Trong năm 2024, cả nước ghi nhận 289.214 ca mắc cảm cúm – một con số khiến không ít người hoang mang khi bệnh liên tục xuất hiện ở nhiều tỉnh thành lớn. Số ca mắc lớn trong năm khiến nhiều người không khỏi lo lắng, đặc biệt khi cúm mùa có thể lây lan nhanh và ảnh hưởng đến sức khỏe của cả gia đình.
Tuy nhiên, cúm mùa có thực sự nguy hiểm như nhiều người lo sợ? Làm sao để phân biệt cúm với cảm lạnh thông thường? Và quan trọng hơn, làm cách nào để giảm nhanh các triệu chứng tại nhà và phòng ngừa hiệu quả? Cùng Dược Bình Đông tìm hiểu chi tiết qua bài viết này
1. Cúm mùa là gì?
Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm (Influenza) gây ra. Bệnh này thường xuất hiện rải rác quanh năm nhưng bùng phát mạnh vào mùa đông xuân ở miền Bắc, mùa mưa tại miền Nam hoặc các thời điểm giao mùa khi thời tiết thay đổi thất thường.
Virus cúm rất dễ lây từ người sang người qua các giọt bắn nhỏ khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc chạm vào bề mặt nhiễm mầm bệnh. Giai đoạn lây lan mạnh nhất của cúm thường kéo dài từ 1 ngày trước đến 5 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên.

Cúm mùa rất dễ lây lan từ người sang người
Tại Việt Nam, bệnh cúm mùa chủ yếu do 3 nhóm virus cúm A, B và C gây ra, trong đó cúm A và cúm B là 2 chủng thường gặp nhất ở người. Đáng lưu ý, virus cúm còn có khả năng biến đổi liên tục theo thời gian, tạo ra nhiều chủng mới khiến cơ thể chưa kịp hình thành miễn dịch.
Chính vì thế, mỗi năm đều có nguy cơ xảy ra các đợt bùng phát cúm theo mùa, thậm chí có thể lan rộng thành dịch nếu không được kiểm soát kịp thời. Do đó, một số nhóm đối tượng đặc biệt lưu ý như trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh mãn tính hoặc có sức đề kháng yếu do thói quen sinh hoạt thiếu khoa học.
Theo thống kê, có đến 75% ca mắc cúm không xuất hiện triệu chứng điển hình, khiến việc nhận biết sớm trở nên khó khăn. Tuy vậy, phần lớn các trường hợp vẫn có biểu hiện liên quan đến đường hô hấp trên, dễ nhận thấy như sau:
- Cảm giác sốt hoặc ớn lạnh bất chợt, kèm run nhẹ trong người.
- Đau nhức cơ thể, đặc biệt là vùng lưng, vai, bắp tay hoặc chân.
- Nhức đầu âm ỉ, đôi khi kéo dài trong suốt thời gian bị bệnh.
- Mệt mỏi kéo dài, khó tập trung, cảm giác uể oải.
- Ho khan hoặc ho có đờm, thường đi kèm với cảm giác rát cổ họng.
- Viêm họng, đau họng khi nuốt hoặc nói chuyện.
- Nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi liên tục.

Hắt hơi liên tục gây nhiều bất tiện khi sinh hoạt
Một điểm đáng lưu ý khác mà nhiều người dễ nhầm lẫn cúm mùa với cảm lạnh thông thường vì cả 2 đều là bệnh do virus gây ra. Thực tế, cảm lạnh thường nhẹ hơn, ít ảnh hưởng đến sức khỏe và nhanh khỏi mà không cần điều trị gì đặc biệt. Do đó, bạn cần phân biệt sớm để tránh chủ quan trong việc điều trị.
