Số lượng người dương tính ngày càng tăng khiến hệ thống y tế bị quá tải, vì thế Bộ Y Tế đưa ra giải pháp cho phép các F0 cách ly tại nhà. Vậy làm thế nào chăm sóc người mắc Covid 19. Hãy cùng Dược Bình Đông tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây!
1. Các triệu chứng của người mắc Covid 19
Theo khảo sát hiện nay có hơn 80% người bệnh có triệu chứng sau khoảng 7-10 ngày không bị viêm phổi hay suy hô hấp sẽ hết sốt và giảm dần các triệu chứng và khỏi bệnh. Một số trường hợp không có biểu hiện triệu chứng.
Còn gần 20% người bệnh sẽ có diễn biến nặng, thời gian từ khi có triệu chứng ban đầu cho tới khi có diễn biến nặng thường mất khoảng 5-8 ngày. Tử vong thường xảy ra nhiều ở người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch, người mắc bệnh mãn tính.
Một số triệu chứng có thể gặp ở người mắc covid 19:
- Triệu chứng thường gặp như sốt, mệt mỏi, ho khan.
- Triệu chứng ít gặp như đau họng, đau nhức cơ thể, tiêu chảy, mất vị giác hoặc khứu giác, viêm kết mạc ở mắt, da nổi mẩn hay ngón tay, ngón chân bị tấy đỏ, tím tái.
- Triệu chứng nghiêm trọng như khó thở, mất khả năng nói hoặc cử động, đau hoặc tức ngực.
2. Khi trở thành F0 cần làm gì?
Đi cách ly:
- Người cần đi cách ly là những người có triệu chứng, người có bệnh nền, người trên 60 tuổi, người béo phì, hay những người không có triệu chứng nhưng ở nhà không đảm bảo việc cách ly.
- Khi đi cách ly cần chuẩn bị:
- (1) Quần áo, chăn màn: chỉ mang đủ để thay đổi và giặt hàng ngày, khẩu trang y tế, kính chắn giọt bắn,… tối giản nhất có thể
- (2) Đồ dùng vệ sinh cá nhân như bàn chải, kem đánh răng, dầu gội, xà bông cục (rất cần vì cần phải rửa tay thường xuyên),…
- (3) Nước uống, lương thực khô như bánh ngọt, mì gói, sữa… Vì số lượng người đi cách ly rất lớn nên các bác sĩ hay lực lượng phục vụ trong khu cách ly sẽ bị quá tải, có thể bị chậm trễ trong mấy ngày đầu.
Hiện nay, đa số bệnh viện dã chiến là những chung cư bỏ trống, ký túc xá đại học nên có rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, hạn chế trong thời gian đầu nên mọi người cố gắng hợp tác với nhân viên y tế để cùng vượt qua dịch bệnh. Sau 1-3 ngày ổn định người nhà có thể đem đồ gửi tới khu cách ly.
Cách ly ở nhà:
- Những thứ cần chuẩn bị:
- Thực phẩm hoặc viên uống có chứa nhiều vitamin, đặc biệt vitamin C như ổi, cam, rau củ,…
- Nước súc miệng có thể là nước muối sinh lý, nước súc miệng sát khuẩn,…
- Thuốc: thuốc hạ sốt có chứa paracetamol, thuốc ho, thuốc trị tiêu chảy.
- Túi rác cần ghi nhãn “ CHẤT THẢI NGUY CƠ CHỨA SARS-Cov-2”.
- Thiết bị theo dõi sức khỏe như nhiệt kế, máy đo SpO2, điện thoại thông minh để kê khai các triệu chứng gặp phải cho cán bộ y tế theo dõi (Có thể sử dụng ứng dụng Vietnam health declaration).
- Cách ly người bệnh:
- Đeo khẩu trang và cách ly ở một phòng riêng biệt.
- Giữ khoảng cách với mọi người ít nhất 2 mét.
- Phòng cách ly phải thông thoáng, mở cửa sổ thường xuyên. Hạn chế sử dụng điều hòa, không dùng loại điều hòa với hệ thống điều hòa trung tâm.
- Không mua máy tạo oxy, máy thở để dự trữ vì dễ gây cháy nổ và không có chuyên môn để sử dụng.
- Đảm bảo an toàn cho người xung quanh
- Thực hiện 5K, không tiếp xúc với người xung quanh, kể cả vật nuôi.
- Che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay áo hoặc khăn vải, khăn giấy.
- Rác thải của người bệnh được thu gom vào bọc rác riêng và liên hệ trạm y tế phường để xử lý.
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng đặc biệt sau khi ho, hắt hơi.
- Vệ sinh, khử khuẩn các bề mặt người bệnh tiếp xúc thường xuyên.
- Có phòng tắm riêng, đồ dùng cá nhân như ly, chén, đũa muỗng,… cho người bệnh, không dùng chung với người không có bệnh. Người bệnh tự giặt quần áo, vệ sinh đồ vật.
- Người chăm sóc cần chú ý
- Cần đeo khẩu trang và tấm chắn giọt bắn khi tiếp xúc với người bệnh
- Sau khi tiếp xúc phải tháo bỏ khẩu trang và rửa tay bằng dung dịch cồn.
