỏ sót khi chẩn đoán vì nhiều lý do:

  • Rò khí quản thực quản ở trẻ em
  • Trẻ có dị vật trong đường thở
  • Tăng áp động mạch phổi ở trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh
  • Trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản
  • Trẻ bị hạch lao hoặc u trung thất
  • Trẻ suy giảm miễn dịch
  • Trẻ bị loạn sản phế quản phổi

Việc chẩn đoán hen ở trẻ em cũng cần dựa vào các dấu hiệu đáng ngờ như:

  • Trẻ tím tái và nôn trớ khi ăn
  • Trẻ chậm tăng cân
  • Ngón tay trẻ có hình dùi trống
  • Trẻ không đáp ứng với điều trị hen suyễn thích hợp

4.2. Khám lâm sàng

Khám lâm sàng cần đánh giá nhanh mức độ cơn hen của trẻ để xử trí kịp thời:

  • Cơn hen nhẹ: Trẻ tỉnh táo, tình trạng khó thở chỉ xảy ra khi gắng sức và có thể nằm xuống được. Trẻ khó thở nhưng lồng ngực không rút lõm. SpO2 > 95%.
  • Cơn hen trung bình: Trẻ tỉnh táo, có triệu chứng khó thở rõ ràng và có thể không nằm được. Trẻ khó thở và có biểu hiện rút lõm lồng ngực. SpO2 đo được nằm trong khoảng 92 – 95%.
  • Cơn hen nặng: Trẻ vật vã và thường xuyên khó thở, không ngồi dậy được mà phải nằm đầu cao. Trẻ thở nhanh và rút lõm lồng ngực rõ ràng. SpO2<92%.
  • Cơn hen nguy kịch: Trẻ tím tái, lơ mơ, bất tỉnh, thở chậm hoặc có cơn ngừng thở. Tiếng rì rào phế nang giảm hoặc không nghe được. SpO2<92%.

Để chẩn đoán đúng cho trẻ cần có sự theo dõi sát sao của bác sĩ

4.3. Phương pháp đánh giá chức năng hô hấp và các xét nghiệm khác

Các phương pháp đánh giá chức năng hô hấp và các xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán bệnh hen phế quản ở trẻ em bao gồm:

  • Hô hấp ký: Đo chức năng hô hấp dựa trên các chỉ số FEV1, FVC, FEV1/FVC. Kết quả cho thấy hội chứng tắc nghẽn đáp ứng với kích thích β2 nếu giảm FEV1, tỷ lệ FEV1/FVC < 0,8 và FEV1 tăng đến 200ml tương đương 12% sau khi sử dụng thuốc giãn phế quản.
  • Đo lưu lượng đỉnh: Đo và theo dõi lưu lượng đỉnh thở ra (PEF) của trẻ trong 1 đến 2 tuần khi trẻ có các triệu chứng hen suyễn nhưng kết quả hô hấp ký bình thường. Ngoài ra, chỉ số này còn giúp đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh để bác sĩ đưa ra phương án điều trị phù hợp cho trẻ.
  • Đo NO thở ra: Đây là xét nghiệm đo chỉ số sinh học không xâm lấn dành cho trẻ bị viêm khi khò khè tái phát. Các phép đo NO thường tăng ở người bệnh hen hoặc trong các cơn hen cấp tính; và giảm khi người bệnh được điều trị bằng corticosteroid dạng hít hoặc đường uống. Xét nghiệm này chính xác trong hơn 80% trường hợp hen phế quản.

4.4. Tiêu chuẩn chẩn đoán hen phế quản ở trẻ em

Chẩn đoán hen phế quản ở trẻ em dựa vào 5 tiêu chuẩn sau:

  • Khò khè ± ho tái đi tái lại.
  • Hội chứng tắc nghẽn đường thở: biểu hiện lâm sàng có ran rít, ran ngáy (± dao động xung ký).
  • Có đáp ứng thuốc giãn phế quản và/hoặc đáp ứng với điều trị thử nghiệm (4-8 tuần) và xấu đi khi ngưng thuốc.
  • Có tiền sử bản thân hay gia đình dị ứng ± có yếu tố khởi phát.
  • Đã loại trừ các nguyên nhân gây khò khè khác.