Cúm mùa thông thường sẽ thuyên giảm sau khoảng 5-7 ngày nếu được chăm sóc đúng cách tại nhà. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài quá một tuần hoặc trở nên nghiêm trọng như sốt cao liên tục trên 3 ngày, thở nhanh, tức ngực, cảm giác hụt hơi, đau đầu dữ dội hoặc lừ đừ kéo dài,… bạn nên tới bệnh viện hoặc các trung tâm y tế để chữa trị kịp thời nhằm hạn chế những biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa, nhiễm trùng huyết, viêm cơ tim,…
2. Cách giảm triệu chứng cúm mùa tại nhà
2.1. Sử dụng thuốc khi cần thiết
Trong giai đoạn đầu của cúm, các triệu chứng điển hình như sốt cao, đau nhức toàn thân, cảm giác mệt mỏi và đau đầu kéo dài gây nhiều khó chịu cho người bệnh. Để làm dịu những triệu chứng này, bạn có thể sử dụng thuốc không kê đơn phù hợp như thuốc hạ sốt giảm đau:
- Paracetamol giúp hạ sốt và giảm đau nhẹ đến vừa.
- Ibuprofen hỗ trợ giảm viêm, giảm đau và hạ sốt.
- Aspirin có tác dụng tương tự nhưng không dùng cho trẻ em hoặc người có bệnh dạ dày.
Ngoài ra, một số nhóm thuốc khác cũng được sử dụng nhằm hỗ trợ làm giảm các triệu chứng đi kèm như nghẹt mũi, sổ mũi, ho, đờm nhiều, dị ứng,… bao gồm các thuốc: thuốc co mạch tại chỗ cho mũi, thuốc giảm ho, thuốc tiêu đờm và thuốc kháng histamin,…
Mặt khác, bệnh nhân không thuộc nhóm nguy cơ cao thường không cần dùng thuốc đặc trị, chỉ cần nghỉ ngơi, điều trị triệu chứng và nên ở nhà để hạn chế lây lan. Ngược lại, các trường hợp cúm nặng hoặc có nguy cơ biến chứng sẽ cần dùng thuốc kháng virus càng sớm càng tốt để giảm triệu chứng, rút ngắn thời gian bệnh và ngăn ngừa biến chứng.
Tuy nhiên, bạn chỉ nên sử dụng thuốc giảm đau khi thật sự cần thiết, chẳng hạn như khi sốt trên 38.5°C hoặc đau quá mức gây mệt mỏi, mất ngủ,.… bởi vì khi lạm dụng hoặc dùng quá liều có nguy cơ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng gan, thận.
Nếu chưa chắc chắn về cách sử dụng, bạn hãy tham khảo thêm hướng dẫn chi tiết hoặc ý kiến từ dược sĩ, bác sĩ chuyên môn để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị.
2.2. Các mẹo dân gian giúp giảm triệu chứng cúm mùa
Nhiều loại cây thuốc nam quen thuộc trong đời sống hằng ngày có khả năng giúp làm dịu cổ họng, giảm ho, thông thoáng đường thở và hỗ trợ cải thiện triệu chứng cúm. Những mẹo dân gian này không chỉ đơn giản, dễ thực hiện mà còn an toàn, phù hợp với mọi đối tượng, kể cả trẻ nhỏ.
- Gừng có tính ấm, giúp làm ấm phổi, giảm ho, tiêu đờm và tăng sức đề kháng. Để sử dụng, bạn có thể dùng vài lát gừng tươi pha với nước sôi, thêm một ít mật ong và uống khi còn ấm hoặc cho vào cháo nóng.
- Tía tô có tính ấm, vị cay, có tác dụng làm ra mồ hôi, lợi tiểu, chữa nóng sốt, cảm gió và cảm lạnh. Với tía tô, bạn dùng để nấu cháo hoặc hãm thành trà uống khi còn ấm, dùng trong ngày để hỗ trợ giải cảm nhẹ.
- Tỏi có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm giúp ức chế vi khuẩn và virus, từ đó hỗ trợ giảm ho, cảm cúm và sốt nhẹ. Bạn nên nướng nguyên tép tỏi cho thơm, sau đó giã nhuyễn và pha cùng nước ấm để uống hoặc có thể băm tỏi rồi cho vào cháo ăn hằng ngày.
- Húng chanh chứa nhiều tinh dầu giúp có khả năng sát khuẩn đường hô hấp, làm dịu cổ họng và hỗ trợ long đờm và thường được dùng trong các trường hợp ho, sổ mũi, cảm lạnh, kể cả ở trẻ nhỏ. Để sử dụng, bạn có thể hấp lá húng chanh với khoảng 20g đường phèn bằng cách thủy, sau đó chắt lấy nước chia làm 3-4 lần uống trong ngày.