- Khẩu trang sau khi dùng phải bỏ vào túi rác riêng. Tấm chắn giọt bắn nếu tái sử dụng cần khử khuẩn bằng dung dịch chứa cồn, phơi ngoài nắng và để khô ráo, thoáng mát.
- Không ôm đồ dùng cá nhân, quần áo bẩn của người bệnh.
3. Chăm sóc sức khỏe F0
Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người bệnh:
- Những người mắc covid 19 sẽ thường sẽ có tâm lý sợ hãi, lo lắng vì tình trạng của bản thân, tự trách vì mình mắc covid ảnh hưởng tới nhiều người xung quanh. Những cảm xúc tiêu cực sẽ làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh.
- Tạo cảm giác thoải mái, động viên người bệnh để họ yên tâm điều trị. Người thân có thể nói chuyện nhiều hơn với họ qua các ứng dụng điện thoại.
- Có thể nghe nhạc, xem phim, đọc sách để người bệnh cảm thấy thư giãn.
Chăm sóc các triệu chứng cho người bệnh:
- Đo nhiệt độ 2 lần/ ngày, nhiệt độ bình thường là 36-37,5 độ C.
- Khi bị sốt cần theo dõi nhiệt độ 2 giờ/lần cho đến khi trở về bình thường, khi sốt trên 38,5 độ C mới sử dụng thuốc hạ sốt.
- Chú ý thông báo nhân viên y tế phụ trách khi sốt trên 39 độ C.
- Uống nhiều nước vì khi sốt gây mất nước của cơ thể, có thể thay nước bằng nước trái cây hoặc vitamin C.
- Đảm bảo dinh dưỡng để nâng thể trạng.
- Mặc quần áo thông thoáng, thoải mái.
- Đo nhịp thở 2 lần/ngày, nhịp thở bình thường 16-20 nhịp/phút, chú ý trường hợp tăng nhịp thở, thở gấp.
- Đo độ bão hòa oxy (SpO2) trong máu 2 lần/ngày, SpO2 bình thường ≥ 95%. Khi SpO2 giảm 94-90% cần liên hệ ngay cho nhân viên y tế phường để được tư vấn nhập viện. Tránh để nồng độ oxy giảm thấp có thể gây nguy hiểm cho người bệnh.
- Khi bị ho có thể sử dụng thuốc giảm ho, vệ sinh mũi họng bằng dung dịch sát khuẩn hoặc nước muối sinh lý 3 lần/ngày. Giữ ấm cơ thể nhất là vùng mặt, cổ.
- Khi mệt mỏi không nên nằm trên giường quá lâu, nên vận động nhẹ nhàng trong phòng.
- Khi bị đau cơ, đau đầu có thể sử dụng thuốc giảm đau, không nên nằm 1 tư thế quá lâu, có thể vận động hoặc tập thể dục tại giường.
- Với người thay đổi vị giác
- Khởi đầu từ ăn nhạt tới thay đổi vị giác.
- Dùng thức ăn khi còn ấm vì thức ăn khi nóng có vị đậm đà hơn.
- Dùng kẹo chua, kẹo bạc hà, kẹo cao su trước và sau bữa ăn nếu bị khô miệng. Vì các loại kẹo này sẽ kích thích tuyến nước bọt.
- Vệ sinh răng miệng để tạo cảm giác ngon miệng.
- Người chán ăn
- Chia nhỏ bữa ăn 4-6 lần/ ngày, không bỏ bữa.
- Nếu cảm thấy khó nhai nuốt có thể thay thế cơm bằng thực phẩm dinh dưỡng khác như cháo, sữa, súp,…
- Nếu bị tiêu chảy cần uống nhiều nước, bổ sung đầy đủ, dinh dưỡng. Uống thuốc cầm tiêu chảy, sử dụng dung dịch bù điện giải như oresol, hydrite,…
Lưu ý:
- Không nên dùng thuốc khi không có triệu chứng.
- Những người có bệnh nền vẫn dùng thuốc điều trị như bình thường.
- Không tự ý sử dụng thuốc như kháng sinh khi điều trị virus, chỉ sử dụng thuốc kháng viêm theo chỉ định của bác sĩ.
- Cần gọi cấp cứu khi có biểu hiện:
- Khó thở, thở nhanh, thở khò khè.
- Đau tức ngực, lờ đờ, hoa mắt, chóng mặt.
- Không tự ra khỏi giường ha tự chăm sóc bản thân.
Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 gia tăng, việc chăm sóc người bệnh tại nhà đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng để giảm tải cho hệ thống y tế. Những biện pháp và lưu ý về chăm sóc sức khỏe trên đây sẽ giúp bạn quản lý tình trạng của người bệnh một cách hiệu quả nhất. Hãy cố gắng duy trì “tinh thần lạc quan – bữa ăn dinh dưỡng – duy trì sức khỏe” để chống lại Covid 19.
Dược Bình Đông hy vọng rằng thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn và gia đình có thêm kiến thức để đối phó với tình hình dịch bệnh hiện nay. Chúng tôi luôn đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ bạn trong việc bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch. Hãy giữ vững tinh thần lạc quan, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý và chăm sóc sức khỏe để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Nếu bạn cần thêm thông tin hoặc hỗ trợ, vui lòng liên hệ với Dược Bình Đông qua hotline (028) 39 808 808.
Xem thêm: Lưu ý khi tiêm phòng covid19