5. Phương pháp điều trị hen phế quản ở trẻ em 

Để điều trị hen phế quản ở trẻ đúng cách, phụ huynh cần chú ý đến mức độ, tình trạng bệnh của trẻ và các loại thuốc sử dụng.

5.1. Thuốc điều trị hen phế quản

Trong điều trị hen phế quản ở trẻ, bố mẹ cần chú ý thực hiện đúng theo đơn thuốc bác sĩ kê. 2 nhóm thuốc thường được sử dụng là:

  • Thuốc cắt cơn hen phổ biến hiện nay: Salbutamol, Terbutaline,… với 2 dạng dùng là dạng phun khí dung hoặc dạng xịt có định liều.
  • Thuốc kiểm soát cơn hen giúp ngăn ngừa cơn hen khởi phát, thường gồm thuốc giãn phế quản có tác dụng dài và thuốc chống viêm. Các loại corticoid được dùng dạng hít: budesonide, fluticasone hoặc kết hợp budesonide-formoterol, fluticasone-salmeterol,…

5.2. Tùy theo mức độ và tình hình bệnh trạng của trẻ

Trong điều trị hen phế quản trẻ em cần chú ý phân loại theo mức độ và bệnh trạng của trẻ để có hướng điều trị tương ứng.

Với cơn hen nhẹ ở trẻ

Bác sĩ thường dùng bình xịt khí dung Salbutamol 0,05-0,15mg/kg, nhắc lại sau 30 phút hoặc cho uống thuốc giãn phế quản như: Salbutamol, Terbutaline Sulfate. Trong quá trình điều trị hen nhẹ, lúc nào cũng cần phải làm thông mũi, thông thoáng đường thở với dung dịch xịt mũi với thành phần nước biển sâu. Sau 1 giờ cần tiến hành đánh giá tình trạng của trẻ.

Với cơn hen vừa

Các bác sĩ sử dụng kết hợp khí dung của Salbutamol với Corticosteroid dạng khí dung như Fluticasone Propionate, Budesonide và các loại khác để giãn mở phế quản.

Với cơn hen nặng

Cung cấp Oxy bằng mặt nạ – khí dung Salbutamol cộng với Ipratropium sau mỗi 20 phút trong 3 lần (đánh giá lại sau mỗi lần xịt) – Hydrocortisone hoặc Methylprednisolone.

Với cơn hen trở nặng (cơn hen ác tính)

Trẻ phải nhập viện cấp cứu, thở bằng oxy, khí dung hoặc tiêm thuốc giãn phế quản qua đường tĩnh mạch, sử dụng thuốc corticoid; trường hợp nặng hơn có thể phải đặt nội khí quản, thở máy.

Tùy theo mức độ bệnh ở trẻ, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp

6. Cách phòng ngừa hen phế quản ở trẻ em

Để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và sự khó chịu của các triệu chứng hen phế quản ở trẻ cần có biện pháp phòng ngừa kịp thời và hiệu quả. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho bố mẹ:

  • Giữ trẻ tránh xa khói, bụi từ bếp than, bếp củi, khói thuốc lá, tàn thuốc lá,…
  • Không nên nuôi mèo, chó,… và len/thảm trong nhà vì trẻ dễ hít phải lông dẫn đến khởi phát cơn hen phế quản.
  • Cần lưu ý những thức ăn có chứa các thành phần dễ gây dị ứng cho trẻ, chẳng hạn như: tôm, cua, ghẹ, ốc,…
  • Không cho trẻ vui chơi, vận động quá nhiều trong thời gian điều trị dự phòng hen phế quản.
  • Giữ ấm cho bé vào mùa lạnh, tắm nước nóng, không tắm quá lâu.
  • Theo dõi cân nặng của trẻ để tránh béo phì, tăng cân quá mức.
  • Tập cho trẻ thói quen ăn nhiều loại trái cây và rau củ, đặc biệt là táo và rau tươi có tác dụng tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh hen suyễn.