Húng chanh kết hợp đường phèn giảm các triệu chứng cúm
2.3. Các cách hỗ trợ giảm nhanh triệu chứng cúm mùa tại nhà
Một số phương pháp hỗ trợ tại nhà cũng có thể giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn, giảm nhanh các triệu chứng do cúm gây ra. Những biện pháp này đơn giản, dễ thực hiện nhưng lại mang đến hiệu quả rõ rệt nếu kiên trì áp dụng mỗi ngày.
- Nghỉ ngơi đầy đủ và ngủ đủ giấc để cơ thể hồi phục và tăng khả năng chống lại virus.
- Uống nhiều nước ấm (trung bình 2-2.5 lít mỗi ngày) giúp bù nước và làm loãng đờm, dịu cổ họng và giữ cho niêm mạc hô hấp không bị khô rát.
- Giữ ấm cơ thể, nhất là tai, mũi, họng, vùng ngực giúp bảo vệ cơ thể khỏi khí hậu lạnh, đặc biệt vào giai đoạn chuyển mùa
- Súc miệng bằng nước muối sinh lý giúp sát khuẩn nhẹ, giảm viêm và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây kích ứng.
- Xông hơi, xông mũi họng bằng nước ấm hoặc với các thảo dược như như sả, chanh, bạc hà, tía tô giúp làm thông thoáng đường hô hấp, giảm nghẹt mũi, đau đầu và kích thích tuyến mồ hôi hoạt động để loại bỏ độc tố.
- Ngâm chân hoặc tắm nước ấm giúp giãn mạch máu, tăng lưu thông máu, giảm đau nhức cơ bắp và làm dịu nghẹt mũi.
- Chườm nóng hoặc chườm lạnh để giảm cơn đau đầu, nghẹt mũi và giảm áp lực lên xoang.
- Duy trì độ ẩm không khí, bằng máy tạo ẩm hoặc đặt chậu nước trong phòng ngủ, giúp ngăn ngừa tình trạng khô họng, kích ứng niêm mạc, đặc biệt hữu ích trong mùa khô hoặc khi sử dụng điều hòa thường xuyên.
Đồng thời, bạn có thể sử dụng thêm một số sản phẩm hỗ trợ phổ biến trên thị trường như viên ngậm, xịt họng, cao lỏng hoặc siro ho,… chứa các thành phần kháng viêm tự nhiên, sát khuẩn nhẹ hoặc chiết xuất từ thảo dược theo nhu cầu sử dụng khác nhau.
2.3. Chế độ ăn uống phù hợp với người bị cúm mùa
Khi bị cúm mùa, một chế độ ăn uống nhẹ nhàng, dễ tiêu hóa như cháo loãng, súp rau củ, canh gà, cháo thịt bằm hoặc mì nước nấu mềm để dễ nuốt, giúp cơ thể dễ hấp thu và phục hồi nhanh chóng hơn. Đồng thời, các món ăn này còn giúp cải thiện đáng kể các cảm giác khó chịu như vùng họng đang đau rát, giảm ho.
Bên cạnh đó, bạn có thể ưu tiên lựa chọn nhóm thực phẩm chứa nhiều vitamin C như cam, quýt, ổi, súp lơ xanh,… và thực phẩm giàu kẽm như trứng, hàu, hạt bí, ngũ cốc nguyên hạt để tăng cường sức đề kháng nhằm hỗ trợ cơ thể chống lại virus cúm hiệu quả.
Ngược lại, trong thời gian bị cúm, bạn cần hạn chế các món ăn gây nóng trong hoặc khó tiêu như đồ chiên rán, thức ăn nhanh, đồ ngọt nhiều đường, thịt đỏ, gia vị cay nóng (ớt, tiêu), nước ngọt có gas và rượu bia,… dễ làm cơ thể bị kích thích khiến ho, viêm họng hoặc nghẹt mũi nặng hơn.

Hạn chế rượu bia
Ngoài ăn uống hợp lý, bạn cũng nên tránh những thói quen gây hại như stress kéo dài, thức khuya, uống rượu bia, hút thuốc lá hay ở trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi. Những thói quen này khiến hệ miễn dịch suy yếu, cổ họng dễ kích ứng và làm cho triệu chứng cúm mùa trở nên nặng hơn, lâu khỏi hơn.
3. Lối sống giúp hạn chế ảnh hưởng của cúm mùa
3.1. Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh
Một lối sống lành mạnh không chỉ giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng mà còn giảm đáng kể nguy cơ bị cảm cúm và rút ngắn thời gian phục hồi nếu đã mắc bệnh. Những thói quen đơn giản dưới đây có thể tạo ra sự khác biệt rõ rệt:
- Ăn uống đúng giờ và đủ chất với 4 nhóm chất dinh dưỡng chính (đường bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất) để cơ thể có đủ năng lượng phục hồi các tổn thương ở niêm mạc hô hấp.
- Ngủ đủ giấc, từ 7-8 tiếng mỗi đêm, đặc biệt nên ngủ trước 23h để cơ thể tái tạo hiệu quả, hỗ trợ phổi và hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn.
- Duy trì vận động nhẹ nhàng mỗi ngày, tối thiểu 30 phút và kiên trì 5 ngày mỗi tuần giúp lưu thông máu, cải thiện chức năng phổi và tăng cường khả năng đào thải độc tố qua tuyến mồ hôi.
- Duy trì cân nặng ổn định giúp giảm áp lực lên các cơ quan và giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính, vốn là yếu tố làm suy yếu hệ miễn dịch.
- Cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi vì khi làm việc quá sức, thiếu nghỉ ngơi khiến cơ thể suy nhược và dễ nhiễm bệnh
3.2. Phòng ngừa lây nhiễm gây cúm mùa
Khi chủ động phòng tránh tốt, bạn không chỉ giảm nguy cơ mắc cúm mà còn góp phần hạn chế lây lan trong cộng đồng, bảo vệ người thân và những người xung quanh – đặc biệt là trẻ nhỏ, người lớn tuổi hoặc người có bệnh nền.
Một số biện pháp phòng ngừa cúm mùa bạn nên duy trì hằng ngày:
- Tiêm vaccine cúm mùa hàng năm để tạo kháng thể chủ động, đặc biệt quan trọng với người lớn tuổi, trẻ nhỏ và người có bệnh nền.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, đặc biệt sau khi ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc nơi công cộng.
- Hạn chế đến nơi đông người, không gian kín hoặc tiếp xúc gần với người đang có triệu chứng cảm cúm.
- Sử dụng khẩu trang ở nơi công cộng để giảm nguy cơ lây nhiễm qua giọt bắn trong không khí.
- Vệ sinh không gian sống, lau dọn các bề mặt thường xuyên chạm vào như tay nắm cửa, điện thoại, bàn làm việc,…
- Duy trì nhiệt độ phòng trên 20 oC và độ ẩm từ 50% trở lên để hạn chế khô niêm mạc, giảm nguy cơ kích ứng đường hô hấp.

Sử dụng máy tạo ẩm để có độ ẩm thích hợp
4. Tổng kết
Cúm mùa là một bệnh hô hấp phổ biến nhưng không thể xem nhẹ, nhất là với những người có sức đề kháng yếu như trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai hay người mắc bệnh mãn tính. Nếu không chăm sóc đúng cách, cúm mùa có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa và giảm nhẹ triệu chứng bằng cách duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống hợp lý, nghỉ ngơi đầy đủ và áp dụng các biện pháp hỗ trợ tại nhà.
Bên cạnh các phương pháp trên, bạn có thể tham khảo thêm sản phẩm bảo vệ sức khỏe Thiên Môn Bổ Phổi của Dược Bình Đông – được chiết xuất từ các dược liệu quý như Thiên môn đông, Bách bộ, Trần bì, Gừng, Kinh giới,… giúp hỗ trợ giảm ho, tiêu đờm, làm dịu cổ họng và tăng cường sức khỏe hệ hô hấp, từ đó giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn sau cúm mùa.
Lưu ý: Các sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.