Ăn nhiều loại trái cây và rau củ là một trong các biện pháp phòng ngừa hen suyễn cho trẻ

7. Hướng dẫn chăm sóc trẻ mắc hen phế quản đúng cách

Hen phế quản là bệnh mãn tính nên việc điều trị cần có sự quan tâm, kiên nhẫn của bố mẹ cũng như sự tư vấn của bác sĩ. Để có thể chăm sóc trẻ đúng cách, bố mẹ cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị và phòng ngừa để kiểm soát hen hiệu quả và lưu ý các dấu hiệu để đưa trẻ đến bệnh viện ngay.

7.1. Cách cắt cơn hen cấp tại nhà

Khi trẻ có dấu hiệu lên cơn hen cấp, việc đầu tiên cần làm (nếu có thể) là tránh các tác nhân làm khởi phát cơn hen như: phấn hoa, lông động vật, khói thuốc lá, bếp than, hóa chất,… Tiếp theo là sử dụng thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh dạng hít đã được bác sĩ kê toa và hướng dẫn sử dụng tại nhà.

Cần nhớ rằng, dù bệnh hen phế quản của trẻ có được kiểm soát hoàn toàn hay không thì việc luôn mang theo ống hít cắt cơn là cần thiết. Điều này giúp tránh được những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra. Tuy nhiên, đừng bao giờ lạm dụng thuốc cắt cơn hen.

Khi trẻ bị lên cơn hen cấp nhiều hơn 1 lần trong một tuần (nghĩa là ít nhất 4 cơn hen trong 1 tháng), có hơn 2 lần trong 1 tháng trẻ bị tỉnh giấc vì cơn hen hoặc việc dùng thuốc cắt cơn hen của trẻ lặp lại mỗi ngày. Đây là những trường hợp chứng tỏ cơn hen chưa được kiểm soát. Lúc này, bạn cần đưa con đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, tư vấn và điều chỉnh liều lượng thuốc cắt cơn cấp, chống phù nề.

hen phế quản hen suyễn ở trẻ em

Luôn mang theo ống hít cắt cơn bên cạnh trẻ

7.2. Biện pháp dự phòng cơn hen

Tùy theo cơ địa và tình trạng sức khỏe của trẻ, mức độ nghiêm trọng của bệnh hen phế quản sẽ khác nhau. Do đó, thuốc điều trị dự phòng cần được bác sĩ chuyên khoa theo dõi, giám sát, kê đơn và hướng dẫn dùng phù hợp nhất. Phụ huynh cần thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ để hỗ trợ kiểm soát cơn hen cho con mình.

Bệnh sẽ có tiến triển tùy thuộc vào độ tuổi, thời gian cũng như kết quả của việc điều trị dự phòng. Vì vậy, phụ huynh cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để điều chỉnh thuốc dự phòng mỗi tháng 1 lần. Kết quả kiểm soát bệnh hen phụ thuộc phần lớn vào phụ huynh nhắc nhở, hướng dẫn trẻ tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.

7.3. Chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi

Bên cạnh việc dùng thuốc dự phòng theo hướng dẫn của bác sĩ, bố mẹ cũng cần lưu ý những vấn đề sau để kiểm soát tốt bệnh hen suyễn của con mình. Đó là:

  • Tránh cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá, bếp than, phấn hoa, lông chó mèo,…
  • Dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường sống; thay chăn, ga, gối nệm mỗi tuần 1 lần; vệ sinh máy lạnh 3 tháng 1 lần. Không sử dụng thảm và hạn chế sử dụng các loại xịt có mùi thơm, chẳng hạn như thuốc xịt ruồi muỗi, nước hoa,… 
  • Đồ chơi của trẻ cần được vệ sinh thường xuyên. Tránh cho trẻ chơi với thú nhồi bông. Không sử dụng lông vũ nếu trẻ bị dị ứng với chúng.
  • Cho trẻ ăn uống khoa học và vận động hợp lý. Bố mẹ nên loại bỏ những thức ăn mà trẻ bị dị ứng. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên lưu ý tránh cho trẻ ăn đồ quá mặn, đồ muối chua, củ quả sấy khô, thức uống có gas,… để hạn chế tình trạng hen phế quản ở trẻ tiến triển nặng hơn. Cùng với đó, bố mẹ nên nấu cho bé ăn các món ăn hỗ trợ bổ phổi, bổ sung thêm thực phẩm tốt cho phổi giàu magie, omega-3, vitamin C, vitamin E,… giúp tăng sức đề kháng và cải thiện tình trạng khó thở cho trẻ. 

Tìm hiểu thêm: Các loại thuốc bổ phổi hỗ trợ cho phổi khỏe mạnh

8. Tổng kết

Hen phế quản ở trẻ là bệnh mãn tính rất nguy hiểm và không thể điều trị dứt điểm. Vì vậy trẻ cần được điều trị và chăm sóc đúng cách để có thể kiểm soát các cơn hen hiệu quả. Hy vọng qua bài viết này, bố mẹ sẽ biết cách chăm sóc và hướng dẫn trẻ chăm sóc bản thân để giảm thiểu nguy cơ khởi phát cơn hen phế quản.

Bên cạnh việc điều trị đúng cách, kết hợp ăn uống nghỉ ngơi và hạn chế tiếp xúc với các tác nhân kích thích cơn hen; bố mẹ có thể cho bé sử dụng sản phẩm bảo vệ sức khỏe phổi Thiên Môn Bổ Phổi 90ml dành cho Trẻ Em của Dược Bình Đông. Sản phẩm được bào chế từ những thành phần thiên nhiên như: Cát cánh, Tang bạch bì, Mạch môn, Tỳ bà diệp, Tang diệp, Bạc hà, Trần bì, Tô tử và Kinh giới. Sự kết hợp của các loại thảo dược này có công dụng bổ phổi hỗ trợ giảm triệu chứng ho, trẻ ho lâu ngày, trẻ bị ho về đêm, tăng tiết đờm, nghẹt mũi, hắt hơi, chảy nước mũi,… và giúp phổi khỏe mạnh hơn. Lưu ý, chỉ dùng sản phẩm cho trẻ từ 3 – 10 tuổi

Thiên Môn Bổ Phổi 90ml dành cho Trẻ Em

Thiên Môn Bổ Phổi Trẻ Em là sản phẩm chăm sóc sức khỏe đến từ công ty Dược Bình Đông – thương hiệu hơn 70 năm hình thành và phát triển. Các sản phẩm của công ty luôn nhận được sự tin tưởng của khách hàng bởi hiệu quả và chất lượng đem lại. Nếu bạn đang quan tâm đến Thiên Môn Bổ Phổi 90ml dành cho Trẻ Em, hãy liên hệ ngay hotline 028.39.808.808 để được Dược Bình Đông hỗ trợ sớm nhất nhé!

Thiên môn bổ phổi điều trị các vấn đề liên quan đến phổi

Đánh giá bài viết này

0 / 5

Your page rank:

Đang cập nhật
Liên hệ với Dược Bình Đông để được tư vấn miễn phí
Bình luận
0 0 đánh giá
5
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Bài viết liên quan
Bằng tất cả sự tận tụy và tâm huyết, Dược Bình Đông luôn trung thành với tôn chỉ "Thành quả chúng tôi không phải tiền bạc mà là sức khỏe và sự tin tưởng của khách hàng".

Tư vấn miễn phí

Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn các vấn đề sức khỏe mà bạn cần. Hãy để lại lời nhắn, chúng tôi sẽ phản hồi ngay!

(Các thông tin cung cấp đều được bảo mật)